Năm 2011 là năm diễn ra Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tập huấn công tác tổ chức Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp cho cán bộ Hội. - Ảnh: N.DUNG
Nhằm giúp cho mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ vươn lên đóng góp sức mình vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, vào phong trào phụ nữ và nhiệm vụ của từng cấp Hội, làm cho xã hội cùng quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện cho hoạt động Hội và phong trào phụ nữ, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến phụ nữ cũng như thúc đẩy bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã triển khai các hướng dẫn khá cụ thể. Đó là, phương pháp thảo luận, xác định nhu cầu của phụ nữ và những vấn đề ưu tiên tại các chi hội phụ nữ nhằm tìm ra những khó khăn, thách thức, các vấn đề đang đặt ra đối với hội viên, phụ nữ và đưa ra giải pháp để giải quyết những vấn đề ưu tiên đó; phương pháp lựa chọn vấn đề đó.
Trên cơ sở định hướng mục tiêu tổng quát các nhiệm vụ, nội dung hoạt động lớn của BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam và việc lựa chọn các vấn đề ưu tiên, các cấp Hội sẽ xây dựng nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Việc xác định vấn đề ưu tiên được tiến hành từ các chi hội phụ nữ, do hội viên, phụ nữ thảo luận, xác định nhu cầu, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo số lượng hội viên, phụ nữ tại địa phương lựa chọn. Những thông tin này sẽ giúp Hội LHPN các cấp, đặc biệt là cấp xã xác định được những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội trong nhiệm kỳ 2011-2016.
Các tiêu chí lựa chọn vấn đề ưu tiên ở Hội LHPN cấp xã được đặt ra trên cơ sở xác định nhu cầu, nguyện vọng của nhóm phụ nữ (phụ nữ làm nông, nội trợ, tiểu thương…). Trong mỗi vấn đề ưu tiên, cần xem xét các tiêu chí như: mức độ phổ biến ảnh hưởng đến số đông phụ nữ, mức độ nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống phụ nữ. Hơn nữa, vấn đề đó phải phù hợp với ưu tiên của địa phương, ưu tiên của Hội và có nguồn lực để giải quyết. Tuy nhiên, để tránh dàn trải trong từng lĩnh vực, Trung ương Hội cũng khuyến cáo Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp không nên lựa chọn quá năm vấn đề ưu tiên. Trường hợp nhiều vấn đề, nhưng có số lượng lựa chọn như nhau thì nên chọn vấn đề có tiêu chí lựa chọn cao thông qua cách đặt vấn đề “Nếu Hội LHPN không làm thì không có tổ chức hoặc cá nhân nào làm.”…
Đối với Hội LHPN cấp huyện và cấp tỉnh, cần tổng hợp nhu cầu nguyện vọng của hội viên, phụ nữ ở cơ sở, cũng như nhóm đối tượng đặc thù và lựa chọn nhiều vấn đề cần giải quyết hơn. Trong từng vấn đề, cần quan tâm hơn đến tính khái quát, tính chiến lược của nó. Đồng thời, tổ chức thảo luận theo nhóm đối tượng hoặc thảo luận của BCH Hội để lấy ý kiến về nhu cầu của phụ nữ, những vấn đề hay những thách thức mà phụ nữ đang đối mặt. Chú trọng việc tìm hiểu mong muốn của phụ nữ đối với tổ chức Hội và khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ.
Bên cạnh việc hướng dẫn thực hiện phương pháp lựa chọn vấn đề ưu tiên, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng cho phép Hội LHPN các địa phương nghiên cứu vận dụng cho phù hợp với điều kiện cụ thể, có thể linh hoạt chủ động theo hướng: Cấp tỉnh vẫn thực hiện theo định hướng của Trung ương nhưng có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên theo tình hình của tỉnh; cấp huyện và xã không nhất thiết phải thực hiện tất cả các vấn đề định hướng, mà có thể lựa chọn những vấn đề phù hợp với tình hình phụ nữ tại địa bàn. Trong từng vấn đề định hướng cũng như trong từng hoạt động cụ thể, từng cấp hội sẽ lựa chọn những vấn đề ưu tiên do chính những hội viên phụ nữ lựa chọn, phù hợp với từng địa phương để thuận lợi hơn khi triển khai thực hiện. Như vậy, ngoài nhiệm vụ và giải pháp chỉ đạo thực hiện chung, mỗi cấp hội đều có những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo thực hiện mang tính đặc thù. Tuy nhiên, để triển khai đến mỗi hội viên, phụ nữ cơ sở trong toàn hệ thống, tạo sức mạnh đoàn kết, sáng tạo… là tương đối khó, bởi thiếu nhân lực, đời sống của hội viên, phụ nữ còn khó khăn và trình độ của đa số chị em còn hạn chế. Do vậy, trong quá trình triển khai công tác Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp, bên cạnh việc tập huấn, thực hiện chỉ đạo làm điểm và rút kinh nghiệm kịp thời, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo sát sao của các cấp hội, sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự tạo điều kiện của chính quyền, các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội và mỗi tổ chức, cá nhân, chúng ta mới hy vọng giải quyết được những vấn đề lớn đặt ra đối với phong trào phụ nữ và hoạt động Hội ở mỗi địa phương trong nhiệm kỳ tới. Làm tốt được điều này là tổ chức hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy sự nghiệp bình đẳng giới trong mỗi địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.
NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh