Khu phố Long Bình, thị trấn La Hai là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Phú Yên. Địa danh này đã in đậm trong tâm trí các thế hệ người dân huyện Đồng Xuân nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn đang chung sức chung lòng xây dựng vùng quê cách mạng xứng đáng với truyền thống hào hùng.
Một góc khu phố Long Bình, thị trấn La Hai trong những ngày giáp tết. - Ảnh: P.NAM
Cách đây hơn 80 năm, ngày 5/10/1930, tại nhà của đồng chí Phan Lưu Thanh thuộc xóm Đồng Bé, thôn Phước Long, xã Xuân Long (nay là khu phố Long Bình thuộc thị trấn La Hai), Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Phú Yên được thành lập gồm 9 đồng chí: Phan Lưu Thanh, Bùi Xuân Cảnh, Nguyễn Phục Hưng, Phan Ngọc Bích, Nguyễn Hữu Tánh, Nguyễn Diệp, Nguyễn Thạnh, Phan Cao Lâm, Nguyễn Thị Hảo, do đồng chí Phan Lưu Thanh làm bí thư. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là dấu son chói lọi mở đầu cho quá trình đấu tranh cách mạng vô cùng anh dũng, vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên. Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên ra đời đã nhanh chóng tập hợp, tuyên truyền giác ngộ các tầng lớp nhân dân yêu nước, tiến bộ, phát triển tổ chức cơ sở đảng rất mạnh mẽ. Đến tháng 1/1931, Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên được thành lập tại thị trấn La Hai do đồng chí Phan Lưu Thanh làm bí thư.
Ngôi nhà ngói ba gian của đồng chí Phan Lưu Thanh bây giờ là Di tích lịch sử “Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Phú Yên” đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 18/6/1997. Khu di tích này hiện đang được Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và huyện Đồng Xuân nâng cấp mở rộng chuẩn bị kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển.
Ông Tô Văn Minh, Bí thư Chi bộ khu phố Long Bình phấn khởi cho biết: “Xóm Đồng Bé ngày xưa nghèo lắm!. Thời đó, cuộc sống của người dân rất cơ cực, bị thực dân đàn áp, khủng bố gắt gao nhưng người dân vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng. Sau ngày nước nhà độc lập, nhờ công cuộc đổi mới, Long Bình giờ đã đổi thay nhiều, cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện và khang trang. Nhà ở của dân đã được ngói hóa 100%, cuộc sống khấm khá hơn nhiều”.
Tiếp chuyện chúng tôi, Bí thư Đảng ủy thị trấn La Hai Nguyễn Hữu Từ cho biết, tuy gặp nhiều khó khăn do thiên tai, nhất là cơn bão lũ lịch sử đầu tháng 11/2009, nhưng với truyền thống cách mạng của quê hương, thời gian qua, địa phương vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế tương đối toàn diện. Trong đó phải nói đến việc đầu tư chuyển đổi cây trồng theo hướng thâm canh, tăng năng suất và chất lượng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hàng năm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 11%. Tổng diện tích gieo trồng trên 1.000ha/năm, sản lượng lương thực đạt 1.786 tấn, trong đó cây lúa 2 vụ 138ha, năng suất đạt trên 60 tạ/ha. Cây mía 250ha, trong đó trên 90% là mía cao sản, năng suất bình quân đạt 55 tấn mía cây/ha. Cây sắn 370ha, năng suất bình quân đạt 23 tấn tạ củ sắn tươi/ha. Thị trấn có gần 1.400 con bò, trong đó tỉ lệ bò lai chiếm 60%.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân thị trấn La Hai đã lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần to lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quân và dân thị trấn La Hai tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng từng bước tháo gỡ khó khăn, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, quyết tâm xây dựng vùng quê cách mạng ngày càng đổi mới và tiến kịp với đồng bằng.
Là địa bàn miền núi, nhưng thị trấn La Hai đang chuyển mình theo hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong 5 năm qua, thị trấn đã đầu tư xây dựng nhiều công trình như trụ sở hành chính, nghĩa trang liệt sĩ, nhà sinh hoạt cộng đồng các khu phố, xây dựng trạm y tế, mở rộng hệ thống nước sạch, kiên cố hóa kênh mương, sửa chữa các tuyến giao thông nông thôn, đảm bảo việc đi lại, thông thương hàng hóa và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thị trấn hiện có trên 2.350 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 5/5 khu phố và 4 cơ quan được công nhận văn hóa. Tỉ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 3-3,5%, hiện chỉ còn 20% hộ nghèo. Năm 2008, ngôi trường THCS ba tầng khang trang mang tên đồng chí Phan Lưu Thanh, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Phú Yên được xây dựng và hoàn thành giai đoạn 1, vốn đầu tư 6,6 tỉ đồng, hiện nay đang tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 với khối nhà thực hành, thư viện sách báo. Đây là ngôi trường nhiều năm liền luôn giữ vững tiên tiến xuất sắc. Thị trấn giữ vững chuẩn quốc gia về công tác phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Bí thư Đảng ủy thị trấn Nguyễn Hữu Từ cho biết thêm, với tổng số gần 200 đảng viên, các tổ chức sơ sở Đảng thường xuyên được củng cố và kiện toàn nên chất lượng sinh hoạt ngày càng cao; đảng viên luôn gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực, phong trào; Đảng bộ đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo toàn diện, nhất là quán triệt học tập các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh.
PHƯƠNG