Thứ Hai, 30/09/2024 22:33 CH
Tìm hiểu nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X:
Bài 2: Sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển
Thứ Tư, 30/08/2006 08:10 SA

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, nền kinh tế nước ta có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,51%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Song, cho đến nay nước ta vẫn trong tình trạng kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người hơn 600 USD, xếp vào loại quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp.

 

Đại hội X đã phân tích những khó khăn và thuận lợi đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và đề ra mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

 

Trong các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, Nghị quyết Đại hội X đề ra mức tăng trưởng kinh tế đạt 7,5 – 8%/năm và phấn đấu đạt trên 8%. Theo đó, GDP bình quân đầu người dự kiến đạt 950 USD vào năm 2009 và 2010 xấp xỉ 1100 USD. Với mức thu nhập này, nước ta vượt qua ngưỡng nước có thu nhập thấp và đứng vào nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng ở mức thấp. Như vậy, việc đề ra mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển là quãng thời gian của nhiệm kỳ 2005-2010.

 

Đối với nước ta, nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn thì vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Các giải pháp quan trọng là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, đưa nhanh khoa học và công nghệ vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp và hoạt động dịch vụ ở nông thôn, phát triển các làng nghề, kinh tế trang trại, đa dạng các loại hình kinh tế hợp tác, đẩy nhanh việc sắp xếp lại và đổi mới quản lý các nông, lâm trường. Cần tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở nông thôn, giải quyết các vấn đề xã hội ở nông thôn, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho nông dân và cho lao động nông thôn, nhất là các vùng Nhà nước thu hồi đất để xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các cơ sở phi nông nghiệp. Coi trọng xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

 

Đối với việc phát triển các doanh nghiệp, cần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của tất cả các loại hình doanh nghiệp, trong đó tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước theo hướng: hình thành các công ty Nhà nước có nhiều chủ sở hữu; thực hiện nguyên tắc thị trường trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Định hướng tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh và có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Đến cuối năm 2005, chúng ta đã có trên 20 vạn doanh nghiệp của tư nhân, hơn 2,5 triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp và gần 11 triệu hộ nông dân sản xuất hàng hóa. Kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 39% GDP, sử dụng trên 90% số lao động có việc làm thường xuyên, đóng góp trên 32% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần quan trọng cải thiện đời sống nhân dân và giữ vững ổn định chính trị – xã hội của đất nước. Chiến lược phát triển đến năm 2010 định hướng đưa số lượng doanh nghiệp tư nhân từ 220.000 hiện nay lên 500.000 doanh nghiệp là một chủ trương mang tính đột phá, bảo đảm cho kinh tế tư nhân phát huy được đầy đủ tiềm năng và thế mạnh, tạo sức bật lớn cho nền kinh tế.

 

Theo tinh thần Đại hội X, cần phát triển nhanh khu vực dịch vụ. Hiện nay, hoạt động dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu trong khi tiềm năng còn rất lớn. Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế, chúng ta cần tranh thủ thời cơ để hội nhập kinh tế quốc tế, tạo bước phát triển vượt bậc của khu vực dịch vụ. Chính vì vậy, Đại hội X đã đề ra mục tiêu tăng trưởng khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng GDP. Do đó, các chính sách kinh tế cần ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng lớn và sức cạnh tranh cao, phát triển các dịch vụ mới, nhất là những dịch vụ cao cấp, dịch vụ có hàm lượng trí tuệ cao, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, tài chính, du lịch…

 

Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, cần chủ động và khẩn trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài và tích cực đầu tư ra ngoài nước, đổi mới công nghệ và trình độ quản lý, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của sản phẩm và dịch vụ Việt Nam tại thị trường trong nước và trên thế giới. Tăng nhanh giá trị hàng hóa xuất khẩu, chủ động về nhập khẩu, kiềm chế và thu hẹp dần nhập siêu; phấn đấu tăng nhanh tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, giàu hàm lượng công nghệ, hạn chế và tiến tới chấm dứt xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và nông sản chưa qua chế biến. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thị trường ổn định cho các mặt hàng có khả năng cạnh tranh; tăng thêm thị phần ở các thị trường lớn và khai mở các thị trường còn nhiều tiềm năng.

 

TS PHẠM VĂN KHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek