Thứ Sáu, 04/10/2024 14:35 CH
Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa V:
Chất vấn các vấn đề cử tri quan tâm
Thứ Bảy, 25/12/2010 07:17 SA

Hôm qua (24/12), kỳ họp lần thứ 19, HĐND tỉnh khóa V dành trọn buổi sáng để chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường đối với các sở: Công Thương, Kế hoạch-Đầu tư, NN-PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế và Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ.

 

THÁNG 3/2011 SẼ HOÀN THÀNH DỰ ÁN RE2 

 

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến việc đầu tư Dự án năng lượng nông thôn giai đoạn 2 (RE2) tiến độ triển khai chậm, đại biểu Đào Tấn Cam (Giám đốc Sở Công Thương) cho biết: Dự án RE2 đoạn qua xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) được khởi công ngày 13/10/2008, dự kiến ngày 31/3/2011 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ, do công tác giải phóng mặt bằng nên việc lập phương án chi trả tiền đền bù cho dân mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, sau khi nhận tiền đền bù, người dân không tự chặt cây cối để giải phóng hành lang tuyến cho đơn vị thi công triển khai căng dây. Ngoài ra, các trạm biến áp đã hoàn thành việc thi công và đủ điều kiện đóng điện là Quảng Mỹ, Mỹ Thành, Thạnh Phú 1, Thạnh Phú 2, đơn vị thi công đã đấu nối vào trạm biến áp để đưa vào sử dụng, nhưng HTX Hòa Mỹ Tây đề nghị cắt các điểm đấu nối này do chưa sử dụng... Vì vậy, dự án chậm trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư (Ban quản lý dự án RE 2) do thiếu sự đôn đốc của chính quyền địa phương và đơn vị thi công (Công ty TNHH  Tiến Đạt). Sở Công Thương đang vận động nhân dân giải phóng hành lang tuyến để căng dây, đóng điện cũng như thúc nhắc HTX Hòa Mỹ Tây sớm chuẩn bị công tơ điện và các phụ kiện liên quan để Công ty Điện lực Phú Yên tiếp hành lắp đặt.

 

TIẾP TỤC TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN TẠI KHU KINH TẾ

 

Tiếp sau phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Công Thương, lần lượt các đại biểu Trương Phước Cường (Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Phú Yên) và đại biểu Nguyễn Chí Hiến (Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư) trả lời chất vấn ý kiến của cử tri và các đại biểu dự họp về tiến trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư và tái định cư ở Khu Kinh tế Phú Yên.

 

Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Trương Phước Cường trả lời: Ngày 26/11/2010, Ban quản lý Khu Kinh tế Phú Yên đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng, dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) bao gồm: cảng Bãi Gốc, Khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm, Khu công nghiệp đa ngành. Tiến độ giải phóng mặt bằng từ quý IV/2010 đến quý IV/2015. Ngày 10/12/2010, UBND tỉnh có Quyết định 2038 phê duyệt dự án Trung tâm hành chính và dân cư mới xã Hòa Tâm giai đoạn 1 (từ năm 2010-2011) trên diện tích 25ha trong tổng số 60ha. Ngày 9/12/2010, Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát đã nộp tiền ký quỹ đầu tư 10 tỉ đồng. Như vậy, hai dự án lọc hóa dầu Hòa Tâm và Trung tâm hành chính và dân cư mới xã Hòa Tâm vẫn tiếp tục triển khai. Riêng các dự án thủy lợi phục vụ nuôi tôm, sản xuất nông nghiệp và các chương trình xã hội an sinh như: xóa nhà tạm, xây dựng trạm y tế… để phục vụ đời sống nhân dân trong vùng dự án, Ban quản lý Khu Kinh tế Phú Yên thông tin thêm: Về thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp 124ha ở xã Hòa Tâm, trong đó có 89ha lúa nước của người dân xã Hòa Tâm, 35ha lúa nước do người dân ở các xã Hòa Hiệp Nam và Hòa Xuân Đông xâm canh, hiện hệ thống thủy lợi vẫn hoạt động bình thường. Nếu có thiên tai và hư hỏng xảy ra thì UBND huyện Đông Hòa kịp thời khắc phục để ổn định sản xuất. Vấn đề sửa chữa nhà ở dột nát, xuống cấp của người dân trong vùng dự án trong khoảng thời gian từ năm 2011-2013 thì UBND huyện cấp phép xây dựng tạm. Nếu quá thời hạn trên thì cấp phép xây dựng chính thức. Các công trình phúc lợi, an sinh như trạm y tế, trường học… vẫn sử dụng bình thường, khi hư hỏng UBND huyện Đông Hòa sẽ tiến hành sửa chữa. Tuy nhiên, hiện các dự án ở Khu Kinh tế Phú Yên là dải đất ven biển, nên việc di dời dân gặp nhiều khó khăn, do quỹ đất eo hẹp. Vì vậy, đề nghị tỉnh di dời dân cư xã này sang xã khác, chứ quỹ đất các địa phương ở đây còn rất ít.

 

Đối với dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Hiến thông tin: Hiện nhà đầu tư đang lập phương án nâng công suất nhà máy lên 8 triệu tấn/năm. Ngày 14/12/2010, nhà đầu tư là Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đã báo cáo phương án của dự án. Cụ thể: quý I/2011 sẽ tiến hành di dân, từ tháng 2 đến 6/2011 sẽ rà phá bom mìn, khởi công, san lấp mặt bằng, hoàn chỉnh thiết kế, hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu và ký hợp đồng đầu tư.

 

Tháng 9/2011, chủ đầu tư sẽ giao thầu để triển khai xây dựng nhà máy… Làm rõ vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy) nêu lên 14 vấn đề khó khăn, bất cập mà người dân ở vùng dự án này đang chịu ảnh hưởng. Do đó, cần phải có phương án cụ thể để ổn định sản xuất, sinh kế cho người dân, cũng như triển khai thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

 

THỦY ĐIỆN CHỈ GIẢM LŨ CHỨ KHÔNG CẮT LŨ!

 

Phiên chất vấn trở nên sôi nổi với những vấn đề “nóng” xung quanh việc hơn 4 năm nhường đất cho công trình thủy điện Sông Ba Hạ, đến nay hàng trăm hộ dân ở các xã: Suối Trai, Krông Pa (huyện Sơn Hòa) vẫn chưa được cấp đất sản xuất, chưa được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo quy định, cũng như việc xả lũ trong thời gian qua của Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ. Đại biểu Nguyễn Quốc Hoàn (huyện Sơn Hòa) nêu: Từ khi khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, 208  hộ dân ở các xã Krôngpa, Suối Trai (huyện Sơn Hòa) và Ea Lâm, Ea Bá (huyện Sông Hinh) phải di dời đi nơi khác để nhường đất cho thủy điện. Bên cạnh đó, hàng trăm hộ dân này cũng mất hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp, nhưng đến nay việc san ủi đồng ruộng, xây dựng hệ thống thủy lợi và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp vẫn chưa được đơn vị này thực hiện. Năm 2008, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ đã tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư các công trình cống nước tự chảy vào cánh đồng ở xã Suối Trai, dự án trạm bơm buôn Lé (xã Krôngpa) và cống nước tự chảy ở xã Suối Trai để cung cấp nước tưới cho 300ha lúa, hoa màu. Thế nhưng, từ khi nhà máy thủy điện này hòa lưới điện quốc gia vào năm 2009, thì tất cả các dự án trên đều bị “treo”. Đến tháng 6/2010, công ty hứa với chính quyền địa phương sẽ hoàn thành việc xây dựng đồng ruộng tại xã Suối Trai, trạm bơm Buôn Lé trong quý III/2010 để phục vụ sản xuất. Song đến nay qua ba lần “hứa” các dự án này vẫn còn nằm trên giấy.

 

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ Võ Văn Tri khẳng định: Việc chậm đền bù, hỗ trợ cho dân, cũng như xây dựng hệ thống thủy lợi là do “vướng” đền bù, thủ tục đầu tư, thiết kế, thẩm định dự án, giải phóng mặt bằng... Công ty cam kết đến tháng 5/2011 sẽ khởi công xây dựng Trạm bơm điện buôn Lé và cống nước tự chảy xã Suối Trai. Riêng khoản tiền đền bù đất và hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm sẽ phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết trong thời gian đến.

 

Liên quan đến vấn đề xả lũ trong thời gian qua, đại biểu Đào Tấn Hoàng (TP Tuy Hòa), hỏi: Khi lập dự án thủy điện Sông Ba Hạ đã đặt hai lợi ích ngăn lũ và giảm lũ trong mùa mưa, tích nước trong mùa khô và sản xuất điện. Khi nhà máy hoạt động thì lũ không còn, nhưng năm 2009 và 2010 cường độ lũ lại tăng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Vậy thời gian tới có giảm được lũ hay không? Đại biểu Phạm Ngọc Phi (Tổng biên tập Báo Phú Yên) hỏi thêm: “Công trình Sông Ba Hạ ngoài cung cấp điện là cắt lũ. Nhưng từ khi hoạt động, lũ ngày càng tăng, dù có đền bù cũng không thể bù đắp thiệt hại cho dân. Vậy công ty giải quyết vấn đế này như thế nào? Đại biểu Trần Văn Mười, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị trên sông Ba hiện có 3 nhà máy thủy điện nên lũ xuống cùng một lúc, gặp thủy triều dâng thì hạ du bị ngập. Vì vậy, việc xả lũ trong thời gian đến công ty xử lý như thế nào? Không thể xả xong rồi bồi thường thiệt hại… là hết trách nhiệm! Đại biểu Trịnh Thị Nga cũng yêu cầu, công ty cần phải sớm trồng lại diện tích rừng bị hại khi làm thủy điện, để không ảnh hưởng đến môi trường.

 

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ Võ Văn Tri thừa nhận việc xả lũ trong thời gian qua là sai quy trình, gây thiệt hại cho người dân vùng hạ du. Sắp tới có lũ nữa hay không thì còn do thời tiết, thủy điện Sông Ba Hạ chỉ có chức năng giảm lũ. Vì hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ không thể chứa hết nước. Bên cạnh đó, trong thiết kế của thủy điện Sông Ba Hạ không có nhiệm vụ cắt lũ mà chỉ có nhiệm vụ giảm lũ, cấp nước cho hạ du và phát điện! Vì vậy, trong thời gian đến công ty sẽ thực hiện tốt quy trình vận hành liên hồ chứa! Khi xả thì thông báo sớm để người dân vùng hạ du biết sơ tán và giúp lãnh đạo kịp thời chỉ đạo và điều hành.

 

VĂN TÀI - TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek