Thứ Sáu, 04/10/2024 20:21 CH
50 năm hào khí Đồng khởi Hòa Thịnh
Thứ Ba, 21/12/2010 13:00 CH

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Đồng khởi Hòa Thịnh, Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 1, một trong những chứng nhân lịch sử chủ yếu tham gia lãnh đạo cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh - mở đầu cho phong trào Đồng khởi đồng bằng khu V trong chiến tranh chống Mỹ. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

hoa-thinh-101221.jpg

Nhân dân Hòa Thịnh dự lễ kỷ niệm 45 năm ngày Đồng khởi Hòa Thịnh. - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Bối cảnh tình hình địch - ta năm 1959-1960:

 

- Sau 2 năm (1958-1959) chống cộng, tố cộng, Mỹ - Diệm đã giết hại hàng ngàn cán bộ đảng viên, cơ sở cách mạng, tiến hành đánh phá phong trào cách mạng của Phú Yên, cũng như các tỉnh xung quanh.

 

Đi đôi với đánh phá phong trào cách mạng ở miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Ngô Đình Diệm đã xây dựng được bộ máy ngụy quân, ngụy quyền tay sai phản động từ cơ sở đến Trung ương, đã lần lượt loại trừ các phe phái không ăn cánh với chúng. Đế quốc Mỹ đã xây dựng được ngụy quân, ngụy quyền thành công cụ hiếu chiến do Mỹ điều khiển để đàn áp phong trào cách mạng ở Việt Nam, miền Nam và chuẩn bị tiến công miền Bắc.

 

Diệm tuyên bố “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”, hô hào “Bắc tiến”, “Lấp sông Bến Hải”.

 

Đến năm 1958 Mỹ - Diệm đã thiết lập xong bộ máy cai trị ở đồng bằng và nhiều vùng đất bằng ở miền núi. Bộ máy cai trị của chúng tạm ổn định bằng những chính sách khủng bố đàn áp dã man, độc tài hiếu chiến, đang chất chứa nhiều mâu thuẫn sâu sắc với các tầng lớp nhân dân và ngay một số trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền của chúng.

 

- Ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954 trôi qua. Mỹ - Diệm không những khước từ Hiệp định Giơnevơ mà còn thẳng tay đàn áp nhân dân, hò hét “Bắc tiến” càng làm cho nhân dân căm phẫn cực độ.

 

- Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng cán bộ, đảng viên, nhân dân và những người yêu nước đều thấy đối với Mỹ - Diệm, không thể đấu tranh chính trị đơn thuần được.

 

- Tháng 5/1959, Diệm công bố Luật 10/59 đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, mở phiên tòa xử và chém ngay tại chỗ những người cách mạng, chúng lê máy chém đi khắp nơi từ đô thị đến nông thôn, miền núi để đe dọa nhân dân ta, chúng nêu khẩu hiệu “Giết nhầm hơn thả sót”.

 

- Ngày 13/1/1959, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp lần thứ 15 ra Nghị quyết về đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam là “con đường bạo lực, lấy sức mạnh bạo lực của quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc Mỹ và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân…”.

 

Ban Chấp hành Tỉnh ủy Phú Yên tiếp nhận, nghiên cứu tổ chức thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và lãnh đạo chỉ đạo làm thí điểm “Đồng khởi” đầu tiên ở Phú Yên:

 

- Tháng 5/1959, đồng chí Nguyễn Hồng Châu (tức năm Phổ) Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đi họp Khu ủy Khu 5, để nghiên cứu học tập Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu 5 đi họp Trung ương về truyền đạt (đường đi về từ Phú Yên đến Khu 5 mất ít nhất 3 tháng).

 

- Cũng trong thời gian này, đồng chí Trần Suyền (Sáu Râu), Phó Bí thư Tỉnh ủy được đoàn cán bộ Trung ương cục từ Nam bộ ra Bắc do đồng chí Lê Duẩn, ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu, trên đường đi ghé vào Đắk Lắk mời một số đồng chí lãnh đạo các tỉnh Khu 5 đến để đồng chí nắm tình hình, trao đổi kinh nghiệm truyền đạt bản Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương.

 

- Sau 3 ngày đồng chí Trần Suyền về đến nhà, họp ngay một số đồng chí Tỉnh ủy có mặt tại nhà báo cáo tình hình làm việc với đồng chí Lê Duẩn ở Đắk Lắk, số anh em có mặt vô cùng phấn khởi và chủ trương làm thí điểm diệt tên ác ôn Thống Cường đại diện xã Xuân Phước có nhiều nợ máu với nhân dân ở tại Suối Trâu ngay trên đường ra vào căn cứ của Tỉnh ủy, rất trở ngại cho việc đi lại hoạt động của cách mạng.

 

- Để bảo đảm chắc thắng, đồng chí Trần Suyền, Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo và 3 đồng chí bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy trực tiếp thực hiện, kết quả diệt tên Thống Cường làm rung động bộ máy cơ sở ngụy quyền Xuân Phước và cả huyện Đồng Xuân, nhân dân rất phấn khởi, thuận lợi cho việc phát triển phong trào cách mạng.

 

- Đồng chí Nguyễn Hồng Châu (Năm Phổ), Bí thư Tỉnh ủy về tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ nhất, để kiểm điểm tình hình 5 năm qua và tổ chức học tập nghiên cứu Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương có liên hệ tình hình thực tế ở địa phương, đặc biệt đối với việc diệt tên ác ôn Thống Cường vừa qua và thực tế một số buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số nhất là đồng bào xã Thồ Lồ đã dùng chông bẩy bố phòng buôn, rẫy địch không dám vào lùng sục phá phách.

 

- Đại hội đã bầu Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới để lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương.

 

- Tất cả cán bộ đảng viên - những người có mặt tại Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất vô cùng phấn khởi như “Nắng lâu ngày gặp mưa” đưa đến Đại hội Đảng bộ luồng sinh khí mới. Tất cả đều tin tưởng vào đường lối đó, nhất định sẽ thành công và thắng lợi…

 

Đại hội phát huy dân chủ để mỗi đơn vị, địa phương tự liên hệ với tình hình thực tế ở đơn vị, địa phương mình và chủ động xây dựng kế hoạch để Thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu, phê duyệt cụ thể để mỗi địa phương thực hiện.

 

- Tỉnh ủy có đề cập đến tình hình huyện Tuy Hòa 1 đang có phong trào cách mạng tốt, có khả năng làm thí điểm nhưng phải được chuẩn bị đầy đủ báo cáo cho Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt từng bước một, từng công việc cụ thể, khi cho làm mới được làm.

 

- Tỉnh ủy tin tưởng với truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của Đảng bộ và nhân dân huyện Tuy Hòa 1, phong trào cách mạng sẽ phát triển mạnh.

 

Ban Chấp hành Huyện ủy Tuy Hòa 1 nghiên cứu thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương và lãnh đạo chỉ đạo “Đồng khởi” xã Hòa Thịnh ngày 22/12/1960.

 

- Đoàn đại biểu Huyện ủy Tuy Hòa 1 đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất gồm có 3 đồng chí Lê Xuân Mai (Sáu Lục), Bí thư Huyện ủy, Nguyễn Duy Luân (Chín Cao), Bùi Tân (Bảy Tính), Thường vụ Huyện ủy. Về đến cơ quan Huyện ủy tổ chức cho Ban Chấp hành Huyện ủy nghiên cứu học tập Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương một cách sâu sắc và phấn khởi, kiểm điểm tình hình và liên hệ thực tế đối chiếu các mặt công tác ở địa phương, đề ra các phương án thực hiện Nghị quyết 15 từng bước và báo cáo quyết tâm cho Thường vụ Tỉnh ủy thông qua bước đầu.

 

- Tổ chức hội nghị Huyện ủy mở rộng gồm có các Bí thư chi bộ, Bí thư Ban cán sự, cán bộ các Ban đảng của Huyện ủy để quán triệt Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương, đem lại cho Đảng bộ sự vui mừng phấn khởi tin tưởng, nhất định phong trào cách mạng sẽ phát triển nhanh chóng và con đường thắng lợi đã thấy rõ…

 

- Sau hội nghị Huyện ủy mở rộng các chi bộ Đảng ủy, Ban cán sự về truyền đạt phổ biến cho đảng viên, các tổ chức quần chúng hiểu rõ đường lối đấu tranh cách mạng miền Nam tạo nên một khí thế mới. Ai cũng muốn đóng góp, muốn cống hiến vào sự nghiệp chung của cách mạng, của Đảng.

 

- Phương án đầu tiên là diệt một số tên ác ôn, đầu sỏ, gian ác có nhiều nợ máu với nhân dân, mở thế kèm kẹp cho nhân dân nông thôn và miền núi, hạ uy thế của bọn phản động, bọn ngụy quyền cơ sở. Phương án được Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt.

 

- Ngày 11/11/1960, tổ chức diệt tên Nguyễn Y Chi, nhân viên cảnh sát quận kiêm Trưởng cuộc cảnh sát xã Hòa Mỹ tại nhà riêng của y, thu 2 súng (1 súng ngắn, 1 tiểu liên); diệt tên Nguyễn Ân thôn trưởng thôn Phước Giang, xã Hòa Xuân có nhiều nợ máu, nhà y nằm án ngữ cửa ngõ ra vào căn cứ cách mạng ở bãi Xếp xã Hòa Hiệp (căn cứ miền Đông). Sau các trận diệt ác này phong trào cách mạng đã phát triển nhanh chóng đều khắp, nhân dân vô cùng phấn khởi; lực lượng cơ sở phát triển ngày càng đông, bộ máy tề ngụy cơ sở ở nông thôn, miền núi tan rã, số cầu an lưng chừng bỏ việc, số viết thư xin đầu thú, số ngoan cố ban đêm trốn vào quận, tỉnh để ngủ, số có liên hệ với cơ sở ra sức thanh minh, chúng không làm hại cách mạng…

 

- Trước tình hình thuận lợi đó, Huyện ủy Tuy Hòa 1 báo cáo phương án cụ thể cho Thường vụ Tỉnh ủy và xin cho Huyện ủy Tuy Hòa 1 làm thí điểm “Phát động quần chúng nổi dậy lật đổ bộ máy ngụy quyền ở cơ sở, dựng lên bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân” bằng bạo lực chính trị của quần chúng là chủ yếu có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang (nay gọi là Đồng khởi).

 

- Phương án được chọn lấy xã Hòa Thịnh làm thí điểm “Đồng khởi” đầu tiên ở đồng bằng được Huyện ủy Tuy Hòa lập rất công phu tỉ mỉ, chính xác để xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt.

 

Phương án như sau:

 

- Đánh giá số lượng và khả năng chống cự của bộ máy ngụy quân, ngụy quyền ở cơ sở xã Hòa Thịnh và có lực lượng hỗ trợ của bọn bên trên thường xuyên có đại đội bảo an, lúc tại xã, lúc cơ động ở xã khác…

 

- Đánh giá nhân dân Hòa Thịnh, đặc biệt phong trào cách mạng của nhân dân suốt cả quá trình từ ngày Mỹ - Diệm chiếm đóng Hòa Thịnh, đặc biệt từ khi có Nghị quyết 15 đã được phổ biến, đều cốt cán quần chúng, phong trào phát triển nhanh…

 

- Đánh giá rõ số lượng, chất lượng các chi bộ đảng ở 5 thôn: Mỹ Trung, Mỹ Hòa, Mỹ Xuân, Mỹ Điền, Mỹ Phú, có 4 Ban cán sự Mỹ Cảnh, Mỹ Lâm, Cảnh Tịnh, Phú Hữu, có các tổ chức quần chúng thanh niên, phụ nữ, nông dân, các tổ chức đoàn thể đều có cốt cán của quần chúng để thông qua đó lãnh đạo đấu tranh hợp pháp, quần chúng đã có kinh nghiệm đấu tranh chống trưng cầu dân ý, chống bầu cử quốc hội của Diệm; đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đi lại làm ăn, đắp đập đưa nước vào ruộng, chống tố cộng, sẵn sàng xuống đường đấu tranh nếu có sự lãnh đạo của Đảng.

 

- Có đủ các loại cơ sở đơn tuyến như nhà ở, tiếp tế, liên lạc, binh vận đơn tuyến nắm địch; trong trường hợp nào, vẫn tồn tại bảo đảm an toàn giữ vững căn cứ cho Huyện ủy Tuy Hòa 1 (căn cứ Huyện ủy đóng tại Hòa Thịnh).

 

- Hầu hết gia đình binh lính, gia đình làm việc cho ngụy đều thông qua cốt cán nắm được, phần lớn đã trải qua các cuộc đấu tranh họ có tham gia.

 

- Đặc biệt có một số cơ sở trong tổ chức vũ trang của địch ta đã nắm được, đã trực tiếp gặp và giao nhiệm vụ cho họ, đáng tin cậy đó là: Đào Công Văn, cảnh sát trưởng xã kiêm trung đội trưởng dân vệ; Nguyễn Mã, trung đội phó dân vệ, ta cần sử dụng trong đợt này.

 

- Khả năng nghi binh địch, biến lực lượng ta ít thành nhiều, nhỏ thành lớn như các đơn vị có tên tuổi trong kháng chiến chống thực dân Pháp: đơn vị 377. 375. 380… từ có vũ khí thô sơ thành vũ khí tương đối hiện đại như: tiểu liên, lựu đạn, súng cối 60-81 ly v.v (như pháo dây giả tiếng nổ tiểu liên, pháo tống thay tiếng nổ lựu đạn, chuối cây bao ni lông giả súng cối 60-81 ly…).

 

- Vừa đột phá điểm Hòa Thịnh vừa kết hợp với hoạt động của đội công tác Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Tân, nghi binh bằng bè chuối thả trôi dọc sông v.v… làm cho địch bị động lúng túng để tạo điều kiện cho Hòa Thịnh đạt yêu cầu.

 

- Chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm để ủng hộ tiếp tế cho cách mạng, có nuôi quân đánh thắng giặc Mỹ.

 

Chuẩn bị một số thanh niên nòng cốt sẵn sàng thoát ly khi cách mạng kêu gọi.

 

- Sau khi kết thúc “Đồng khởi” Hòa Thịnh thắng lợi, tiếp tục phát động “Đồng khởi” liên tục mở rộng diện ra toàn huyện không để địch tập trung, dồn sức đánh phá điểm “Hòa Thịnh”.

 

- Có kế hoạch chuẩn bị đánh phục kích chống phản ứng của địch, không cho địch tiếp sức, củng cố bộ máy ngụy quân, ngụy quyền của địch tại Hòa Thịnh, giữ vững chính quyền cách mạng ở Hòa Thịnh…

 

- Liên tục động viên nhân tài vật lực, động viên thanh niên thoát ly, tiếp tục bổ sung các đơn vị, xây dựng lực lượng mới, bổ sung cho tỉnh…

 

- Xây dựng cơ sở căn cứ mới vừa làm cơ sở sản xuất vừa là nơi tập trung huấn luyện tân binh để bổ sung cho các đơn vị chiến đấu.

 

- Phương án báo cáo được Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt rất nhanh và rất phấn khởi, tin tưởng Đảng bộ Tuy Hòa làm nên sự kiện lịch sử đầu tiên về thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

 

- Thường vụ Tỉnh ủy cử đồng chí Huỳnh Lưu (Bảy già) Tỉnh ủy viên đến Tuy Hòa làm phái viên để theo dõi thực hiện phương án này; đồng thời chi viện cho Huyện ủy Tuy Hòa một tiểu đội vũ trang được huấn luyện, trang bị đầy đủ vũ khí gồm 5 đồng chí: Lê Thạnh (Hai Nóc), Dương Dụ (10 Đẹt), Nguyễn Mi, Nguyễn Văn Bảy, Võ Sanh, (2 tiểu liên, 1 súng ngắn, 2 súng trường) do đồng chí Sáu Soạn làm tiểu đội trưởng.

 

- Huyện ủy sử dụng 3 đội vũ trang tuyên truyền của huyện ở miền Đông, miền Tây, miền Trung gồm 20 đồng chí, vài cây súng ngắn, còn chủ yếu là loa, pháo, búa tạ, để đập cửa vào nhà và 10 cán bộ nhân viên huyện ủy để phục vụ cho buổi míttinh.

 

- Cả ba đồng chí Thường vụ Huyện ủy: đồng chí bí thư, 2 đồng chí ủy viên thường vụ và đồng chí Huỳnh Lưu phái viên của tỉnh đều xuất quân ra trận để bảo đảm chắc thắng.

 

- Phân công mỗi đồng chí lãnh đạo, chỉ huy một cánh, đồng chí Lê Xuân Mai và đồng chí Huỳnh Lưu cánh chính (trụ sở xã) và chuẩn bị míttinh.

 

- Đồng chí Nguyễn Duy Luân, cánh Mỹ Trung bắt đại diện Nguyễn Khái.

 

- Đồng chí Bùi Tân cánh Phú Hữu bắt Nguyễn Tín phó đại diện xã.

 

- Đúng giờ G, 3 cánh quân đều nổ súng tấn công vào các mục tiêu đã quy định đánh tan trung đội dân vệ diệt tên trung đội phó ngoan cố, thu toàn bộ vũ khí 27 súng trường và 2 tiểu liên, đạt yêu cầu thắng lợi, dùng đèn pin làm tín hiệu và pháo nổ, phát loa kêu gọi nhân dân xuống đường hô khẩu hiệu kéo đến địa điểm míttinh đưa phó đại diện Nguyễn Tín thú tội trước nhân dân, y xin tha tội chết và từ nay không làm tay sai cho giặc, nhân dân ta tha tội chết cho y và tuyên bố xóa bỏ ngụy quyền tay sai của Mỹ-Diệm lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân kêu gọi 45 thanh niên xung phong thoát ly tham gia bộ đội cách mạng (trong số này có 3 dân vệ làm cơ sở cùng thoát ly).

 

- Hàng tấn lương thực, thực phẩm được chuẩn bị đầy đủ để đưa về căn cứ để nuôi bộ đội..

 

- Đúng 2 giờ sáng cuộc míttinh kết thúc thắng lợi, lực lượng cách mạng rút về căn cứ Đồng Tàu an toàn tuyệt đối.

 

- Tiếp tục bổ sung lực lượng, tăng cường trang bị vũ khí cho các đội vũ trang tuyên truyền, nhanh chóng trở về đơn vị cũ liên tục thực hiện các phương án tiếp theo, mở rộng “Đồng khởi” các xã Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Xuân, Hòa Hiệp, Hòa Vinh, vũ trang tuyên truyền diệt ác ôn, tổ chức míttinh tuyên bố xóa bỏ ngụy quyền địch lập chính quyền cách mạng của nhân dân, động viên nhân tài vật lực, kêu gọi thanh niên thoát ly, làm cho địch bị động lúng túng không kịp trở tay để hỗ trợ cho trọng điểm Hòa Thịnh.

 

- Suốt một tháng liên tục “Đồng khởi” hàng ngàn thanh niên Hòa Hiệp, Hòa Thành, Hòa Vinh, Hòa Tân tiếp tục thoát ly, có đêm 40-50 thanh niên ra căn cứ để tham gia cách mạng. Phong trào cách mạng tiếp tục phát triển (từ 22/12 đến 20/1/1960 có 1.200 thanh niên thoát ly).

 

- Địch bằng mọi giá đưa đến tại Hòa Thịnh một đại đội bảo an gian ác nhất để củng cố ngụy quyền Hòa Thịnh, do tên đại đội trưởng bảo an làm đại diện xã (quân quản) và bắt bổ sung lập một trung đội dân vệ, thuộc tổng đoàn dân vệ quận Tuy Hòa, 30 tên được huấn luyện trang bị đầy đủ để thay cho trung đội dân vệ bị ta vừa đánh và giải tán.

 

- Tuy có đại đội bảo an và có trung đội biệt kích dân vệ mới nhưng vẫn ngày ở, đêm về Tuy Hòa ngủ, nhằm mục đích hàng ngày trấn an để bọn ngụy quyền các xã yên tâm làm việc.

 

- Nắm được quy luật hoạt động của chúng, ngày 12/1/1961 ta dùng một tiểu đội tăng cường đầy đủ vũ khí (đội công tác huyện) do đồng chí Bùi Tân (Bảy Tính) chỉ huy phục kích bất ngờ ngay tại cầu gỗ Bầu Sét, thôn Mỹ Hòa, dọc theo bờ sông, có cơ sở theo để nắm tình hình địch báo tin thường xuyên cho đơn vị phục kích.

 

Đúng 15 giờ trung đội dân vệ biệt kích tranh thủ rút về trước, đại đội bảo an còn đang ở tại chợ Mỹ Xuân, toàn trung đội biệt kích dân vệ lọt vào ổ phục kích, ta nổ súng chận đầu khóa đuôi kêu gọi toàn trung đội đầu hàng, ta bắt sống 29 tên thu 29 súng trường, 2 súng tiểu liên, ta điều chúng vào rừng thôn Mỹ Cảnh giáo dục và thả chúng về với gia đình, ta rút về căn cứ an toàn.

 

Sau trận đánh này địch thú nhận: “Ngày 12/1/1961 vừa qua một trung đội biệt kích thuộc tổng đoàn dân vệ quận Tuy Hòa do một trung sĩ bảo an chỉ huy đi đến xã Hòa Thịnh lúc trở về quận lỵ vào khoảng 13 giờ cùng ngày, toán quân đến gần cầu gỗ Bầu Sen thuộc thôn Mỹ Hòa thì lọt ổ phục kích của địch, trung sĩ chỉ huy lập tức ra lệnh chống trả nhưng tất cả dân vệ không nổ súng bắn lại mà còn đưa tay đầu hàng. Sau đó Việt cộng tập trung tất cả dân vệ tước 29 súng trường kiểu 86/93 và 2 tiểu liên M 38 với 600 viên đạn cỡ 80 ly và 225 viên đạn 765 . Lấy vũ khí xong Việt cộng bắt tất cả dân vệ đi theo chúng. Đúng 16 giờ cùng ngày thả về đủ số… Từ sau sự “Bộc khởi” quân sự lẫn chính trị của Hòa Thịnh rồi tiếp đến nhiều xã trong tỉnh đều có Việt cộng xuất hiện tuyên truyền quấy rối và sát hại một số cán bộ quốc gia, làm cho cán bộ hạ tầng cơ sở rất hoang mang sợ sệt, hầu hết số cán bộ địa phương ở xã ban đêm đều tản cư ra tỉnh hoặc huyện không dám ngủ ở nhà”. (Trích báo cáo Trưởng ty Công an Phú Yên (ngụy) Lê Quang Cẩn gởi cho tỉnh trưởng Phú Yên ngày 12/1/1961).

 

Qua “Đồng khởi” Hòa Thịnh, Huyện ủy Tuy Hòa kiểm điểm đánh giá: “Đồng Khởi” Hòa Thịnh chứng minh rõ sự đoàn kết thống nhất giữa ý Đảng lòng dân, thể hiện lòng trung thành không gì lay chuyển nổi của Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Thịnh với cách mạng.

 

Thắng lợi “Đồng Khởi” Hòa Thịnh đã chứng minh đường lối, phương châm đấu tranh của Đảng hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân, đồng thời thể hiện sự vận dụng lãnh đạo của Huyện ủy Tuy Hòa là sáng tạo và sát đúng.

 

- Việc chọn xã Hòa Thịnh làm thí điểm “Đồng Khởi” là chính xác, thể hiện lòng tin của Đảng với nhân dân Hòa Thịnh biết dựa vào lực lượng chính trị của nhân dân, phát động nhân dân đứng lên phá xiềng xích, gông cùm, kềm kẹp của địch để tự giải phóng cho mình.

 

- Qua “Đồng Khởi” Hòa Thịnh kẻ địch từ huyện đến xã bộc lộ rõ bộ mặt phi nghĩa, hèn nhát, yếu kém về chính trị, sa sút cực độ về tinh thần, rệu rã về tổ chức. Điều đó biểu hiện nguy cơ sụp đổ không thể tránh khỏi của chúng.

 

- Qua “Đồng Khởi” Hòa Thịnh Tỉnh ủy đánh giá: “Cuộc nổi dậy của nhân dân Hòa Thịnh do chính sách độc tài phát xít dã man, tàn bạo của đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm, làm cho nhân dân Phú Yên nói chung và nhân dân Hòa Thịnh nói riêng thấy không thể sống dưới chế độ độc tài phát xít tàn bạo của chúng được nữa, khi Đảng cho phép và lãnh đạo nhân dân vùng lên tựa hồ như lò thuốc súng đã bị nén chặt, nay châm ngòi, ngọn lửa đã bùng cháy mãnh liệt.

 

- Thắng lợi “Đồng Khởi” Hòa Thịnh được Khu ủy Khu 5 đánh giá: “Cuộc Đồng Khởi Hòa Thịnh là điểm mở đầu cho phong trào giải phóng của các tỉnh đồng bằng liên khu 5”.

 

NGUYỄN DUY LUÂN

Nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek