Thứ Sáu, 04/10/2024 22:21 CH
Nhân cách
Thứ Hai, 20/12/2010 13:30 CH

Lớn lên trong một gia đình nhân hậu, có nền nếp, là con của quê hương Long An nổi tiếng với câu nói bất hủ của anh hùng Nguyễn Trung Trực “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”, kế thừa truyền thống vẻ vang chống ngoại xâm 4.000 năm của dân tộc Việt Nam, trong cậu bé Nguyễn Hữu Thọ đã chớm nở tinh thần thương nước thương dân.

 

Học ở Pháp những năm 1930, thấy cảnh ăn sung mặc sướng, ăn trên ngồi trước của một tầng lớp người Pháp, sinh viên Nguyễn Hữu Thọ thấy đau lòng, mong học xong để về quê hương làm điều gì có thể giúp đỡ thiết thực cho đồng bào mình đang rên xiết dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp.

 

lstho1012120.jpg

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với các chiến sĩ quân giải phóng – Ảnh: T.LIỆU

Ông về nước tháng 5/1933. Qua việc bào chữa trước tòa án, ông hiểu được sự khổ nhục của thân chủ mình hầu hết là đồng bào nghèo, chiến sĩ cách mạng. Trong 10 năm bị địch giam cầm, quản thúc, ông thấy rõ bản chất gian ác của kẻ thù, đồng thời nhận thức được tâm hồn cao cả của những đồng chí, đồng bào Nam, Trung, Bắc đã che chở, chăm sóc và cứu sống ông. Tất cả những điều trên đây đã giúp ông tự rèn luyện, giữ gìn một cuộc sống giản dị, trong sạch, gần dân, khiêm tốn, thủy chung.

Năm 2008, người bạn học từ lớp tiểu học ở Rạch Giá cụ Nguyễn Thế Đoàn, đã 98 tuổi, một trong những nhà quay phim đầu tiên của Việt Nam nhớ như in về cậu bé mang tên Nguyễn Hữu Thọ: hết sức năng động, thông minh, học giỏi, nhưng khiêm tốn, hay giúp đỡ bạn bè. Còn ông Jean Duchêne, người bạn học ở Trường trung học Mignet (TP Aix-e-Provence gần thành phố cảng Marseille, Pháp, những năm 1925) sau này nhớ lại: “Anh Thọ học giỏi hơn tôi nhiều. Tính anh ấy hiền lành, cởi mở, chân tình, đối xử với bạn bè rất tốt nên được nhiều người yêu mến”.

 

Năm 1932, sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật, vì không đủ tiền mua vé tàu, ông phải đi lao động một thời gian để kiếm tiền. Năm 1933, ông mới trở về nước. Tại quê nhà, ông phải trải qua 5 năm tập sự để trở thành luật sư thực thụ.

 

Năm 1940, ông lập gia đình với bà Dương Thị Chung, con một đốc phủ sứ, rồi sau đó có 2 đứa con. Gia đình ông rất hạnh phúc. Nhưng không phải vì vậy mà ông không quan tâm gì đến tình hình đất nước. Chứng kiến cảnh thực dân Pháp đàn áp dã man những người “Khởi nghĩa Nam Kỳ” năm 1940, lương tri dân tộc gọi thức ông. Mặc dù chưa có cơ hội liên hệ với những người cách mạng, nhưng qua hành nghề luật sư, bảo vệ những thân chủ của mình, ông nhận ra rằng họ yêu nước, yêu quê hương và đấu tranh để quê hương được tự do.

 

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Nhân sự kiện lịch sử này, ông nhớ lại: những năm 1920 ông nghe nói đến Nguyễn Ái Quốc, một người yêu nước đang đấu tranh cho dân tộc được độc lập. Nhưng bây giờ, ông khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị cứu tinh của dân tộc, với cụ, đất nước nhất định giành độc lập thống nhất.

 

Và ông nôn nóng mong muốn làm điều gì “ích nước, lợi nhà”. Ông tích cực tham gia hoạt động trong tổ chức Thanh niên tiền phong như truyền bá chữ quốc ngữ, hoạt động cứu đói miền Bắc.

Năm 1947, một sự kiện đặc biệt xảy ra: trên đường đi vào chiến khu Đồng Tháp theo lời mời của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, ông bị du kích chặn bắt.

 

Vào trong chiến khu, một ấn tượng sâu sắc ăn sâu trong tâm trí ông: nhiều trí thức thuộc đủ ngành nghề có tiếng đã thoát ly tham gia kháng chiến như Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuấn, bên cạnh đó có nhiều anh chị em thuộc đủ thành phần tham gia hoạt động cách mạng sống dân chủ, chan hòa, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau như người thân trong nhà. Đặc biệt, ở đây có mở lớp dạy luật pháp. Đây là một tài sản tinh thần quý giá mà ông tiếp nhận được một hành trang mà ông mang theo suốt trên con đường cách mạng.

 

Những năm 1946, 1947, ông hành nghề luật sư khá lâu ở TX Vĩnh Long – nơi mà nhiều người dân đã xem ông là ân nhân của mình. Ông đã biện hộ với sự tự nguyện, lòng nhân đạo cao cả cho những nông dân không một xu dính túi, cho nhiều chiến sĩ cách mạng, đặc biệt rất nhiều người nghèo vô tội mà không bao giờ lấy tiền thù lao. Với ai, ông cũng niềm nở ân cần, lo lắng chu đáo, không phải chỉ ở Vĩnh Long mà cả ở nhiều tỉnh Nam Bộ sang đầu thế kỷ XXI, nhiều người dân, cán bộ tuy đã lớn tuổi vẫn cứ nhắc đến “ông luật sư của dân”.

 

Tại Sài Gòn ông tiếp tục hành nghề luật sư, đồng thời tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Đến năm 1955 – là năm kẻ thù đưa ông đi an trí ở Phú Yên trong gần 7 năm và cuối năm 1961 ông được quân và dân Phú Yên giải thoát. Trước đó, ông đã bị đưa đi lưu đày ở Lai Châu – Sơn Tây gần 3 năm. Nhưng không vì thế mà ông không quan tâm đến việc đấu tranh quyết liệt, biện hộ trước tòa án địch cho nhiều đồng chí, đồng đội thoát khỏi án tử hình, chung thân... Chẳng những thế, ông còn tham gia hỗ trợ những người này bất chấp hiểm nguy. Những đồng chí mà chính ông xin được tự do tạm như Hoàng Xuân Bình, Nguyễn Thị Bình (sau này là Phó Chủ tịch nước ta), vẫn luôn luôn nhắc đến dù ông đã qua đời.

 

Ngày 19/3/1950 ngày toàn quốc chống Mỹ do ông đứng đầu đã trở thành sự kiện quốc gia, làm cho kẻ thù thất điên bát đảo. Nhưng phía lực lượng yêu nước cũng phải trả giá rất đắt. Và người đứng đầu (luật sư Nguyễn Hữu Thọ) luôn đấu tranh một mất một còn với kẻ thù để bảo vệ cho được mọi tầng lớp không bỏ sót ai: công nhân, nông dân, người lao động, học sinh, sinh viên, trí thức, người Hoa, người tôn giáo... Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng ra lãnh đạo công khai các tầng lớp với cương vị trưởng phái đoàn đại diện các giới sẵn sàng chấp nhận chịu đựng tất cả. Luật sư đã nhiều lần trực tiếp gặp Thủ hiến Nam phần Trần Văn Hữu (sau này là Thủ tướng “quốc gia Việt Nam”) đưa các yêu sách đòi chúng phải bảo đảm quyền dân sinh, dân chủ cho đồng bào các giới của Sài Gòn – Chợ Lớn. Trần Văn Hữu buộc phải chấp nhận giải quyết những yêu sách kể trên.

 

Trong những năm bị lưu đày ở bản Giẳng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu – nằm ở giao điểm biên giới Việt – Trung – Lào, nơi cực nhất, khổ nhất nước, ông cùng ở, cùng làm với bà con dân tộc thiểu số. Ông được bà con chăm sóc tận tình. Khi ông bệnh, bà con sắc thuốc bằng lá rừng để cho ông uống. Ngược lại, ông sống chan hòa với mọi người dân ở đây, giải thích tình hình địch ta cho bà con nghe, dạy học cho trẻ em nghèo, thất học. Những nghĩa cử đôi bên làm cho ông ấm lòng, mặc dù nỗi nhớ gia đình, vợ con luôn luôn thường trực trong tâm trí ông.

 

Tại nhiều địa điểm ở tỉnh Phú Yên, đâu đâu kẻ thù cũng tìm cách hành hạ ông, khủng bố ông, làm nhục ông, thậm chí giết chết ông, nhưng ông luôn luôn được các tầng lớp đồng bào, các cơ sở cách mạng chăm sóc, che chở, đùm bọc. Những tấm lòng cao cả ấy đã giúp ông vượt lên tất cả.

 

Cái tình, cái nghĩa, lòng chung thủy ấy là một hành trang quý giá mà ông nhận được từ 2 quê hương thứ 2 của mình: Lai Châu, Phú Yên mà ông mang theo đến khi trút hơi thở cuối cùng. Những năm cuối đời, mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng ông vẫn cố gắng lặn lội, vượt hàng ngàn cây số để về thăm bà con, đồng chí ở 2 địa phương này vì ông cho rằng: “Nếu không trở lại tạ ơn đồng bào ở đây thì tôi sẽ ân hận suốt đời”.

 

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Luật sư không quên đến thăm ông Nguyễn Văn Huyến, Phó Tổng thống chế độ Sài Gòn, được miễn đi “học tập” để cảm ơn ông Huyền về việc ông đến trông nom giùm các con của ông ở Vĩnh Long năm 1946 lúc ông đưa vợ mình về Sài Gòn trị bệnh hiểm nghèo. Ông cũng đã can thiệp để luật sư Nguyễn Lâm Sanh sớm kết thúc việc “học tập” để qua Pháp sum họp gia đình ở Pháp. Ông luôn nhớ rằng: trong thời gian ông bị quản thúc, ông Nguyễn Lâm Sanh vẫn cung cấp tiền từ Văn phòng luật sư chung: Thọ - Sanh - Liễng để giúp gia đình ông sinh sống qua ngày.

 

Đó là một trong hàng trăm nghĩa cử của luật sư sau khi nước nhà được thống nhất.

 

Trước khi bị hôn mê, ông đã nói với tôi, con trai trưởng của mình: “Trong thời gian dài ba không lo gì được cho má con. Má con khổ quá. Ba nghe nói: Đảng, Nhà nước có ý định tặng nhà cho ba. Con hỏi lại, nếu đúng vậy, con hãy làm các thủ tục và đưa má con về ở”. 6 năm sau khi ông qua đời, Đảng, Nhà nước đã tặng cho ông 1 căn nhà. Bây giờ thì bà Dương Thị Chung đã có nhà riêng để ở.

 

Không phải ngẫu nhiên mà bà Madeleine Riffaud đã thổ lộ: “Trong đời làm báo của tôi, tôi gặp gỡ không ít các lãnh tụ chính trị, nhưng tôi phải thừa nhận rằng ít có người có tấm lòng yêu nước thương dân một cách chân thành và sâu sắc như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông là biểu tượng của cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập thống nhất của đất nước, vì tự do hạnh phúc của đồng bào mình. Mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của ông đều hướng đến những mục tiêu cao cả đó. Ngoài ra ông chẳng toan tính gì riêng cho cá nhân và gia đình mình. Ông có những đức tính rất quý: khiêm tốn, giản dị, nhân hậu, dễ gần gũi với mọi người”. Những đức tính đó, tôi cũng tìm thấy ở “vị cha nuôi” của tôi – Chủ tịch Hồ Chí Minh – mặc dù luật sư chưa từng gặp Bác Hồ khi người còn sống. Nói tóm lại, luật sư nêu một tấm gương sáng cho những người đương thời với ông và cả cho thế hệ mai sai”.

 

NGUYỄN HỮU CHÂU (*)

 

 

(*) Trưởng nam của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek