Thứ Bảy, 05/10/2024 02:24 SA
“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý, là nét đẹp văn hóa Việt Nam
Thứ Năm, 16/12/2010 15:00 CH

Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của mỗi chúng ta là phải quan tâm, thương yêu và giúp đỡ họ”.

 

Thể hiện truyền thống và đạo lý của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó chính là nét đẹp văn hóa của dân tộc ta; Đảng, Nhà nước ta đã sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trong điều kiện nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, phải chăm lo đầu tư phát triển, xóa đói, giảm nghèo, hằng năm Nhà nước đã dành hàng ngàn tỉ đồng từ ngân sách, bảo đảm cuộc sống cho hàng triệu người có công, nhất là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương binh nặng, nạn nhân chất độc da cam… Thông qua Pháp lệnh Người có công, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta khẳng định: Bảo đảm cuộc sống gia đình chính sách bằng hoặc hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, được cải thiện theo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Tri ân những người đã hy sinh xương máu, mất mát một phần cơ thể vì độc lập, tự do của Tổ quốc, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” xây dựng nhà tình thương, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa… được duy trì và phát triển rộng khắp trong cả nước. Cụ thể, những năm qua đã xây dựng và sửa chữa hơn 310.000 ngôi nhà, tặng hơn 620.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa, xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa khoảng hơn 6.000 tỉ đồng. Tổng trị giá các hoạt động tình nghĩa lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng, đem lại điều kiện sống ngày càng tốt hơn tới các gia đình chính sách, đồng thời mang đến ngọn lửa ấm của tình nghĩa, của sự biết ơn và kính trọng của nhân dân ta đối với sự hy sinh vô giá của các liệt sĩ, thương binh và người có công cách mạng. Phong trào nhận phụng dưỡng suốt đời các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu, đơn thân, đỡ đầu, dạy nghề, tạo việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh, chăm sóc thương binh nặng tại gia đình và cộng đồng được phát triển sâu rộng.

 

Trong sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và xã hội, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng đã vượt khó vươn lên trở thành những người sản xuất, kinh doanh giỏi, đồng thời thường xuyên giúp đỡ nhau trên tình đồng chí, đồng đội, phấn đấu là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu là nhân tố điển hình mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài học quý được rút ra từ công tác thương binh, liệt sĩ những năm qua mà nhiều địa phương trong cả nước tổng kết là: Thu hút và tổng hợp các nguồn lực từ nhà nước, cộng đồng xã hội, sự năng động vượt khó của bản thân các đối tượng chính sách để đảm bảo cuộc sống vật chất và tinh thần cho hàng triệu người có công với đất nước và cách mạng. Công tác thương binh liệt sĩ ngày càng phát triển vững chắc cùng với hiệu quả tốt của công tác xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm đã góp phần ổn định chính trị - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ổn định và nâng cao mức sống của người có công với cách mạng là nhân tố cơ bản bảo đảm an sinh xã hội đất nước.

 

Tư tưởng chỉ đạo của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X về công tác thương binh, liệt sĩ là tiếp tục hoàn thiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công, cải thiện và từng bước nâng cao hơn nữa cuộc sống của thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Theo hướng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công có sửa đổi, bổ sung tăng thêm số đối tượng và nâng mức trợ cấp được hưởng; Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định cụ thể hóa các chế độ ưu đãi cho từng loại đối tượng; đảm bảo các đối tượng chính sách có mức sống ngày càng tốt hơn. Cuộc vận động nâng cao mức sống gia đình chính sách đạt hiệu quả thiết thực đã có gần 10 nghìn xã, phường trong cả nước được UBND cấp tỉnh, thành phố công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, gần 95% số gia đình chính sách có mức sống trung bình và khá. Bằng nhiều biện pháp cụ thể và sáng tạo, khai thác tiềm năng và lợi thế của từng vùng, các xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ đã xóa hộ đói, giảm hẳn số hộ nghèo là gia đình chính sách, không những giúp đỡ họ phát triển sản xuất, kinh doanh, mà còn quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở, nước sạch sinh hoạt, việc học hành, dạy nghề, tạo việc làm, chữa bệnh, nâng cao đời sống văn hóa cùng nhiều nhu cầu khác của cuộc sống. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, thậm chí có thiếu sót và khuyết điểm, còn một số xã, phường chưa làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; một bộ phận gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng chiến tranh ác liệt trước đây, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai vẫn còn phải sống nghèo khổ, vất vả; chưa quy tập hết hài cốt và xác định rõ phần mộ liệt sĩ, vẫn còn là nỗi buồn của không ít gia đình chính sách. Cơ quan chức năng của từng địa phương cần có biện pháp tích cực và thiết thực, sớm giải quyết có hiệu quả các vấn đề trên.

 

TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek