Thứ Bảy, 05/10/2024 10:17 SA
Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Phú Yên
Thứ Hai, 06/12/2010 10:30 SA

LTS: Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII, đại biểu Bá Thanh Kia - đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên - đã gởi chất vấn bằng văn bản đến Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương đến bạn đọc.

Hỏi: Đất nước Việt Nam là một nước nông nghiệp, nhà nước ta có khả năng sản xuất đường, đảm bảo cung cấp cho công nghiệp và tiêu dùng. Vậy mà mỗi năm phải nhập khẩu 300.000 tấn đường là quá lớn. Vì sao?

 

Trả lời: Từ năm 2008 trở về trước, sản lượng đường sản xuất trong nước về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, giá đường thế giới không có những biến động phức tạp, nên thị trường đường trong nước nhìn chung cũng khá bình ổn. Từ năm 2009 đến nay, thị trường đường diễn biến phức tạp, giá thế giới tăng cao, sản lượng sản xuất trong nước giảm khoảng 20% (giảm trên 200.000 tấn) so với năm 2008, trong khi nhu cầu sử dụng lại tăng khá nhanh. Hiện nay, sản lượng đường sản xuất trong nước chỉ đạt dưới 1 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu sử dụng hàng năm của nước ta khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Vì vậy, việc cho phép nhập khẩu một số lượng đường nhất định để bù đắp lượng thiếu hụt, bảo đảm nguyên liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng, bình ổn thị trường trong nước là cần thiết.

 

Trước năm 2006, đường là mặt hàng cấm nhập khẩu. Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam phải cam kết mở cửa, bãi bỏ quy định cấm nhập khẩu và áp dụng cơ chế quản lý nhập khẩu bằng hạn ngạch thuế quan (HNTQ) đối với một số loại nông sản, trong đó có mặt hàng đường. Cơ chế quản lý này đã được thực hiện từ năm 2006 theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ, Thông tư số 04/2006/TT-BTM ngày 6/4/2009 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương). Đường được nhập khẩu dưới 2 hình thức trong HNTQ và ngoài HNTQ.

 

- Nhập khẩu trong HNTQ là hình thức nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Công Thương, được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu thấp, cụ thể từ các nước tối huệ quốc (MFN) hiện nay là 28% (đối với đường thô) và 40% (đối với đường trắng), từ các nước ASEAN (có giấy chứng nhận xuất xứ C/O form D) hưởng thuế CEPT/AFTA năm 2010 là 5%.

 

- Nhập khẩu ngoài HNTQ là hình thức nhập khẩu mà thương nhân được nhập khẩu theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh, không cần có giấy phép của Bộ Công Thương. Thuế suất nhập khẩu MFN ngoài HNTQ năm 2010 là 80% (đối với đường thô) và 94% (đối với đường trắng).

 

Hàng năm, Bộ Công Thương trao đổi thống nhất với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính để công bố lượng nhập khẩu theo HNTQ.

 

Hỏi: Đất nước Việt Nam có bờ biển dài và khả năng sản xuất muối là rất lớn, đảm bảo. Vậy mà ta vẫn nhập khẩu muối, vì sao?

 

Trả lời: Sản xuất muối là một ngành có lợi thế của Việt Nam do nước ta có bờ biển dài từ Bắc đến Nam. Hiện, cả nước có nhiều tỉnh làm nghề muối với tổng diện tích đồng muối khá lớn. Tuy nhiên, sản xuất muối của nước ta hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, sản lượng phụ thuộc vào thời tiết nên khả năng cạnh tranh thấp, giá thành không ổn định. Bên cạnh đó, chất lượng của muối cũng chưa đáp ứng được yêu cầu để sản xuất hóa chất, thuốc chữa bệnh, chế biến thực phẩm… Mặt khác, công tác mua tạm trữ cho diêm dân khi vào mùa thu hoạch cũng như hệ thống kho chứa, công nghệ chế biến muối sau thu hoạch cũng chưa được đầu tư tốt. Hiện nay, nhu cầu muối hàng năm cho sản xuất, tiêu dùng trong nước khoảng 1,3-1,4 triệu tấn, trong khi sản lượng muối trong nước đạt khoảng 1 triệu tấn/năm.

 

Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất hóa chất cần trên 200.000 tấn muối công nghiệp/năm làm nguyên liệu (chưa tính nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu), nhưng đến nay sản lượng muối công nghiệp sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu chất lượng (hàm lượng NaCl, độ ẩm, tạp chất kim loại nặng…) chỉ đạt khoảng 30.000 tấn. Đối với muối tinh khiết chất lượng cao phục vụ sản xuất thuốc y tế, chế biến thực phẩm, nhu cầu sử dụng làm nguyên liệu hàng năm tối thiểu khoảng 80.000 tấn nhưng trong nước chưa sản xuất được (chưa đáp ứng được về hàm lượng NaCl, độ kết tinh, độ ẩm, tạp chất…). Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu muối làm nguyên liệu phục vụ sản xuất là cần thiết và chính đáng.

 

Khi gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt được cam kết áp dụng cơ chế quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan (HNTQ) đối với một số loại nông sản, trong đó có mặt hàng muối (cam kết này nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ cho nông dân, trước khi chuyển sang giai đoạn tự do hóa thương mại hoàn toàn đối với hàng nông sản).

 

Như đã nêu ở phần 1, căn cứ cam kết này và Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ, hàng năm Bộ Công Thương trao đổi thống nhất với các Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính để công bố lượng HNTQ nhập khẩu. Số lượng này được xác định căn cứ vào đánh giá cân đối cung cầu hàng năm của Bộ NN-PTNT, bảo đảm tuân thủ cam kết gia nhập WTO và bảo hộ ngành sản xuất muối trong nước… Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cấp giấy phép nhập khẩu cho các thương nhân trực tiếp sử dụng muối làm nguyên liệu phục vụ sản xuất tiêu thụ trong nước (theo xác nhận của Bộ Quản lý sản xuất chuyên ngành). Mức thuế nhập khẩu trong HNTQ theo cam kết WTO đối với muối tinh khiết là 15% và muối công nghiệp là 30%.

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn có thể nhập khẩu ngoài HNTQ theo nhu cầu, không cần có giấy phép của Bộ Công Thương và chịu thuế ngoài HNTQ cao gấp 2 đến 3,5 lần thuế trong HNTQ (muối tinh khiết mức thuế suất là 50% và muối công nghiệp là 60%).

 

Trong năm 2010, để giải quyết khó khăn của ngành sản xuất muối trong nước và giúp tiêu thụ muối của diêm dân trong điều kiện sản xuất muối được mùa, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu muối như:

 

- Yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất ưu tiên sử dụng muối trong nước, hạn chế sử dụng muối nhập khẩu;

 

- Dừng cấp HNTQ nhập khẩu đối với lượng HNTQ muối đã công bố cho năm 2010 (thực hiện từ tháng 3/2010); như vậy, trong năm 2010, Bộ Công Thương chỉ cấp giấy phép nhập khẩu theo HNTQ cho các doanh nghiệp sản xuất hóa chất, thực phẩm thuốc y tế khoảng 140.000 tấn, thấp hơn so với lượng HNTQ công bố là 250.000 tấn);

 

- Tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu theo HNTQ bảo đảm sử dụng muối đúng mục đích;

 

- Tổ chức mua tạm trữ muối;

 

- Thắt chặt quản lý nhập khẩu muối thông qua biện pháp kỹ thuật. Cụ thể, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 23/2010/TT-BCT ngày 20/5/2010 quy định việc nhập khẩu muối; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1871/QĐ-BNN-CB ngày 5/7/2010 quy định tạm thời thủ tục xác nhận chất lượng muối nhập khẩu. Theo đó, tất cả các loại muối nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Quy định này có tác dụng kiểm soát chặt chẽ và hạn chế triệt để việc nhập khẩu các loại muối chất lượng thấp trong nước đã sản xuất được, góp phần tiêu thụ muối sản xuất trong nước.

 

Hỏi: Đất nước ta là đất nước nông nghiệp - sản xuất hạt điều. Vậy mà chúng ta vẫn đi nhập khẩu hạt điều rất lớn, vì sao? Bộ trưởng Bộ Công Thương nghĩ như thế nào?

 

Trả lời: Hạt điều là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có mức tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây. Diện tích trồng điều trong cả nước hiện khoảng 450.000ha, được trồng tập trung ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Diện tích cây điều không thể mở rộng, do bị cạnh tranh bởi một số loại cây có hiệu quả kinh tế khác, như khoai mì và một số cây công nghiệp lâu năm khác như sao su, cà phê, hồ tiêu…

 

Hạt điều hiện là sản phẩm có tỉ trọng xuất khẩu cao với giá trị lớn (95% dành cho xuất khẩu, 5% để tiêu dùng nội địa). Kim ngạch xuất khẩu nhân điều 10 tháng đầu năm 2010 đạt 159 ngàn tấn về sản lượng và 892 triệu USD về trị giá (tăng 8% về lượng và tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2009).

 

Hiện nay, cả nước có khoảng 200 doanh nghiệp tham gia chế biến điều, chưa kể cả các lò chẻ tư nhân và hộ gia đình, với khoảng 150.000 lao động, công suất chế biến đạt 700.000 tấn điều thô/năm. Đây là một trong những ngành công nghiệp chế biến mang tính xã hội lớn, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho bà con nông dân.

 

Theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam, trung bình hàng năm sản lượng điều thô của cả nước khoảng 400.000 tấn, chưa thể đáp ứng công suất nhà máy chế biến (700.000 tấn/năm). Vì vậy, việc nhập khẩu điều thô là cần thiết để đáp ứng nguyên liệu, phục vụ cho chế biến điều nhân xuất khẩu.

 

Theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng điều nhân của thế giới ngày càng tăng nhanh. Vì vậy, có thể nói đây vẫn là mặt hàng xuất khẩu có nhiều tiềm năng, giúp cho kinh tế địa phương phát triển và góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Để đảm bảo ổn định và phát triển vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu, Bộ NN-PTNT là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp lĩnh vực này, đang triển khai một số biện pháp để mở rộng diện tích trồng điều và có chiến lược, quy hoạch các cơ sở sản xuất gắn chặt với các vùng nguyên liệu để nâng cao hiệu quả chế biến.

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek