Thứ Bảy, 05/10/2024 12:23 CH
Bộ trưởng Bộ NN - PTNT trả lời chất vấn của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên
Thứ Bảy, 04/12/2010 07:30 SA

LTS: Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII, đồng chí Trịnh Thị Nga, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đã chất vấn bằng văn bản đối với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát về một số vấn đề cử tri quan tâm. Báo Phú Yên xin giới thiệu đến bạn đọc trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

 

Hỏi: Khu vực miền Trung nói chung và Phú Yên nói riêng, cử tri rất bức xúc về tình hình lũ lụt ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống vì lũ về tự nhiên người dân có thể chủ động, nhưng khi có các nhà máy thủy điện thì người dân vùng hạ du luôn bị bất ngờ khi xả lũ, hoặc được biết trước nhưng lũ về khi có xả lũ thì lượng nước lên nhanh gây ngập úng thiệt hại sản xuất, tính mạng người dân. Giải pháp nào giúp người dân hạ du là nông dân có được cây trồng, vật nuôi phù hợp, chỗ ở kiên cố vững chắc nhằm tránh sự nguy hiểm tính mạng, mất mát tài sản?

 

Trả lời: Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên hạn hán và lũ lụt xảy ra thường xuyên. Hiện tại Phú Yên nói riêng cũng như các tỉnh khu vực miền Trung nói chung đang chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Để giúp người dân hạ du là nông dân có được cây trồng, vật nuôi phù hợp, chỗ ở kiên cố vững chắc nhằm tránh sự nguy hiểm tính mạng, mất mát tài sản cần thực hiện các giải pháp:

 

- Các nhà máy thủy điện phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành được duyệt, trước khi xả lũ phải thông báo, phối hợp với UBND các tỉnh thuộc vùng hạ du chịu ảnh hưởng do xả lũ của công trình thủy điện chủ động đối phó để đảm bảo an toàn cho hồ chứa, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho nông dân vùng hạ du.

 

- Ngành NN-PTNT chỉ đạo cơ cấu mùa vụ gieo trồng các loại cây ngắn ngày vùng hạ du gieo trồng vụ hè thu sớm đảm bảo thu hoạch trước ngày 15/9 hàng năm. Với vụ lúa hè thu bố trí gieo ngay từ đầu tháng 5, kết thúc trước 15/6 và sử dụng các giống lúa ngắn ngày như Ma Lâm 202, ĐB6, TBR1, TH6, Khang Dân đột biến... đảm bảo thời gian sinh trưởng không quá 100 ngày để tránh lũ hàng năm. Đặc biệt, các địa phương cần tuyên truyền và chỉ đạo người dân tuyệt đối không tổ chức sản xuất lúa vụ 3. Bên cạnh đó cần chủ động các loại giống cây màu để gieo trồng vụ đông xuân như giống lạc LDH01, đậu tương ĐVN5, MTD176 để chủ động sản xuất sau khi lũ rút.

 

- Các địa phương cần có những điều tra khảo sát cụ thể để có quy hoạch sản xuất phù hợp cho từng khu vực xả lũ, trong đó nhà nước cần đầu tư hạ tầng và hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở kiên cố, chuồng trại chăn nuôi.

 

- Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thị trường và tập quán canh tác của người dân. Trong đó nên lựa chọn nuôi các loại vật nuôi có chu kỳ sản xuất ngắn, kinh phí đầu tư ít để giảm mất mát tài sản khi có thiên tai xảy ra.

 

- Tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và những vật tư thiết yếu giúp nông dân tiếp cận được với các mô hình sản xuất hiệu quả.

 

Hỏi: Mưa lũ kéo dài và nhiều năm qua, thực trạng xói lở nhiều khu vực dân cư sống hai bên bờ sông, suối, ven biển gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Bộ trưởng đã có giải pháp cấp thiết và hiệu quả gì để sớm tạo điều kiện cho nhân dân vùng lũ ổn định sản xuất, vượt qua đói nghèo?

 

Trả lời: Đối với xử lý sạt lở bờ biển: Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo việc xây dựng Chương trình củng cố, nâng cấp đê biển tỉnh các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 (trong đó có việc xây dựng, củng cố, nâng cấp công trình đê, kè phòng chống sạt lở ven biển tỉnh Phú Yên). Năm 2010, Trung ương đã hỗ trợ đầu tư 12 tỉ đồng để tỉnh triển khai thực hiện 3 dự án đầu tư xây dựng các kè biển: Xuân Hải, TX Sông Cầu; An Ninh Đông, huyện Tuy An; An Phú, TP Tuy Hòa. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát xác định các dự án ưu tiên để lập kế hoạch đầu tư trong năm 2011 và các năm tiếp theo (đến năm 2020), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ; tổ chức triển khai thực hiện theo quy định, từng bước hoàn thành chương trình.

- Đối với xử lý sạt lở bờ sông, suối: Từ năm 2005 đến nay, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát các công trình xử lý sạt lở cấp bách theo đề nghị của các tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ, trong đó hỗ trợ tỉnh Phú Yên 34 tỉ đồng để xây dựng 5 công trình sạt lở bờ sông, suối đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định đời sống nhân dân trong khu vực. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã dự thảo quy chế xử lý sạt lở bờ sông, đang đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định tại Công văn số 3570/BNN-TCTL ngày 2/11/2010 làm cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành để các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.

 

Hỏi: Đã có giải pháp nào trong việc phối hợp giữa Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn, xây dựng hệ thống thủy điện, thủy lợi đảm bảo ổn định sản xuất, đời sống dân cư vùng hạ du vào mùa mưa lũ?

 

Trả lời: Trong những năm qua, Bộ NN-PTNT đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức quản lý Nhà nước về lâm nghiệp nói chung và quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn nói riêng, cụ thể như sau:

 

- Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 về việc ban hành Quy chế quản lý rừng trong đó xác định rõ trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành và các địa phương đối với 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất);

 

- Thống nhất với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức, chỉ đạo việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) để xác định rõ quy mô, diện tích hợp lý, đúng mục tiêu, đối tượng, loại rừng theo tiêu chí phân cấp rừng phòng hộ (trong đó có rừng phòng hộ đầu nguồn) theo Quyết định số 61/2005/QĐ-BNN ngày 12/4/2005 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhằm đảm bảo đủ diện tích rừng tại mỗi địa phương để phát huy được chức năng phòng hộ của rừng.

 

- Sau khi rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/1/2008, trong đó đề nghị các địa phương làm rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng (trong đó có rừng phòng hộ) trong 10 năm tới.

 

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường trong việc tổ chức thực hiện quản lý đất lâm nghiệp (giao đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng...) thống nhất với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương. Hiện nay 2 bộ cũng đang dự thảo các tiêu chí thống nhất trong giao đất, giao rừng để triển khai tại các địa phương.

 

- Tham gia với Bộ Tài nguyên - Môi trường trong quá trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất năm 2006-2010; Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp (diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) của các địa phương.

 

- Đối với các dự án đầu tư (thăm dò khai thác khoáng sản, xây dựng nhà máy thủy điện, xây dựng hồ chứa nước, đập thủy lợi, khu công nghiệp...) trên diện tích rừng nói chung, rừng đầu nguồn nói riêng đều thực hiện việc đánh giá tác động môi trường, đảm bảo quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng... Hiện nay Bộ NN-PTNT đang phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn đánh giá tác động môi trường đối với các dự án lâm nghiệp, nhằm hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn.

 

- Về xây dựng hệ thống thủy điện: Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên các sông phục vụ đa mục tiêu, trong đó có cắt giảm lũ cho hạ du; đồng thời yêu cầu các chủ hồ chứa phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc tính toán cụ thể lưu lượng xả, cảnh báo trước khi xả lũ để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và hạn chế ngập lụt cho hạ du.

 

- Về xây dựng hệ thống thủy lợi: Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch thủy lợi các lưu vực sông, sau khi xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành (trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường) và các địa phương thuộc phạm vi quy hoạch; Bộ NN-PTNT đã tổ chức phê duyệt phù hợp với quy hoạch phát triển của các ngành và các địa phương. Đối với hồ chứa thủy lợi phục vụ sản xuất, bộ đã xây dựng chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa, sau khi xin ý kiến tham gia của các bộ (trong đó có Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Công Thương) đã trình Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện. Từ năm 2003 đến nay, Trung ương đã hỗ trợ các tỉnh (có các tỉnh miền Trung) với tổng kinh phí là trên 2.000 tỉ đồng để sửa chữa, củng cố, nâng cấp đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek