Chủ Nhật, 06/10/2024 15:18 CH
Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII:
Thảo luận hai dự án Luật Kiểm toán độc lập và Luật Phòng, chống mua bán người
Chủ Nhật, 14/11/2010 07:15 SA

Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kiểm toán độc lập. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Phòng, chống mua bán người.

 

TẠO KHUNG PHÁP LÝ CAO NHẤT CHO KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP

 

Thảo luận về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập, các đại biểu đánh giá việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập sẽ tạo ra khung pháp lý cao nhất về kiểm toán độc lập, tạo điều kiện cho dịch vụ kiểm toán phát triển; đồng thời nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp kiểm toán, cấp chứng chỉ kiểm toán viên và các biện pháp nhằm nâng cao năng lực giám sát, cưỡng chế thực thi, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán. Luật Kiểm toán độc lập sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với dịch vụ kiểm toán, trong đó có doanh nghiệp có liên quan đến lợi ích công chúng bắt buộc phải kiểm toán...

 

Thảo luận về kiểm toán bắt buộc, một số đại biểu nhất trí ngoài những doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật hiện hành đã quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm, cần thiết bổ sung thêm đối tượng bắt buộc kiểm toán bao gồm báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhà nước và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật. Việc bắt buộc phải kiểm toán độc lập đối với báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước sẽ góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Xung quanh quy định không cho phép kiểm toán viên được hành nghề với tư cách cá nhân mà phải hành nghề trong doanh nghiệp kiểm toán, một số ý kiến tán thành với quan điểm này vì cho rằng, kiểm toán độc lập đòi hỏi kiểm toán viên phải có chuẩn mực đạo đức cao, có trách nhiệm lớn trong việc bảo đảm tính chính xác, tính trung thực, tính tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu để cho các kiểm toán viên hành nghề với tư cách cá nhân thì không thể kiểm soát được các hành vi và mối quan hệ của cá nhân kiểm toán viên trong khi thực hiện nhiệm vụ.

 

5 NHÓM VẤN ĐỀ PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

 

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người, các đại biểu tập trung vào 5 nhóm vấn đề: Giải thích từ ngữ (Điều 2) và Điều 3 mua bán người và các hành vi liên quan đến mua bán người; Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân; Các biện pháp về phòng ngừa mua bán người tại chương II dự án luật; Tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước và biện pháp bảo vệ nạn nhân; Trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận trong phòng chống mua bán người.

 

Đa số các đại biểu tán thành với tờ trình của Chính phủ về việc cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống mua bán người vì tính chất quy mô và thủ đoạn của loại tội phạm này diễn ra ngày càng phức tạp, đa dạng, tinh vi, xảo quyệt và có tổ chức xuyên quốc gia.

 

Theo một số đại biểu, việc quy định về phòng ngừa mua bán người bao gồm các giải pháp: thông tin, giáo dục, tư vấn, truyền thông trong nhà trường, gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ nêu trong dự thảo là phù hợp và là giải pháp hữu hiệu để kiềm chế loại tội phạm này. Các đại biểu đồng ý với nội dung về vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia hoạt động phòng ngừa mua bán người và cho rằng, đây là kênh rất quan trọng trong tư vấn giáo dục truyền thông cho các thành viên của tổ chức mình để kiến nghị với cơ quan Nhà nước, giám sát cơ quan chức năng của Nhà nước thực hiện luật này. Tuy nhiên, có đại biểu ý kiến rằng điều này mới chỉ nói đến một vế vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên, còn thiếu trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong tiếp nhận xử lý kiến nghị của MTTQ và các thành viên có liên quan đến phòng, chống mua bán người.

 

Về lực lượng giải cứu bảo vệ khẩn cấp cho nạn nhân mua bán người bao gồm: công an, quân đội, các đại biểu cho rằng phù hợp. Tuy nhiên, có đại biểu còn băn khoăn, khi tình trạng khẩn cấp xảy ra nhất là ở các vùng sâu, vùng xa chưa thể huy động lực lượng công an, quân đội thì ai sẽ là người giải cứu và bảo vệ nạn nhân. Từ đó, các đại biểu cho rằng cần bổ sung lực lượng công an, dân quân xã để thực hiện nhiệm vụ giải cứu và bảo vệ khẩn cấp cho nạn nhân.

 

Về nhiệm vụ của cơ quan bảo trợ xã hội (Điều 39) và cơ sở hỗ trợ nạn nhân, các ý kiến đồng ý giao nạn nhân về cho cơ quan bảo trợ tại nơi nạn nhân lưu trú và hỗ trợ điều kiện cần thiết cho nạn nhân trước khi đưa nạn nhân về với gia đình.

 

KHƯƠNG NGUYÊN

(tổng hợp từ TTXVN, VOV)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek