Chủ Nhật, 06/10/2024 15:16 CH
Thảo luận về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập:
Không nhất thiết phải góp 10% vốn điều lệ mới là giám đốc
Thứ Bảy, 13/11/2010 15:22 CH

Sáng 13/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập gồm 8 chương, 70 điều được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này.

 

QH-101113.jpg

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn phát biểu ý kiến. - Ảnh: TTXVN

Đa số các đại biểu đều nhất trí cho rằng, việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập là cần thiết nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay và đáp ứng nhu cầu phát triển.

 

Bên cạnh đó, kiểm toán độc lập là hoạt động không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường với vai trò làm tăng độ tin cậy cho thông tin tài chính, là cơ sở cho các bên tiến hành các giao dịch kinh tế. Sản phẩm của kiểm toán độc lập là những thông tin kinh tế tài chính đã được các kiểm toán viên có đủ năng lực và độc lập xác nhận về mức độ phù hợp với các chuẩn mực đã được thiết lập vì vậy nó là căn cứ quan trọng cho các bên thứ ba như cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng... đưa ra các quyết định kinh tế; các cơ quan quản lý sử dụng cho quản lý, điều hành.

 

Tờ trình của chính phủ cũng cho biết, hiện nay, trong cam kết quốc tế (WTO, ASEAN...), lĩnh vực dịch vụ kiểm toán đã mở cửa không hạn chế. Theo đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng dịch vụ kiểm toán của quốc tế, mặt khác các doanh nghiệp kiểm toán của Việt Nam, các kiểm toán viên Việt Nam cũng có cơ hội cung cấp dịch vụ ra bên ngoài. Việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập sẽ xác lập vị trí pháp lý tương đồng với quốc tế nhằm thúc đẩy hội nhập trong lĩnh vực này.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Phạm Thị Loan, Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội) đều thống nhất cho rằng, không nên quy định tiêu chuẩn, điều kiện của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp kiểm toán đối với công ty TNHH kiểm toán, phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ. Theo các đại biểu, đồng ý là doanh nghiệp kiểm toán là một loại hình hoạt động có tính đặc thù, có điều kiện, nhưng đây cũng là doanh nghiệp, và như vậy, nó cũng phải tuân thủ những quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành. Nếu như vậy, theo Luật Doanh nghiệp, họ có quyền thuê Tổng giám đốc, giám đốc, thậm chí là Chủ tịch HĐQT nếu như người đó có khả năng chuyên môn.

 

Đại biểu Phạm Thị Loan lập luận rằng: Nếu quy định như trong điều 22 của dự thảo Luật thì chỉ những người có tiền mới đủ điều kiện là Giám đốc, Tổng giám đốc, nhưng chưa chắc những người này đã có trình độ chuyên môn cao về kiểm toán. Trong khi đó, những người giỏi, nhưng không có tiền thì lại không được đảm nhận vị trí này. Theo đại biểu, nên quy định doanh nghiệp có thể thuê người Việt Nam và cả người nước ngoài đảm nhận những vị trí trên, miễn là họ có chuyên môn cao trong lĩnh vực kiểm toán.

 

Nhiều đại biểu cũng đồng tình với ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại báo cáo thẩm tra cho rằng, việc điểm b, khoản 1, điều 15 quy định về điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán và hình thức hành nghề kiểm toán yêu cầu “… đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam” là không khả thi, đặc biệt là đối với các kiểm toán viên là người nước ngoài. Quy định này cũng chưa phù hợp trong bối cảnh hội nhập, cũng như thực tiễn hoạt động kiểm toán ở Việt Nam vẫn cần có các kiểm toán viên là người nước ngoài.

 

Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng, trong khuôn khổ các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam đã cho phép các nhà cung cấp dịch vụ kiểm toán của các nước thành viên khác (không có hiện diện thương mại tại Việt Nam) được cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới (cho các doanh nghiệp tại Việt Nam). Cho nên, việc yêu cầu các kiểm toán viên nước ngoài phải có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ 36 tháng trở lên tại doanh nghiệp kiểm toán, tổ chức khác tại Việt Nam mới được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam là chưa hợp lý.

 

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, các quy định về xử lý vi phạm trong dự thảo Luật vẫn còn chung chung, chưa phản ánh được tính đặc thù của hoạt động kiểm toán độc lập. Đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) đặt vấn đề rằng, trong hoạt động kiểm toán, nếu như các hoạt động kiểm toán khác phát hiện ra sai sót của kiểm toán độc lập trong quá trình kiểm toán thì có nên quy định phải thu hồi chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra cho kiểm toán độc lập hay không? Và doanh nghiệp kiểm toán độc lập có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không? Theo đại biểu, nên có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm pháp lý thì hoạt động kiểm toán độc lập mới nghiêm được và báo cáo kiểm toán mới có chất lượng.

 

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật không nên quy định quá nhiều điều giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn. Theo các đại biểu, nếu vấn đề nào đã có thực tiễn thì nên quy định ngay trong luật, tránh tình trạng khi ban hành lại phải chờ thông tư, nghị định hướng dẫn gây chậm chễ trong quá trình triển khai.

 

Chiều 13/11, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Phòng chống mua, bán người.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek