Chủ Nhật, 06/10/2024 23:27 CH
Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII:
Đại biểu Quốc hội hiến kế cải cách thủ tục hành chính
Thứ Tư, 10/11/2010 07:00 SA

Ngày 9/11, thảo luận ở hội trường về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2001-2010, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp đáng chú ý nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quan trọng này.

 

Các đại biểu đều nhất trí với đánh giá trong Báo cáo giám sát của UBTVQH: Chương trình tổng thể CCHC, trong đó khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tích cực; thể hiện ở hiệu quả và những tác động xã hội rõ rệt. Một số lượng lớn các TTHC rườm rà, chồng chéo, không hợp lý, dễ bị lợi dụng, lạm dụng đã được rà soát, loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung; nhiều TTHC mới được ban hành theo hướng công khai, minh bạch, thuận lợi, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thu hút đầu tư, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận.

 

Đề xuất, kiến nghị những giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập, hầu hết các đại biểu đều cho rằng cần phải xác định TTHC là một khâu của quản lý nhà nước và phụ thuộc nhiều vào thể chế, bộ máy và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, cải cách TTHC một mặt phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, mặt khác phải bảo đảm yêu cầu quản lý của Nhà nước; đòi hỏi phải được tiến hành đồng bộ, khẩn trương, kiên trì, liên tục. Các đại biểu đề nghị Quốc hội cần phải ra Nghị quyết giám sát chuyên đề về cải cách thủ tục hành chính.

 

Một số đại biểu cho rằng cải cách TTHC cần quan tâm đặc biệt yếu tố con người, đánh giá được mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, coi đó là thước đo hiệu quả; tập trung vào những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Từ đó, các đại biểu đề nghị: Yếu tố cơ sở vật chất, đặc biệt là yếu tố con người cần được đánh giá một cách thấu đáo để có những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.

 

Một số đại biểu kiến nghị, cần sớm hoàn thiện thể chế, cụ thể là sửa đổi, bổ sung các quy định trong các lĩnh vực người dân quan tâm như đất đai, thuế; bổ sung các tiêu chí, nhất là tiêu chí về hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu quả kinh tế vì xét đến cùng mọi cải cách phải giúp người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước tiết kiệm được chi phí ở mức cao nhất; tăng cường công tác tuyên truyền; kiểm tra, giám sát...

 

Đánh giá đề án 30 như “một luồng gió mới”, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, giao tiếp ứng xử của cán bộ công chức có tiến bộ, tình trạng “cò” TTHC giảm hẳn..., một số đại biểu còn kiến nghị cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung về mặt thể chế; mạnh dạn phân công, phân cấp, làm rõ thẩm quyền quản lý nhà nước, phát huy thẩm quyền quản lý nhà nước theo ngành dọc; xây dựng phát triển nguồn nhân lực, đổi mới cách đánh giá công chức cho sát và đúng hơn, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, dịch vụ công; thường xuyên khảo sát, thăm dò mức độ hài lòng của người dân về kết quả CCHC.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, để sớm đưa phương án đơn giản hóa gần 5.000 TTHC vào cuộc sống, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, với khẩu hiệu “chung tay cải cách TTHC”, đề nghị Quốc hội, UBTVQH đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 việc sửa đổi, bổ sung những luật, pháp lệnh để đảm bảo thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC theo nguyên tắc 1 luật sửa nhiều luật, 1 pháp lệnh sửa nhiều pháp lệnh và theo trình tự thủ tục rút gọn. Đưa nội dung giám sát việc thực thi đơn giản hóa TTHC và triển khai đề án 30 vào một chương trình kỳ họp thích hợp của khóa XIII để đảm bảo việc thực hiện cải cách TTHC một cách triệt để, sớm mang lại lợi ích cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tránh tình trạng các cơ quan chức năng chậm trễ, kéo dài việc thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC.

 

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ thời gian tới, để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cần chú trọng tới việc hoàn thiện hệ thống pháp luật (quy trình, hồ sơ, thủ tục, thời gian...) tạo môi trường, công khai, minh bạch; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện; tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung loại bỏ những quy định không phù hợp, những thủ tục không cần thiết. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặc biệt nhấn mạnh tới nguồn nhân lực trong cải cách hành chính trong đó trình độ, đạo đức... là những vấn đề then chốt. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết trên cơ sở đề nghị của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan sẽ sớm xây dựng dự thảo Nghị quyết về giám sát chuyên đề cải cách thủ tục hành chính trình Quốc hội trong kỳ họp này.

 

KHƯƠNG NGUYÊN

(tổng hợp từ TTXVN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek