Thứ Hai, 07/10/2024 17:30 CH
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII:
Luật Phòng, chống mua bán người còn chung chung; Luật Khoáng sản (sửa đổi) cần cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức
Thứ Năm, 28/10/2010 07:32 SA

Sáng 27/10, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người, tập trung vào các nội dung: phạm vi điều chỉnh, hành vi mua bán người và các hành vi liên quan đến mua bán người; Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, chế độ hỗ trợ cho nạn nhân…

 

Đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống mua bán người vì trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng; tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt; nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia. Thêm vào đó, cũng đã xuất hiện một số đường dây đưa người sang nước ngoài bán nội tạng cho các bệnh viện tư, dẫn đến nạn nhân bị tử vong. Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội còn bất cập, sơ hở để bọn tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý người nước ngoài, quản lý hộ khẩu, quản lý an ninh biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Công tác phát hiện các vụ việc có liên quan còn mang tính thụ động, hầu như mới chỉ dựa vào đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình...

 

Đại biểu Dương Thị Thu Hà (Lào Cai), Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) và nhiều đại biểu nhận định nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, phụ nữ có học vấn thấp, tình trạng bạo lực gia đình, thiếu việc làm, công tác quản lý lao động không chặt chẽ… Việc giáo dục trong phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được chú trọng đúng mức, một bộ phận thanh thiếu niên bị cuốn vào đời sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật. Đại biểu Giàng Vũ Thè (Lào Cai) và một số đại biểu cho rằng, hiện công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân về công tác phòng, chống mua bán người còn nhiều hạn chế. Công tác truyền thông chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng mà chỉ mới dừng lại ở một số địa bàn trọng điểm và vào các đợt cao điểm, đôi lúc còn dàn trải, chưa lồng ghép với thực hiện chương trình kinh tế, xã hội ở địa phương, chưa chú ý phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống mua bán người.

 

Điều 31 của dự thảo Luật quy định về 6 loại chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán, đó là hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Nhiều đại biểu nhất trí với quy định của dự thảo Luật và cho rằng việc thực hiện các chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán không những bảo đảm sự cân đối với chế độ hỗ trợ cho các đối tượng khác trong xã hội, mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ để nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng, tránh việc họ tiếp tục trở thành nạn nhân, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người ở nước ta và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Các đại biểu cũng đề nghị bỏ khoản 3, điều 6 dự thảo Luật về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bởi việc quy định “Nạn nhân được xem xét để có thể giảm nhẹ hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính đối với một số hành vi vi phạm cụ thể do mình thực hiện như là hậu quả trực tiếp của việc bị mua bán” là không cần thiết, không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Các quy định về miễn trách nhiệm hình sự và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được quy định trong Bộ luật hình sự…

 

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận về Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước phải có chính sách điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể tỉ lệ phần trăm (%) trên khoản thu từ hoạt động khoáng sản được điều tiết cho địa phương; chính sách bồi thường tái định cư, định canh, xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội của địa phương, đặc biệt là đào tạo chuyển đổi nghề cho người dân có đất bị thu hồi do hoạt động khoáng sản… Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) đề nghị Dự thảo Luật cần tách thành một chương riêng và bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này. Đại biểu Lan dẫn chứng, trên thực tế, có tình trạng trong khi doanh nghiệp khai thác thì được hưởng lợi nhuận còn người dân nơi khoáng sản được khai thác, chế biến thường phải hứng chịu rất nhiều bức xúc về môi trường và các vấn đề xã hội. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng cần có quy định bảo vệ môi trường vùng khai thác, chế biến khoáng sản; quy định khai thác, quản lý khoáng sản theo hướng hài hòa, bảo vệ môi trường.

 

Cũng liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với việc bảo vệ môi trường, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) mong muốn, cần quy định cụ thể trong luật trong trường hợp có sự cố về môi trường xảy ra. Dự luật phải quy định rõ trách nhiệm xử lý, giải quyết những vụ việc như vậy thuộc về cơ quan, tổ chức nào. Trong việc đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân, phải quy định rõ tỉ lệ phần trăm lợi nhuận từ hoạt động khai thác khoáng sản; quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đóng góp đầu tư các công trình phúc lợi trên địa bàn…

 

Trên một góc nhìn toàn diện hơn, đại biểu Nguyễn Vinh Hà (Kon Tum) cho rằng, không chỉ có quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức khai thác, dự thảo Luật cũng phải quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền địa phương và người dân sở tại đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản, có như vậy mới đảm bảo tính hài hòa giữa hai bên. Đại biểu Hà cũng đề nghị Dự thảo Luật có quy định bổ sung nguyên tắc tiết kiệm trong khai thác khoáng sản...

 

QUANG THUẦN (tổng hợp từ TTXVN)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek