Thứ Tư, 09/10/2024 21:18 CH
Nâng cao đời sống vật chất và xây dựng nếp sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ Ba, 21/09/2010 13:00 CH

Nâng cao đời sống và xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài đặt ra cho các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương; nhiệm vụ này đòi hỏi phải huy động toàn lực của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Trên cơ sở đặc điểm, điều kiện tự nhiên và xã hội của huyện, Đảng bộ huyện Sông Hinh đã xác định một số giải pháp cần tập trung thực hiện nhằm “nâng cao đời sống và xây dựng nếp sống văn hóa” trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sông Hinh như sau:

 

toai100921.jpg

Đồng chí Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, trình bày tham luận - Ảnh: M.KÝ

Thứ nhất: Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, chú trọng đầu tư cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước hết triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu, dự án đầu tư của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn huyện. Kết hợp và lồng ghép với các nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

 

Thứ hai: Rà soát, quy hoạch và quản lý sử dụng có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp, triển khai thật tốt các dự án trồng rừng, đưa hết diện tích đất trống đồi núi trọc, diện tích rừng nghèo vào trồng rừng kinh tế. Tăng cường tuyên truyền phổ biến để người dân hiểu giá trị mà kinh tế rừng mang lại cũng như hiểu rõ chính sách ưu đãi hỗ trợ của nhà nước đối với người tham gia dự án để họ phấn khởi, tin tưởng thực hiện. Là một huyện có đặc điểm khí hậu và đất đai phù hợp với phát triển một số cây công nghiệp như cao su, cà phê… là những cây trồng chiến lược mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Vì vậy cần một số chính sách để khuyến khích đầu tư vào các loại cây này gắn với công nghiệp chế biến. Thực hiện quảng bá, có chính sách thu hút tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông, lâm sản để tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp. Quy hoạch phát triển ổn định diện tích mía, sắn đáp ứng nhu cầu chế biến của các nhà máy. Trong chăn nuôi: phát triển chăn nuôi bò theo hướng chăn nuôi tập trung, nâng cao chất lượng đàn bò.

 

Thứ ba: Thực hiện tập huấn, đào tạo dạy nghề cho đồng bào dân tộc: Hiện nay một trong những yếu kém của sản xuất nông nghiệp là trình độ sản xuất còn thấp kém, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, năng suất sản lượng chưa cao. Để từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn vấn đề cốt lõi là phải tập huấn, đào tạo, dạy nghề cho đồng bào dân tộc coi sản xuất nông nghiệp phải là một nghề thật sự. Hiện nay nhiều nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số không thoát được nghèo mà một trong những lý do là không biết cách làm ăn, không hiểu biết về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Việc tập huấn, đào tạo dạy nghề ở vùng đồng bào dân tộc là phải cụ thể, thiết thực, cầm tay chỉ việc tránh chung chung, lý thuyết. Nông dân cần gì ta tập huấn nội dung đó mới có thể mang lại hiệu quả cao.

 

Thứ tư: Bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Đây là gốc của vấn đề, là động lực để chuyển sản xuất nông nghiệp từ sản xuất tự túc, tự cấp thành nền sản xuất hàng hóa. Muốn vậy, bên cạnh việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến cần có biện pháp nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp, tạo ra sức cạnh tranh cao. Có chính sách bảo hộ cho một số cây, con để giảm bớt nguy cơ rủi ro trong sản xuất nông nghiệp do cơ chế thị trường mang lại. Nếu giải quyết được vấn đề này một cách cơ bản thì nhất định đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có cơ hội làm giàu chính đáng, thoát nghèo bền vững.

 

Thứ năm: Thực hiện tốt việc xây dựng thôn, buôn văn hóa, gia đình văn hóa một cách bền vững. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tập trung giới thiệu các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và các điển hình tiên tiến giúp bà con tiếp cận với khoa học để đáp ứng vào sản xuất. Dành thời lượng thích đáng cho chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc.

 

Thứ sáu: Đẩy mạnh việc sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội. Chống mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu. Tổ chức tốt các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng ở nhà văn hóa, nhà rông văn hóa, xây dựng nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu văn hóa của đồng bào.

 

Thứ bảy: Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và cán bộ văn hóa người đồng bào dân tộc thiểu số ở cơ sở, đảm bảo chế độ đãi ngộ thỏa đáng để họ yên tâm và phấn khởi công tác, giúp ích cho sự phát triển của cộng đồng.

 

Thứ tám: Nắm vững tình hình và kịp thời đấu tranh ngăn chặn những âm mưu chia rẽ dân tộc, gây mất trật tự an toàn xã hội của các lực lượng thù địch trong nước và quốc tế. Giữ vững kỷ cương, pháp luật của nhà nước, nghiêm trị bọn tội phạm chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

ĐẶNG ĐÌNH TOẠI

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek