Cách đây tròn 41 năm, Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng. Nước nhà đang bị chia cắt, không thể ra Hà Nội viếng Bác, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Phú Yên đã gửi gắm lòng mình qua những công trình, những việc làm nhớ ơn Bác, trong đó có việc tìm cây gỗ mun góp phần xây lăng Bác.
|
Ông Nguyễn Duy Luân bổ nhát rìu đầu tiên hạ cây gỗ mun. |
Bác Hồ mất, chưa ra Hà Nội viếng Bác được vì điều kiện chiến tranh, là niềm băn khoăn của mỗi một cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam. Ông Nguyễn Duy Luân nhớ lại: Đầu năm 1973, Tỉnh ủy Phú Yên nhận được điện của Trung ương về việc xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức điện gợi ý mỗi tỉnh ở miền Nam nên có một đặc sản góp phần xây lăng Bác. Đây là dịp để thể hiện tấm lòng, tình cảm của cán bộ, nhân dân Phú Yên với cha già dân tộc, nên Thường vụ Tỉnh uỷ Phú Yên tiến hành ngay cuộc họp, bàn chuyện nên chọn đặc sản gì của Phú Yên gửi ra Hà Nội xây lăng Bác. Cuộc họp thống nhất chọn cây gỗ mun. Đây là cây chỉ mọc ở các gộp đá, rất quý hiếm, không phải nơi nào cũng có. Hai tổ đi tìm gỗ mun được thành lập, do ông Huỳnh Phước Thẩm, Trưởng ban sản xuất của tỉnh, từng làm thợ rừng và anh Tiêu Văn Nghề, cán bộ trung cấp lâm nghiệp từ miền Bắc vào, làm tổ trưởng. Mỗi tổ được nhận lương thực cho 10 ngày ăn, đi về hai hướng rừng phía bắc và phía nam của tỉnh. Biết là rừng Phú Yên có gỗ mun, nhưng trong Ban thường vụ, ông Huỳnh Phước Thẩm và ngay cả đến người làm công tác lâm nghiệp như anh Tiêu Văn Nghề cũng chưa một lần thấy loại cây này, mà chỉ biết nó qua sách vở. Anh Tiêu Văn Nghề vẽ lại theo trí nhớ hình dáng lá cây gỗ mun cho các thành viên của hai tổ để đối chiếu. Hai tổ công tác lùng sục nhiều khu rừng trong tỉnh nhưng đã hết 10 ngày mà vẫn chưa tìm thấy cây mun. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận định: Muốn tìm được gỗ mun, không có cách nào khác là phải dựa vào dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Thường vụ Tỉnh ủy quyết định cử ông Nguyễn Duy Luân, lúc đó là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, là người nhiều năm gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số và ông Ma Noa, dân tộc Ba Na, Bí thư huyện miền Tây của tỉnh, trực tiếp đi tìm cây gỗ mun. Vào một buổi chiều tháng 11/1973, đoàn xuất phát từ căn cứ Tỉnh ủy ở xã Sơn Định, tối thì đến buôn Suối Trầu, xã Sơn Hội (đều thuộc huyện Sơn Hòa hiện nay). Mặc dù trời mưa, nhưng khi nghe có cán bộ đến tổ chức mit tinh, bà con ở buôn tản cư này kéo đến rất đông. Trong khi đang nói chuyện, ông Nguyễn Duy Luân thấy một nhóm bà con ngồi phía xa, hỏi ông Ma Noa bà con nói gì thì được ông Ma Noa cho biết, bà con đang nói về cây gỗ mun. Mừng quá, hỏi bà con thì được biết, trong buôn có người nhìn thấy cây mun nhưng hiện đi rẫy chưa về. Đợi một lát sau thì thấy một người đàn ông khoảng ngoài 30 tuổi, cởi trần, quấn khố, lạnh run vì trời mưa. Anh nói: Cây mun này là của tui, tui đã “nuôi” lâu lắm rồi, nó ở gần đây, ngay trong buôn này thôi. Tất cả mọi người nghe nói đều mừng khôn tả. Cả đoàn theo anh đi tìm cây gỗ mun. Trời tối, men theo bờ suối, một lát sau trước mặt mọi người sừng sững một cây cổ thụ thân to đến hai người ôm, cao vút, thẳng tắp.
Ông Nguyễn Duy Luân vẫn nhớ như in lễ hạ cây gỗ mun vào ngày 6/4/1974. Trước sự tham dự của đại diện lãnh đạo tỉnh, hội đoàn thể, bà con buôn Suối Trầu, ông Bùi Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy xúc động đọc diễn văn, bày tỏ niềm vinh dự của Phú Yên được góp phần xây dựng lăng Bác. Ông Nguyễn Duy Luân- Bí thư Tỉnh ủy lúc đó- bổ nhát rìu đầu tiên. Cây gỗ mun được hạ xuống, xẻ ra, theo đoàn xe thồ băng rừng, vượt suối, lên đường Hồ Chí Minh, cùng các loại gỗ quý hiếm khác của các tỉnh miền Trung kịp chở ra Hà Nội vào tháng 5/1974, góp phần cùng tinh hoa trăm miền làm nên công trình của lòng dân cả nước đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.
Sau ngày đất nước thống nhất, ra thăm thủ đô Hà Nội, vào lăng viếng Bác, nhớ lại câu chuyện đi tìm cây gỗ mun năm xưa, ông Nguyễn Duy Luân rưng rưng nghĩ về tấm lòng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Phú Yên đối với Bác.
PHAN XUÂN LUẬT