Thứ Hai, 25/11/2024 18:44 CH
Có phải “hợp tác” với phát xít Nhật là khôn ngoan?
Thứ Năm, 02/09/2010 13:00 CH

Bảy mươi năm trước, trên con đường xâm lược các nước Đông Nam Á, phát xít Nhật đưa quân vào Đông Dương đang bị thực dân Pháp thống trị. Pháp không dám chống cự. Nhật chiếm đóng Đông Dương nhưng vẫn duy trì bộ máy cai trị của thực dân Pháp phục vụ cho lợi ích của Nhật, tránh những xáo trộn chưa cần thiết.

 

Đến tháng 3/1945, Nhật bị thất bại nặng nề ở Thái Bình Dương, lo sợ Pháp sẽ làm hậu thuẫn cho Đồng minh nếu quân Anh - Mỹ đổ bộ vào Đông Dương, để phòng tai họa, ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính lật Pháp, trực tiếp cai trị Đông Dương. Ở Việt Nam, Nhật lập ra chính phủ tay sai do Trần Trọng Kim làm thủ tướng.

 

Thời ấy, Mặt trận Việt Minh, một tổ chức cách mạng được Đảng Cộng sản lãnh đạo, đã hô hào nhân dân đoàn kết đánh đổ phát xít Nhật và Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, giành độc lập.

 

Nhật bại trận, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim bị đánh đổ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ. Nước ta được hoàn toàn độc lập, thoát khỏi ách thống trị của phát xít Nhật. Nhân dân ta được tự do. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập.

 

Ấy thế mà ngày nay, ông Mai Khắc Ứng viết trên Tạp chí Xưa và Nay số 346, tháng 12/2009 rằng: Trong lúc Pháp lăm le trở lại Việt Nam, việc ông Trần Trọng Kim “tạm thời bắt tay với người Nhật để yên thân thành lập một chính phủ hợp hiến tìm sự ủng hộ của công luận trong và ngoài nước, trước khi Pháp gây hấn là một toan tính khôn khéo của Trần Trọng Kim”.

 

Mọi người đều biết ông Trần Trọng Kim là con bài mà phát xít Nhật đã chuẩn bị sẵn từ năm 1940 khi chúng vào Đông Dương. Đầu năm 1941, ông Kim được Nhật đưa qua Singapore, sau đó là Bangkok (Thái Lan). Sau khi Nhật lật Pháp ba tuần, vào cuối tháng 3/1945, Nhật đưa máy bay sang Bangkok chở ông về Sài Gòn và đưa ra Huế, xếp đặt cho ông làm thủ tướng chính phủ do Nhật lập ra để phục vụ lợi ích của Nhật, tiếp tục thống trị Việt Nam. Một chính phủ không hề được thành lập bằng bầu cử, dù là bầu cử giả hiệu, ấy thế mà lại gọi là chính phủ “hợp hiến”, hiến gì ở đây mà hợp?

 

Phát xít Nhật là kẻ thù chẳng những của nhân dân ta mà còn là kẻ thù của loài người. Chúng đã bị cả thế giới lên án và đánh đổ. Thế mà “hợp tác” với chúng “để tìm sự ủng hộ của công luận trong và ngoài nước” quả là ngây ngô nếu không phải là cố tình làm tay sai cho chúng.

 

Ông Mai Khắc Ứng viết là: “Mọi lời buộc tội ông Trần Trọng Kim làm tay sai Nhật đều là võ đoán, đồn đại, không có cơ sở. Tất cả chỉ để vu vạ kiểu “cả vú lấp miệng em” đó thôi…”.

 

Nói ông Trần Trọng Kim làm tay sai Nhật sao lại không có cơ sở?

 

Ngày 17/4/1945, nội các Trần Trọng Kim được thành lập, đến ngày 8/5/1945, vua Bảo Đại ra Tuyên chiếu và nội các ra Tuyên cáo với quốc dân. Ông Phạm Khắc Hòe - nguyên Tổng lý Ngự tiền văn phòng của triều Nguyễn, viết trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc như sau: “Bản Tuyên cáo của nội các (Trần Trọng Kim) đối với quốc dân đã vạch ra một chương trình hoạt động khá đầy đủ, đồng thời hô hào “Quốc dân phải cố gắng sức làm việc, chịu nhiều hy sinh hơn nữa và phải thành thực hợp tác với nước Đại Nhật Bản trong sự kiến thiết nền Đại Đông Á, vì cuộc thịnh vượng chung của Đại Đông Á có thành, sự độc lập của nước ta không phải là giấc mộng thoáng qua”.

 

Hai bản Tuyên chiếu và Tuyên cáo được đăng trên báo đồng thời với tin phát xít Đức đầu hàng không điều kiện làm cho nhân dân bàn tán xôn xao, nên Trần Trọng Kim lại phải tuyên bố: “Việc nước Đức đầu hàng không hại gì đến sự liên lạc mật thiết giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam… sự bại trận ấy không thể giảm bớt lòng chúng ta kiên quyết giúp Nhật Bản theo đuổi cuộc chiến đấu cho đến khi toàn thắng để kiến thiết vùng Đại Đông Á… Chúng ta chỉ phải giữ vững cuộc trị an trong nước và chịu những hy sinh cần thiết để cho quân đội Nhật Bản được chúng ta tận tâm giúp đỡ về mặt tinh thần và vật chất. Nền độc lập của chúng ta có như thế mới vững bền” (Xem Việt Nam tân báo số ra ngày 18/5/1945).

 

Trong hồi ký Một cơn gió bụi, xuất bản ở Sài Gòn năm 1969, ông Trần Trọng Kim đã cắt bỏ đoạn ông hô hào: “Quốc dân phải cố gắng sức làm việc, chịu nhiều hy sinh hơn nữa và phải thành thật hợp tác với nước Đại Nhật Bản…” trong bản phụ lục số 1 để che dấu bớt tội làm tay sai cho Nhật.

 

Những ngày đầu tháng 8/1945, Nhật Bản sắp phải đầu hàng Đồng minh, phong trào cách mạng giành độc lập của nhân dân ta ở miền Bắc dâng cao, một số vị bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim xin từ chức. Ông Trần Trọng Kim bực tức nói trong một cuộc họp nội các: “Khi vui thì vỗ tay vào, khi hoạn nạn thì ào ào chạy ra! Trốn trách nhiệm, chạy dài như thế mà không xấu hổ?”.

 

Ông Hồ Tá Khanh - Bộ trưởng Bộ Kinh tế nói: “Trách nhiệm của chúng ta lúc này là rút lui, chứ không phải bám lấy, bám lấy mới là xấu hổ”.

 

Ông Nguyễn Hữu Thí - Bộ trưởng Bộ Tiếp tế vỗ tay, nói rất to: “Hoan hô, hoan hô ông bạn Hồ Tá Khanh!”.

 

Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng minh. Tại Huế, trong cuộc họp nội các ngày 17/8, ông Trần Đình Nam - Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu: “Tôi đề nghị chúng ta rút lui ngay, nhường hẳn quyền binh cho Việt Minh. Theo tôi nghĩ thì cả Hoàng đế cũng nên rút lui”.

 

Ông Trần Trọng Kim nhảy người lên nghiêm khắc lên án ông Trần Đình Nam dám đòi nhà vua bỏ ngôi báu (Phạm Khắc Hòe, sđd).

 

Trong khi Nhật vơ vét thóc của nhân dân ta đựng đầy kho để nuôi quân lính Nhật, Mặt trận Việt Minh lãnh đạo nhân dân phá kho thóc chia cho dân bị nạn đói hoành hành, thì Chính phủ Trần Trọng Kim ra sắc lệnh ngày 13/6/1945 phạt tội tử hình những ai tấn công vào đường giao thông, vào các kho gạo, kho hàng hóa, cấm chỉ mọi cuộc tụ họp trên mười người. Sắc lệnh ngày 15/7 cấm các công đoàn hoạt động chính trị.

 

Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, trong sách Việt Nam - một thiên lịch sử (NXB Lao Động, 2006): “Chính phủ Trần Trọng Kim tỏ ra bất lực hoàn toàn trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách, nạn đói tiếp tục hoành hành, không một thể chế mới nào được ban hành… Chính phủ Trần Trọng Kim tự vạch mặt, đơn giản họ chỉ là tay sai của người Nhật”.

 

Ông Mai Khắc Ứng nêu: “Một chi tiết đáng chú ý là Trần Trọng Kim và thành viên nội các đang lựa chọn, sắp xếp, khẩn thiết yêu cầu Nhật mở cửa các nhà tù của Pháp, ân xá toàn bộ chính trị phạm không điều kiện ngay lập tức trước khi thành lập chính phủ… Nhờ vậy, Trương Văn Linh cùng nhiều chiến sĩ ra khỏi nhà tù Hỏa Lò và các nhà tù khác trên cả nước từ tháng 3/1945…”.

 

Xin thưa: Ông Trần Trọng Kim từ Bangkok về Sài Gòn cuối tháng 3/1945. ngày 5/4 ra đến Huế. Ngày 7/4 vào yết kiến ông Bảo Đại. Ngày 17/4 mới lập xong nội các, như vậy ông Kim và các thành viên nội các đang được sắp xếp đòi Nhật thả tù chính trị vào lúc nào mà nhiều chiến sĩ ra khỏi tù trên cả nước từ tháng 3/1945?

 

Đúng là sau khi thành lập, Chính phủ Trần Trọng Kim có ban hành việc ân xá tù chính trị nhưng không được áp dụng cho những người Cộng sản, tức là 9/10 số người bị giam giữ lúc đó.

 

Trên thực tế có một số tù là Cộng sản được thả vì mấy lẽ:

 

Sau khi Pháp bị Nhật lật đổ, bọn cai tù người Pháp đều bị bắt giam. Bọn tay sai Pháp canh giữ nhà lao hoang mang sợ sệt. Người Nhật chưa kiểm soát được chặt chẽ. Một số đảng viên Cộng sản bị bắt giam nhưng Pháp không có chứng cứ để kết tội họ là Cộng sản, do đó khi có lệnh ân xá nói trên, họ được thả. Một số khác do đấu tranh mà được thả. Lấy ví dụ nhà lao Buôn Ma Thuột ở Tây Nguyên giam giữ rất nhiều tù chính trị. Sau ngày 9/3/1945, họ đấu tranh quyết liệt đòi được thả, kết hợp với phong trào đấu tranh của nhân dân bên ngoài nhà lao nên có một số - chỉ một số ít thôi được thả, trong đó có những đảng viên Cộng sản như: Trần Mai Ninh, Tống Đình Phương, Trương Chí Cương. Mãi đến ngày 17/8 sau khi Nhật đầu hàng hai ngày, cũng do có đấu tranh tại chỗ mà có thêm một số đảng viên được thả, đâu phải việc thả tù Cộng sản dễ dàng như ông Ứng nói. Điều rất rõ ràng nữa là tại nhà tù Côn Đảo, người tù Tôn Đức Thắng và nhiều người khác chỉ được tự do khi Cách mạng Tháng Tám thành công.

 

Chính phủ Trần Trọng Kim làm tay sai cho Nhật bị nhân dân Việt Nam đánh đổ. Nhà nước cách mạng vẫn đối xử với ông Trần Trọng Kim rất là rộng lượng. Ông Kim cũng thừa nhận trong hồi ký của mình là sau khi chính phủ ông sụp đổ, ông rất túng bấn, may nhờ chính phủ cách mạng đã phát cho ông nửa tháng lương (nửa cuối tháng 8 năm 1945) với số tiền là 1.600 đồng - một số tiền rất lớn lúc bấy giờ, nên ông có tiền chi tiêu! Xin được nói thêm là thời điểm đó, chính phủ cách mạng thiếu thốn trăm bề, ngân quỹ chỉ có mấy triệu bạc. Ông Kim sống ở Huế ba tháng, từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 11/1945 không hề bị quấy rầy. Ông ra Hà Nội ở đến nửa năm nữa cũng rất yên ổn. Đến khi Quốc Dân Đảng Trung Quốc sang, tước khí giới quân Nhật rút về nước, thì ông vội vã theo chân quân Quốc Dân Đảng sang Trung Hoa.

 

Ông mò tìm và gặp ông Bảo Đại ở Hồng Kông cùng trùm mật thám Pháp Cousseau để bàn mưu tính kế. Ông được Cousseau và Bảo Đại, lúc này đã đào ngũ chuẩn bị làm tay sai lần nữa cho Pháp, cho tiền và sắp xếp cho ông cùng vợ con về sống ở Sài Gòn. Giữa lúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Pháp xâm lược lần thứ hai nổ ra khắp nước thì ông Trần Trọng Kim “chống Pháp” bằng cách sống yên ổn giữa sào huyệt của bọn thực dân. Tại đây, ông có mối quan hệ mật thiết với các quan chức cao cấp Pháp như Cao ủy Pi-nhông (Pignon) và tay chân của họ. Tháng 3/1947, khi nghe tin quân ta, sau hai tháng chống Pháp tại Hà Nội, đã tạm rút ra khỏi thủ đô để tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ, thì ông Trần Trọng Kim nói trong một cuộc gặp gỡ ở Sài Gòn có ông Phạm Khắc Hòe dự, đầy hứng thú là “Việt Minh đi đời rồi!” (Phạm Khắc Hòe, sđd).

 

Ông Kim nằm ờ Sài Gòn chờ Pháp cho một chức trong chính phủ bù nhìn do chúng lập ra. Nhưng thực dân Pháp không mặn mà gì với lá bài Nhật đã hết thời. Ông đã cay đắng thốt lên với ông Phạm Khắc Hòe khi ông Hòe ghé thăm vào tháng 4/1947 rằng: “Thằng Pháp ở đây đểu lắm. Thôi dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng” (Dùng thì làm, không dùng thì ở ẩn).

 

Câu nói của ông Kim khiến ông Hòe ngao ngán viết trong hồi ký là: “Câu nói cuối cùng này làm cho chút ít sự kính nể của tôi đối với ông Kim tan biến hết!”.

 

Pháp không dùng, ông Kim lên Đà Lạt ở ẩn cho đến lúc qua đời ngày 2/12/1953.

 

Sự thật đã quá rõ ràng. Con đường chính trị, đấu tranh để giành độc lập mà ông Trần Trọng Kim đã chọn lựa kỹ càng ngay từ năm 1940 là: Nhật thắng, đi theo Nhật, hết lòng phục vụ chúng. Nhật thua, tìm đường sang Trung Quốc liên hệ với thực dân Pháp. Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, đi với Pháp. Đó là sự tính toán khôn khéo của ông Trần Trọng Kim mà ông Mai Khắc Ứng hết lời ca ngợi trên Tạp chí Xưa và Nay. Ai là người võ đoán, cả vú lấp miệng em?

 

ĐẶNG MINH PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek