Thứ Sáu, 04/10/2024 00:19 SA
Từ chi bộ đảng đầu tiên đến Cách mạng Tháng Tám ở Hòa Tân
Thứ Ba, 24/08/2010 07:30 SA

Đồng chí Lê Tấn Thăng, một thanh niên yêu nước ở Hòa Tân, được may mắn tiếp thu ảnh hưởng cách mạng sớm nhất. Học ở phủ lỵ Tuy Hòa từ những năm 1928-1930, đồng chí Lê Tấn Thăng chịu ảnh hưởng và sự giáo dục trực tiếp của Chi bộ thanh niên Cách mạng đồng chí hội do đồng chí Phan Thanh làm bí thư. Sau khi các đảng viên trong chi bộ đảng đầu tiên ở Phú Yên và Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên bị địch bắt, đồng chí Việt Hồng (Phan Ngọc Bích) vào Tuy Hòa, bắt liên lạc với đồng chí Thăng và một số anh khác thành lập chi bộ Đảng Cộng sản tại Tuy Hòa tháng 11/1931. Đồng chí Lê Tấn Thăng được Đảng phân công làm công tác vận động thanh niên, phụ trách vùng phía nam sông Đà Rằng.

 

Năm 1985, nhân dịp nhận chiếc huy hiệu cao quý 50 tuổi Đảng, đồng chí Lê Tấn Thăng nhắc lại việc thành lập chi bộ đảng cộng sản đầu tiên ở Hòa Tân (1936).

 

“Năm 1933 chúng tôi kẻ thì bị bắt, người bị truy nã. Đến thời kỳ Mặt trận bình dân, Đảng ta chủ trương chuyển hướng đấu tranh, mạnh dạn sử dụng mọi khả năng hợp pháp để đấu tranh chống phát xít đòi dân sinh, dân chủ. Có được thời cơ thuận lợi, chúng tôi (đồng chí Trần Hào, đồng chí Trịnh Ba và tôi) được liên Tỉnh ủy Ngãi - Bình - Phú giao nhiệm vụ gấp rút xây dựng lại cơ sở đảng. Chúng tôi đã vận động và thành lập được một loạt chi bộ đảng ở Mỹ Thạnh, Nho Lâm, Phước Hậu, Hội Cư, Đồng Bò… Đồng chí Lê Tấn Thăng kể tỉ mỉ: “Trong một đêm tối trời, cuối mùa hè năm 1936, tại nhà ông nội tôi ở thôn Hội Cư cuộc họp thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Hòa Tân diễn ra rất trang nghiêm. Không có cờ, ảnh, chỉ có một quyển Điều lệ Đảng nhỏ xíu chép tay, bốn đảng viên cộng sản đầu tiên ở Hòa Tân chụm đầu vào nhau thì thầm trao đổi mục đích của Đảng Cộng sản là gì? Nhiệm vụ của đảng viên thế nào? Và cuộc họp nhanh chóng kết thúc, bốn người đều thề quyết hy sinh và giữ gìn bí mật.

 

Bốn chúng tôi mỗi người một nghề: anh Lê Ngọc (thường gọi là Thừa Quang) làm thầy dạy võ, anh Lê Ngọc Nhuận làm thầy thuốc, anh Lê Quyền (thường gọi là Thợ Ba Đá) làm nghề chẻ đá. Nhờ những nghề nghiệp đó mà chúng tôi đi đây đi đó, làm liên lạc của Đảng, ít bị nghi ngờ, để ý. Chính anh Thợ Ba Đá đã nhiều lần mang tài liệu, thơ từ cho đồng chí Trần Hào. Trong những năm đó chi bộ đã đi thu thập dân nguyện để đón Gô-Đa, vận động đi bầu nghị viện dân biểu, lấy chữ ký phản đối dự luật thuế của Pháp. Vận động đi dự mít tinh nhân ngày quốc khánh Pháp 14/7/1939 ở Tuy Hòa. Chúng tôi đã đưa được một số sách báo tiến bộ về xã như: Gương Ái Quốc, Chiêu hồn nước… đã tuyên truyền gây dựng cơ sở trong vùng…

 

Đến cuối năm 1939, khi chi bộ đang vận động ráo riết ủng hộ Liên Xô chống chiến tranh phát xít, thì các đồng chí lãnh đạo trong phủ lần lượt bị bắt, tôi cũng bị bắt. Cơ sở Đảng các nơi còn non yếu, bị tan rã gần hết. Chi bộ Hội Cư cũng trong tình trạng chung đó”.

 

Ở vùng Mỹ Thạnh, Tân Mỹ chủ sở Đồng Bò cướp ruộng đất của dân để mở rộng đồn điền trồng mía bị nông dân đấu tranh quyết liệt chống lại (1942-1943). Trong xưởng đường, hàng nghìn công nhân đấu tranh đòi tăng lương…

 

Từ khi Nhật vào Phú Yên, lính Nhật đến đóng ở Tuy Hòa ngày càng nhiều. Cả Nhật và Pháp ra sức vơ vét để phục vụ chiến tranh. Chúng thu vét gạo, lúa, bông, thuốc lá, ráo riết lùng bắt phạt vạ những ai không bán, không nộp cho chúng; chúng bắt dân đi phu đài tải cho lính, bắt ghe thuyền, xe ngựa, chở súng đạn qua sông Cái, chở lương thực vào Hảo Sơn… Bọn hương lý cường hào bang tá nhân cơ hội hà hiếp, nhũng nhiễu nhân dân. Ở những nơi có lính Nhật đóng, những hành vi đánh đập tàn bạo và nhục mạ đối với người Việt Nam diễn ra hàng ngày.

 

Đồng chí Lê Tấn Thăng hoạt động hợp pháp, vận động được nhiều hương lý kỳ hào bớt hà khắc truy bức nhân dân trong việc nộp bông, nộp gạo, bắt xâu, bắt lính. Đồng chí còn tham gia lập những tổ chức quần chúng hợp pháp như: hội đá banh, nghiệp đoàn xe ngựa… để tập hợp quần chúng. Tên tri phủ Tuy Hòa Phạm Ngọc Ấn phục vụ đắc lực giặc Nhật, bắt bớ cả những lý hương không tiếp tay đắc lực cho Nhật; đông đảo lý hương và thanh niên Tuy Hòa đã vận động lấy chữ ký kéo lên phủ đường tham gia cuộc đấu tranh đòi lật đổ tên Ấn.

 

Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ở Hòa Tân, phong trào đá banh của thanh niên và phong trào truyền bá chữ quốc ngữ đã cuốn hút đông đảo thanh niên và bà con nông dân tham gia.

 

Sau khi thành lập Việt Minh, phủ Tuy Hòa và Tỉnh ủy Phú Yên (tháng 6/1945), Đại hội Việt Minh tỉnh đã bàn bạc và quyết định những công việc cần làm để tiến tới tổng khởi nghĩa. Đồng chí Lê Tấn Thăng tham gia ban vận động khởi nghĩa ở phủ Tuy Hòa. Về quê đồng chí chọn một số thanh niên có nhiệt huyết như Lê Ngợi ở Phú Thứ, Trần Thị Ấp ở Mỹ Lệ, Lê Đồng ở Hội Cư, hình thành một nhóm nòng cốt chuẩn bị khởi nghĩa ở tổng Hòa Lạc. Nhóm này đã phân công đứng ra nắm phong trào thanh niên đang sôi sục, chia nhau đi các thôn Hội Cư, Xuân Thạnh, Cảnh Phước, Phước Mỹ, Mỹ Lệ, Mỹ Phong…

 

Trong phong trào có nhiều thanh niên yêu nước cốt cán hăng hái tham gia như các anh Huỳnh Xuân Bang, Lê Ngọc Nhuận, Nguyễn Cảng, Tạ Trung Thanh, Lê Anh, Lê Ngọc Cừ, Trương Tấn Mỹ, Ngô Ơn, Nguyễn Ngọc Anh, Lê Ngọc Đỉnh.

 

Cuối tháng 7/1945, Hội Cư được Ban vận động khởi nghĩa phủ Tuy Hòa chọn làm nơi hội họp cán bộ Việt Minh cốt cán của các xã, thôn ở phía nam sông Đà Rằng. Cuộc họp đã nghe hướng dẫn về nội dung tuyên truyền là vạch mặt phát xít Nhật và chính phủ Trần Trọng Kim, phổ biến rộng rãi chính cương điều lệ của Việt Minh, đặc biệt nghe phổ biến kinh nghiệm của tổng Hòa Lạc về tổ chức các đoàn thể cứu quốc, tổ chức lực lượng tự vệ và tập luyện quân sự. Cuộc họp nhấn mạnh: Tất cả phải thống nhất do Việt Minh thống lĩnh. Nguyễn Viên Đề (người thôn Phú Quý, theo đảng Đại Việt, tay chân của nhóm Trương Bội Hoàng) một phần tử cơ hội hám danh đã cãi cù nhầy trong cuộc họp, đòi tự do tuyên truyền, tự do tổ chức và hoạt động. Hội nghị đã kịch liệt phản đối Nguyễn Viên Đề.

 

Ngày 23/8, từng thôn tập trung biểu tình võ trang thị uy kéo về thị xã. Đoàn người biểu tình thị uy của Hội Cư, Xuân Thạnh, Cảnh Phước, Phú Lương rầm rập kéo về phủ lỵ. Đoàn người tiến xuống đến cầu Phú Lâm thì bị chặn lại, vì “Bên thị xã đang thiết quân luật”. Các đoàn biểu tình của các thôn thuộc tổng Hòa Lạc quay ngược lên tổng Hòa Lạc. Từ ga Gò Mầm lên Phước Thịnh người chật ních trên bờ mương. Trước cửa nhà chánh tổng Võ Quang Khánh, đoàn biểu tình phất cờ huơ gậy, đánh trống thét vang: “Đả đảo chính phủ bù nhìn”, “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Tổ quốc trên hết”. Chánh tổng Võ Quang Khanh sợ, bỏ trốn. Ngày hôm sau, tại nhà thương Phú Thứ cuộc họp đại biểu cốt cán của 25 thôn trong tổng Hòa Lạc bầu ra Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tổng.

 

Đồng chí Lê Đồng ở Hội Cư được bầu làm chủ tịch.

 

Sau tổng, các thôn tiếp tục mít tinh biểu tình, họp bầu cử UBND lâm thời thôn. Chính quyền mới ra mắt nhân dân, tuyên bố xóa bỏ thuế má bất công, thực hiện nam nữ bình đẳng… các lý trưởng lần lượt đi nạp đồng triện, nhiều lý trưởng đến nhà riêng nộp cho chủ tịch. Riêng có thôn Phú Quý tình hình còn nhùng nhằng, Nguyễn Viên Đề lôi kéo lý trưởng và một số người nhẹ dạ không chịu công nhận UBND thôn, không chịu nộp đồng triện.

 

Ở tất cả các thôn, đúng như dự kiến của Ban vận dộng khởi nghĩa của phủ và tổng, những thanh niên có học thức hăng hái tham gia sôi nổi nhất, đảm nhiệm cương vị Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời và chủ nhiệm Việt Minh các thôn.

 

Thôn Hội Khánh: Lê Đài, Trương Tấn Mỹ

Thôn Phú Lạc: Đoàn Quận, Lê Ngọc Liễn.

Thôn Hội Cư: (lúc này Mỹ Định đã nhập với Hội Cư), Lê Xuân Thọ, Lê Tấn Trung, Trần Hồng.

Thôn Xuân Thạnh: Tạ Đình Nguyên, Tạ Trung Thanh.

Thôn Cảnh Phước: Nguyễn Thanh, Huỳnh Xuân Bang.

Thôn Đồng Thạnh: Diệp  Điểm, Nguyễn Bá Quang.

Thôn Vĩnh Xuân: Trương Trọng Sinh, Trương Khịa.

Thôn Phú Đa: Trần Phúc Ý, Lại Ngôn

Thôn Phú Lương: Võ Trọng Nghĩa, Lê Ngọc Đỉnh.

Thôn Phú Quý: Nguyễn Thụ, Lê Nhạc.

 

THÀNH NAM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek