Thứ Ba, 26/11/2024 13:40 CH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về khởi nghĩa vũ trang toàn dân và Cách mạng Tháng Tám
Thứ Năm, 19/08/2010 11:01 SA

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị của toàn dân, là lực lượng và hình thức đấu tranh cơ bản có tác dụng quyết định thành công của cách mạng, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về khởi nghĩa vũ trang toàn dân.

 

cm100819.jpg

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22/12/1944 tại Nguyên Bình (Cao Bằng) theo chỉ thị trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: TTXVN

 

Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn và phương pháp cách mạng phù hợp. Trên cơ sở kế thừa di sản quân sự của dân tộc và tiếp thu kinh nghiệm cách mạng của thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ con đường khởi nghĩa vũ trang ở Việt Nam phải đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa. Năm 1924, trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Người viết: “Phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị từ trong quần chúng”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1966, tr.468-469).

 

Dưới ánh sáng của lý luận Mác - Lênin và tấm gương của Cách mạng Tháng Mười Nga. Người đã chỉ ra mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc. Nhưng mặt khác, Người cũng chỉ ra tính chủ động và có thể giành thắng lợi trước của cách mạng thuộc địa. Do đó, nhân dân Việt Nam ta khi thời cơ đến, có thể chủ động đứng lên “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Đây là một luận điểm đặc biệt sáng tạo, khác với quan điểm của Quốc tế cộng sản đặt cách mạng thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, coi cách mạng thuộc địa là “hậu bị quân” của cách mạng ở chính quốc và cách mạng giải phóng thuộc địa chỉ có thể thắng lợi khi cách mạng vô sản ở chính quốc thắng lợi: “Việc giải phóng các thuộc địa chỉ có thể tiến hành với việc giải phóng giai cấp công nhân ở chính quốc” (Tuyên ngôn của Quốc tế cộng sản 1848).

 

Thực tiễn lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng minh quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là hoàn toàn sáng tạo, hoàn toàn đúng đắn. Nếu dân tộc Việt Nam ỷ lại, chờ đợi cách mạng vô sản Pháp thành công mới giành được độc lập thì bao giờ cho đến ngày ấy?

 

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 1/1941, Nguyễn Ái Quốc đã về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nơi Người đặt chân đầu tiên trên quê hương đất nước là tỉnh Cao Bằng, giáp biên giới Việt – Trung.

 

Tổng hành dinh của cách mạng đặt tại Pác Bó – Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng. Tại đây, Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì hội nghị Trung ương lần thứ 8 vào tháng 5/1941. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 là một hội nghị lịch sử, quyết định chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc cao hơn hết, là nhiệm vụ trước tiên, tạm gác nhiệm vụ cách mạng ruộng đất lại (chỉ thực hiện giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng).

 

Trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình lúc đó, Hội nghị đã đưa ra một nhận định hết sức quan trọng, giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Hội nghị nhận định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, tháng 5/1941).

 

Theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Người đã nhân danh nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc viết lá thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm…”.

 

Hội nghị Trung ương lần thứ 8 cũng là hội nghị quyết định chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển hoàn chỉnh tư tưởng Hồ Chí Minh về khởi nghĩa vũ trang ở Việt Nam. Đây là một cuộc khởi nghĩa vũ trang do toàn dân tộc tiến hành. Hồ Chí Minh chủ trương đi vào quần chúng, tuyên truyền vận động giác ngộ quần chúng, phát triển lực lượng chính trị, trên cơ sở đó thành lập lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, thực hiện khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.

 

Hồ Chí Minh rất chú trọng tạo lực, tạo thế, tạo thời và nắm vững thời cơ. Trong lời kêu gọi đồng bào tháng 5/1941, Người đã phân tích các cuộc khởi nghĩa trước chưa thành công là vì hai nguyên nhân: “Một là vì cơ hội chưa chín, hai là vì nhân dân ta chưa đồng tâm hiệp lực”. Mùa thu năm 1944, Người quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa ở Cao Bắc Lạng vì “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới”.

 

Tháng 7/1945, phát xít Đức – Ý bại trận, phát xít Nhật nguy khốn chuẩn bị đầu hàng, lúc này Hồ Chí Minh đang ốm nặng, nằm trên giường bệnh ở lán Nà Lừa (Tân Trào), Người đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. (Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, 1994, tr.196).

 

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về khởi nghĩa vũ trang toàn dân là linh hồn của đường lối quân sự Việt Nam trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

 

 

Trung tướng HỒNG CƯ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek