Thứ Ba, 30/04/2024 16:38 CH
Cách mạng Tháng Tám tại Hòa Mỹ
Thứ Tư, 11/08/2010 07:00 SA

Tháng 10/1935, một cuộc họp của những người cộng sản tại rừng dương Minh Chính xã Bình Kiến, phủ Tuy Hòa thành lập ban vận động thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Phú Yên do đồng chí Trần Hào được cử làm trưởng ban.

 

Cuộc họp thảo luận Chính cương Điều lệ của Đảng và chương trình hoạt động của Đảng, đồng thời phân công các đảng viên Trần Hào, Huỳnh Nựu, Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại, Đỗ Tương đi làm nhiệm vụ phát triển Đảng ở hai phủ Tuy Hòa, Tuy An và vận động quần chúng có cảm tình với Đảng vào các tổ chức: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Đoàn thanh niên cộng sản, Đội tự vệ.

 

Cuối năm 1935, đồng chí Lê Tấn Thăng được Tỉnh ủy Phú Yên phân công về tổng Hòa Mỹ hoạt động. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Tấn Thăng, những người thanh niên yêu nước Hòa Mỹ đã tham gia tổ chức thanh niên tiến bộ (thanh niên dân chủ) gồm các đồng chí Lương Công Huề, Huỳnh Mai...

 

Năm 1936, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên được tổ chức, đồng chí Trần Hào được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội chủ trương đẩy mạnh hoạt động công khai, vận động thành lập Mặt trận dân chủ tại khu vực Đồng Bò (trong đó có Hòa Mỹ). Đồng thời Tỉnh ủy còn tiến hành thành lập Hội tương tế nông dân (sau đổi tên là Hội ái hữu nông dân) được thành lập cùng một số tổ chức quần chúng cách mạng khác. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Nhà máy Đường Đồng Bò, nhân dân Hòa Mỹ liên tục đứng lên đấu tranh chống quan lại cường hào và chủ tư bản áp bức bóc lột, chống cúp phạt, sa thải công nhân. Nông dân đốt mía phản đối thủ đoạn xảo quyệt của bọn tư bản trong việc ép nông dân để mua đất, thuê đất với giá rẻ mạt. Nông dân Hòa Mỹ đấu tranh không cho bọn địa chủ vận chuyển mía qua ruộng của họ. Bọn quan lại ở phủ Tuy Hòa vâng lệnh quan thầy điều động lính tuần đến đàn áp, nhưng không dập tắt nổi vì vấp phải sự chống trả quyết liệt của nông dân. Để đối phó với phong trào đấu tranh của bà con nông dân Hòa Mỹ, Hòa Phong, tên công sứ Pháp và tuần vũ Phú Yên tại Sông Cầu cử tên phó sứ điều động một trung đội lính tiệp (khố xanh) và lính tuần đinh vào đàn áp.

 

Những thanh niên yêu nước tổng Hòa Mỹ còn tổ chức được Hội đọc sách báo hảo tâm gồm 25 hội viên là thanh niên và nông dân, phổ biến rộng rãi những tờ báo cách mạng như Sông Hương, Nhành Lúa, Đời Mới, Đời Nay, Tiếng Dân, Hà Thành thời báo, Dân Chúng, Dân Muốn và một số sách tiểu thuyết có nội dung hiện thực của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố như “Bước đường cùng”, “Tắt đèn”, “Ngựa đã thuần mời ngài lên”,...

 

Trong những năm 1935-1940, những thanh niên yêu nước tổng Hòa Mỹ đã sớm tiếp cận với lý tưởng cộng sản và tập hợp vào các tổ chức quần chúng cách mạng. Được Đảng giác ngộ, nhân dân tổng Hòa Mỹ đã đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống bọn lý hương cường hào thu thuế đinh, thuế điền quá nặng.

 

Ngày 6/7/1937, nông dân xã Hòa Mỹ đã phối hợp với phong trào đình công của công nhân Nhà máy Đường Đồng Bò, nổi lửa đốt mía làm cho nhà máy hút mía sản xuất từ 300 tấn mía cây/ngày xuống còn 150 tấn mía cây/ngày. Nông dân Hòa Mỹ phối hợp cùng nông dân Hòa Phong làm đơn kiện tên chủ nhà máy đường gởi lên Tòa Khâm sứ Trung kỳ đòi trả lại ruộng đất. Trước áp lực đấu tranh của nông dân, tên chủ nhà máy đường phải nhượng bộ, nhận trả thêm tiền mướn đất mỗi hecta 10 đồng.

 

Nhân dân tổng Hòa Mỹ đã vận động bỏ phiếu cho Trần Chương và Phạm Đàn là nhân sĩ trí thức tiến bộ trúng cử vào Viện Trung kỳ.

 

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, ngày 28/9/1939 toàn quyền Đông Dương Catroux ra nghị định giải tán các tổ chức nghiệp đoàn và hội tương tế, hội ái hữu. Ngày 5/10/1939, chính phủ Nam Triều ra đạo dụ cấm hội họp, cấm tuyên truyền cộng sản, tịch thu sách báo tiến bộ. Tại phủ Tuy Hòa, thực dân Pháp mở đầu cuộc khủng bố đàn áp bằng việc khám phá và bắt giam đồng chí Huỳnh Nựu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, sau đó chúng bắt hơn 30 người, gồm nhiều đảng viên và quần chúng cốt cán.

 

Tuy nhiên, phong trào đấu tranh của nhân dân Hòa Mỹ vẫn giữ vững và thường xuyên liên lạc với đồng chí Trần Hào, Lê Tấn Thăng, Hoàng Công Thái, Nguyễn Tiến Tác.

 

Tháng 12/1941, đồng chí Hoàng Công Thái, đảng viên, công nhân Nhà máy Đường Đồng Bò đứng ra thành lập Hội ái hữu thợ thuyền tuyên truyền vận động công nhân đấu tranh để giành quyền sống.

 

Tháng 4/1942, các đồng chí Hoàng Công Thái, Nguyễn Tiến Tác lãnh đạo Hội ái hữu thợ thuyền huy động 500 nông dân Hòa Mỹ, Hòa Phong dùng dao, rựa, cuốc, xẻng... đánh lính bang tá đến chiếm ruộng đất và mở đường chở mía. Có những người nông dân dũng cảm ngăn cản đường không cho chúng thực hiện việc mở đường.

 

Tỉnh ủy Phú Yên tăng cường lực lượng cho khu vực Đồng Bò, đồng chí Phan Ngọc Bích, Trương Dụng Quyền đến Đồng Bò trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh.

 

Tổ chức Đảng cử đồng chí Nguyễn Tiến Tác về làng công nhân Quảng Tường, Thạnh Phú tổ chức mít tinh đòi chính quyền thực dân phong kiến bãi bỏ việc tăng thuế từ 2 đồng lên 2,5 đồng, đòi chủ nhà máy tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân.

 

Đồng chí Phan Ngọc Bích, Trương Dụng Quyền xây dựng phát triển đồng chí Trần Bình Long vào tổ chức Đảng, trực diện đấu tranh với chủ Nhà máy Hygenol (các đồng chí Huỳnh Công Thái, Nguyễn Tiến Tác bị địch theo dõi rất gắt gao).

 

Ngày 1/5/1943, Chi bộ đảng khu Đồng Bò phân công đồng chí Trần Bình Long huy động quần chúng tổ chức một cuộc mít tinh lớn chào mừng Ngày Quốc tế lao động, buộc tên chủ Nhà máy Hygenol phải hứa với công nhân và nông dân trồng mía Hòa Phong, Hòa Mỹ thực hiện các yêu sách của người lao động.

 

Năm 1944, quân Nhật tràn vào Phú Yên, nhân dân ta một cổ hai tròng, bị Nhật và Pháp áp bức bóc lột đến tận xương tủy.

 

Để trừ mối họa bị quân Pháp đánh vào lưng khi quân Đồng Minh đổ bộ vào Đông Dương, phát xít Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương, Nhật tăng quân đóng ở khu vực Đồng Bò và các xã Hòa Phong, Hòa Mỹ.

 

Đảng Đại Việt phản động do Trương Bội Hoàng cầm đầu ve vãn Nhật, làm tay sai cho Nhật.

 

Ngày 26/6/1945, lợi dụng Nhật đem xe chở công nhân và nông dân truy bắt tên chủ nhà máy Hynegol, đồng chí Hoàng Công Thái, Nguyễn Tiến Tác... vận động nông dân Hòa Mỹ, Hòa Phong đấu tranh chống phát xít Nhật.

 

Tháng 5/1945, tổ chức Đảng ở nhà lao Buôn Ma Thuột phân công 4 đồng chí về Phú Yên hoạt động, do đồng chí Trương Kiểm phụ trách.

 

Ngày 17/7/1945, Tỉnh ủy lâm thời tổ chức Đại hội Việt Minh tỉnh ở thôn Phước Hậu xã Bình Kiến để bàn việc chuẩn bị khởi nghĩa.

 

Được lệnh của Tỉnh bộ Việt Minh, nhân dân tổng Hòa Mỹ đứng lên tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền. Nhà nhà, người người khí thế sôi sục, hồ hởi may cờ đỏ sao vàng, trang bị gậy gộc triệt hạ bộ máy chính quyền tổng và các thôn xã chỉ trong một ngày, bắt gọn bọn chánh tổng, lý hương phải giao nộp đồng triệu, hồ sơ hộ tịch, đinh điền và tài sản công. Đồng thời, tham gia cùng các đoàn biểu tình chiếm Nhà máy Đường Đồng Bò, kéo về phủ lỵ Tuy Hòa chiếm phủ đường, nhà bưu điện.

 

Ngày 31/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Tuy Hòa do đồng chí Trần Suyền làm Chủ tịch được thành lập.

 

Tại tổng Hòa Mỹ, Mặt trận Việt Minh phân công đồng chí Hoàng Công Thái, Nguyễn Tiến Tác về địa phương xây dựng chính quyền và mặt trận, đồng thời chuẩn bị tích cực phát triển Đảng để thành lập chi bộ đảng đầu tiên.

 

Ngày 2/9/1945, hàng ngàn bà con tổng Hòa Mỹ phấn khởi cầm cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu tập trung về phủ tại sân Hội Ích Trí dự mít tinh đón mừng bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

 

PHAN THANH BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek