Phấn đấu đến ngày 27-7 năm tới sẽ không còn hộ nghèo trong các gia đình chính sách; 95% người có công có mức sống ít nhất bằng các đối tượng khác...
Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng đã đề cập về công tác đền ơn đáp nghĩa với các gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ.
Về nhiệm vụ của phong trào đền ơn đáp nghĩa thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cho biết Bộ đã đề ra chương trình 5 điểm để tổ chức thực hiện từ nay đến ngày 27-7-2007, trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Số một vẫn là tuyên truyền, giáo dục. Chúng ta trân trọng, tôn vinh đối với các chiến sĩ đồng bào hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến. Bên cạnh đó, chăm lo đời sống, học hành cho cho các cháu con em thân nhân các gia đình người có công để các em không bị thua thiệt, yếu thế trong cơ chế mới, tức là tạo sự bình đẳng trong mỗi người. Ngoài ra cũng cần chú trọng các chương trình cụ thể, như: nhà ở, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm, nhận đỡ đầu… nhằm xoa dịu nỗi đau trong mỗi đối tượng người có công. Tiếp đến là phải giải quyết dứt điểm các tồn động bằng cách tận dụng mọi giải pháp, vận động nhân dân bàn bạc, giải quyết thấu đáo những vướng mắc… Và điểm cuối cùng là phải tôn tạo, gìn giữ các công trình đối với Người có công, các căn cứ cách mạng, đây là “địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống, nhắc nhở… các thế hệ đi sau. Nói về tâm linh, đó là những công trình biết nói, sống động, sống mãi theo thời gian.
Hiện nay, số gia đình chính sách thuộc diện nghèo còn 6-7%, đến dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-2007), Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội sẽ giải quyết dứt điểm số hộ nghèo; phấn đấu 95% đối tượng người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn so với các đối tượng khác; xoá 95% nhà tạm cho đối tượng người có công… Về những cơ sở để thực hiện mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Chúng tôi dựa vào thế “kiềng 3 chân” để làm tốt công tác này. Trước hết, hệ thống chính sách của Nhà nước bằng nhiều nguồn lực để giúp đỡ người có công: bảo đảm y tế, giáo dục, nhà ở… Tạo điều kiện cho các đối tượng người có công vươn lên bằng sự nỗ lực của bản thân. “Chân” thứ 3 đó là phong trào Đền ơn đáp nghĩa của cả nước hướng đến họ cả về vật chất lẫn tinh thần. Tạo thế “kiềng 3 chân” càng mạnh bao nhiêu, công tác Đền ơn đáp nghĩa càng tốt bấy nhiêu. Và chắc chắn sẽ đạt được như chương trình mục tiêu đã đặt ra.
Theo Gia Đình & Xã hội