Thứ Hai, 30/09/2024 02:18 SA
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS và Luật Kinh doanh bất động sản
Chủ Nhật, 21/05/2006 09:26 SA

060521-T7.jpgĐây là hai vấn đề đang được nhiều cử tri cả nước quan tâm và trong thực tế cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém trong tổ chức quản lý và thực hiện. Bên cạnh đó, các dự thảo Luật trên cũng cần được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu hội nhập và hợp tác quốc tế hiện nay của đất nước. Đó là ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong ngày làm việc hôm nay.

Hôm nay (20/5), Quốc hội làm việc tại Hội trường. Buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu đọc Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Buổi chiều, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đọc Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

 

Dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS gồm 6 Chương, 51 Điều, quy định các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; việc chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV và các điều kiện bảo đảm thực hiện biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Dự thảo Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam. Đáng chú ý trong dự thảo Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV, theo đó người nhiễm HIV có quyền sống hoà nhập với cộng đồng và xã hội, được điều trị và chăm sóc sức khoẻ, học văn hoá, học nghề, làm việc; được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS; từ chối khám, chữa bệnh trong giai đoạn cuối khi đang điều trị. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định người nhiễm HIV có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp phòng lây truyền HIV sang người khác; tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

 

060521-pb.jpgBáo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cho biết, về tên gọi của dự thảo Luật có 3 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất thán thành với tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Phòng, chống HIV/AIDS” vì cụm từ này đã quen thuộc trong nhân dân; đồng thời, tên gọi này ngắn gọn, dễ nhớ, bao hàm các hoạt động có liên quan đến việc phòng, chống lây nhiễm HIV. Loại ý kiến thứ hai đề nghị lấy tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)” vì HIV/AIDS là từ viết tắt của tiếng Anh, do đó để bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt thì cần phải nêu đầy đủ tên gọi của dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ ba đề nghị lấy tên dự thảo Luật là “Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS”. Báo cáo cũng đề cập đến các ý kiến đóng góp về các nội dung như: Về bố cục của dự thảo Luật; các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; bảo đảm quyền học tập của trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học nhiễm HIV; tiếp cận thuốc kháng HIV; bổ sung quy định về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người có Bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV; chế độ đối với người bị nhiễm HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế; về chính sách của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV; về mạng lưới điều trị và trách nhiệm trong việc điều trị người nhiễm HIV...

 

Phát biểu đề dẫn trước khi tiến hành thảo luận về dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh cho biết, tổng hợp Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật có 7 vấn đề chung và 10 vấn đề cụ thể. Ngoài những nội dung mà đại biểu quan tâm đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung vào những nội dung, vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Trong đó có vấn đề chung về tên gọi của dự thảo Luật còn có 3 loại ý kiến; vấn đề quy định các biện pháp can thiệp về giảm tác hại trong phòng, chống HIV/AIDS còn có 2 loại ý kiến; vấn đề thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế khi bị nhiễm HIV/AIDS còn có 2 loại ý kiến; vấn đề để bảo đảm quyền học tập, vui chơi, bình đẳng đối với các cháu nhỏ khi mắc phải bệnh HIV, tránh kỳ thị, phân biệt đối xử với các cháu, còn có 2 loại ý kiến. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh cũng nêu rõ, việc các nước trên thế giới không quy định vào các văn bản quy phạm pháp luật đối với vấn đề phòng, chống HIV/AIDS và không tổ chức các trường, lớp riêng, nhưng đối với nước ta, có một số ý kiến của đại biểu đề nghị cách thực hiện vấn đề này nên như thế nào. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh đề nghị các đại biểu cho ý kiến đóng góp về nội dung trên.

 

Phòng, chống HIV/AIDS: Lấy phòng ngừa là chính

 

Về nguyên tắc phòng, chống HIV/AIDS (Điều 3), đại biểu Nguyễn Nghiễm cho rằng, dự thảo Luật quy định “kết hợp các biện pháp xã hội và biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng, chống HIV/AIDS trên nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi là biện pháp chủ yếu” là chưa thể hiện nguyên tắc lấy phòng, ngừa là chính. Đại biểu đề nghị đưa cụm từ lấy phòng, ngừa là chính lên đầu và Điều 3 được sửa lại là "nguyên tắc phòng, chống HIV/AIDS lấy phòng ngừa là chính, kết hợp các biện pháp xã hội và biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó thông tin, giáo dục, tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi là biện pháp chủ yếu".

 

060521-DNPhuong.jpgĐại biểu Đỗ Nguyên Phương (đoàn Bình Phước) cho biết, HIV/AIDS đang lan tràn ở nước ta, 64 tỉnh, thành phố đều có HIV/AIDS; số người mắc HIV/AIDS trong cả nước là khoảng 110.000 người; 93% số quận, huyện và 50% số xã, phường đã có HIV/AIDS; phụ nữ mang thai mắc HIV/AIDS là 0,4%... Điều đó cho thấy HIV/AIDS là vấn đề nghiêm trọng cần phải phòng, chống, được toàn xã hội quan tâm. Đại biểu Đỗ Nguyên Phương nêu băn khoăn về việc, HIV/AIDS liên quan đến tệ nạn ma tuý, mãi dâm, nhưng không nên đồng nhất HIV/AIDS với các tệ nạn này. Đây là một bệnh và là bệnh mãn tính, không phải là tệ nạn xã hội. Quan điểm này cũng được phần nào thể hiện trong dự thảo Luật.

 

Về vấn đề đối xử với những người nhiễm HIV, theo đại biểu, chống phân biệt, kỳ thị, đối xử bình đẳng với bệnh nhân HIV là việc làm cần thiết, cần tạo điều kiện về lao động, cuộc sống bình thường cho những người nhiễm, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Một số điều trong dự thảo Luật đã thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước, xã hội đối với vấn đề này.

 

Về vấn đề quy định các biện pháp can thiệp về giảm tác hại trong phòng, chống HIV/AIDS, đại biểu Đỗ Nguyên Phương cho rằng có 3 vấn đề lớn là trao đổi bơm kim tiêm một cách tự do hơn; phải sử dụng bao cao su; phát bao cao su miến phí ở một số nơi, cho một số đối tượng; dùng thuốc thay thế. Tuy còn có những ý kiến khác nhau, nhưng theo đại biểu Đỗ Nguyên Phương, những biện pháp này quy định trong dự thảo Luật là cần thiết để giảm tác hại trong phòng, chống HIV/AIDS.

 

Góp ý vào tên gọi của dự thảo Luật, các đại biểu Nguyễn Nghiễm (đoàn Bình Phước), Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh), Nguyễn Thị Loan (đoàn Vĩnh Phúc), Trần Thị Mai Phương (đoàn Long An), Trần Văn Nam (đoàn Bình Dương), Y Ly Trang (đoàn Kon Tum) đều tán thành với tên gọi của dự thảo Luật là “Luật phòng, chống HIV/AIDS”. Theo các đại biểu, lấy tên gọi của dự thảo Luật như vậy vì vừa ngắn gọn mà đã bao hàm các hoạt động liên quan đến phòng, chống lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, cụm từ này đã đi vào tiềm thức của nhân dân, giúp dễ nhớ, dễ hiểu. Nếu lấy tên dự thảo Luật là “Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người HIV/AIDS” thì vừa dài, vừa chưa bao quát hết những nội dung mà Luật cần đề cập, như vấn đề hỗ trợ, điều trị nhiễm HIV.  

 

060521-TTTHang.jpgCòn đại biểu Trương Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) lại tán thành với phương án lấy tên Luật là “Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)” vì sát nghĩa với cụm từ tiếng Anh HIV/AIDS. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam đã hội nhập với thế giới, mở ra nhiều cơ hội về hợp tác quốc tế trên lĩnh vực phòng, chống đại dịch này trên phạm vi khu vực và thế giới.

 

Về các các biện pháp can thiệp về giảm tác hại trong phòng, chống HIV/AIDS, đại biểu Trương Thị Thu Hằng đồng tình với các quy định trong dự thảo Luật, cần được triển khai song hành với các biện pháp chủ yếu như thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi của những người nhiễm HIV. Việc này cũng tạo cơ sở pháp lý cho công tác triển khai và tổ chức đồng bộ việc áp dụng các biện pháp giảm tác hại trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Về vấn đề hỗ trợ của Nhà nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, đại biểu cũng đề nghị, theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Nhà nước phải tổ chức hỗ trợ sản xuất thuốc điều trị kháng HIV trong nước với giá phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam và những quy định quốc tế về thương mại có liên quan đến sở hữu trí tuệ. Việc này sẽ khuyến khích việc sản xuất thuốc điều trị kháng HIV giá rẻ để sử dụng trong nước.

 

Về điều trị, chăm sóc, hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS, theo đại biểu Trương Thị Thu Hằng, cần xác định nhiễm HIV/AIDS là một bệnh thuộc nhóm bệnh mãn tính, ngày càng tiến triển nặng và cần điều trị suốt đời, thời gian sống sót sau điều trị có thể kéo dài hơn 10 năm. Trong khi đó, trong y tế có một số bệnh cũng thuộc dạng mãn tính và nếu tham gia bảo hiểm y tế thì đều được chi trả theo quy định. Chính vì vậy, đại biểu nhất trí cao về quy định tại điều 38 trong dự thảo Luật là: những người nhiễm HIV/AIDS, nếu không tham gia bảo hiểm y tế, thì cần được Nhà nước tạo điều kiện tiếp cận với thuốc kháng HIV theo thứ tự ưu tiên. Việc này cũng thể hiện không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, được bình đẳng như những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính khác.

 

Cần có chế độ, chính sách hỗ trợ kịp thời đối với người bị phơi nhiễm HIV/AIDS

 

Bên cạnh đó, đại biểu Trương Thị Thu Hằng cũng đề nghị cần có những chế độ, chính sách hỗ trợ kịp thời đối với những người bị phơi nhiễm HIV/AIDS, là những người đang công tác tại các trung tâm điều trị, nuôi dưỡng những người nhiễm HIV/AIDS, có nguy cơ bị phơi nhiễm và gặp rủi ro cao trong nghề nghiệp. Việc này cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, của toàn xã hội đối với những người đang làm công tác đầy rủi ro này.

 

Về vấn đề tiếp cận thuốc kháng HIV (Điều 38), đại biểu Huỳnh Thành Lập (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, có ý kiến cho rằng trên thực tế những người nhiễm HIV sau một thời gian nghiện do sử dụng thuốc hầu hết đều gặp khó về kinh tế, bị gia đình xa lánh, nên khi vào cơ sở điều trị họ không có khả năng thanh toán viện phí. Theo đại biểu, nếu quy định việc tiếp cận thuộc kháng HIV theo thứ tự ưu tiên là không hợp lý và tạo sự phân biệt đối xử trong điều trị người bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, hiện nay khả năng ngân sách Nhà nước chưa đảm bảo để có thể điều trị miễn phí hết cho tất cả các đối tượng này. Mặt khác, nếu miễn phí cho tất cả các đối tượng trong điều kiện cung không đủ cầu sẽ dễ phát sinh tiêu cực. Vì vậy, đại biểu thống nhất với dự thảo Luật theo hướng quy định một số đối tượng đương nhiên được điều trị bằng thuốc kháng HIV như ở Khoản 2, Điều 38. Và những đối tượng khác được điều trị miễn phí theo đối tượng ưu tiên như quy định ở Khoản 3, Điều 38.

 

Về đảm bảo quyền học tập của trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học nhiễm HIV (Điều 14), đại biểu Huỳnh Thành Lập cho biết, có một vài ý kiến đề nghị nên cho trẻ nhiễm HIV học tập tập trung và có chế độ phù hợp với sức khoẻ trẻ em, tránh xảy ra nguy cơ lây nhiễm cho các em khác, địa phương nào không có kinh phí để xây trường riêng thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Đại biểu không tán thành với quan điểm trên và cho rằng trẻ em bị nhiễm HIV rất cần được đến trường học tập, được hoà nhập vào cộng đồng. Việc tổ chức các trường, lớp riêng có thể làm tăng thêm tính kỳ thị cho các em, vi phạm nguyên tắc cấm phân biệt đối xử, việc tổ chức trường lớp phụ thuộc vào kinh phí, giáo viên và số lượng học sinh cần có. Do đó, có nguy cơ tước mất quyền học tập của trẻ em nếu như địa phương không xây dựng được trường gần nơi cư trú của trẻ. Mặt khác, xét về cơ chế lây nhiễm, nếu trẻ chỉ chơi đùa với nhau hầu như không thể lây nhiễm HIV, nếu chỉ vì e ngại một khả năng khó có thể xảy ra mà đặt vấn đề xây dựng trường lớp riêng, có tác động tới ngân sách và tâm lý xã hội là không thoả đáng. Đại biểu tán thành với dự thảo Luật là không xây dựng trường lớp riêng cho trẻ nhiễm HIV. Trong dự thảo quy định ở Điều 14 “Nhà trường có trách nhiệm thực hiện biện pháp phòng, chống HIV trong đó có trách nhiệm phòng ngừa lây nhiễm giữa các học sinh”, quy định như vậy là thoả đáng.

 

Về bổ sung quy định thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV/AIDS, đại biểu Nguyễn Nghiễm (đoàn Bình Phước) nhất trí với việc quy định về bảo hiểm y tế đối với những người bị nhiễm HIV, như vậy sẽ đỡ gánh nặng điều trị cho người bị nhiễm HIV, nếu như người này có đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, việc chi phí điều trị của căn bệnh này thường rất lớn là vấn đề rất đáng quan tâm. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người có đóng bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV, đại biểu đề nghị nên để cho Bộ Y tế quy định danh mục thuốc điều trị HIV, do bảo hiểm y tế chi trả. Như vậy quyền lợi của người đóng bảo hiểm y tế bị nhiễm sẽ được bảo đảm hơn.

 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đóng góp ý kiến đề nghị, trong dự thảo Luật cần điều chỉnh việc khẳng định trách nhiệm trong phòng, chống HIV/AIDS trước hết là gia đình. Theo đại biểu, nếu cha mẹ, các thành viên trong gia đình đề cao trách nhiệm giáo dục phòng ngừa các tệ nạn xã hội nói chung, trong đó có phòng, chống HIV/AIDS và ma tuý nói riêng, thì vấn đề này sẽ được khắc phục. Đồng thời bổ sung quy định là gia đình có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.

 

Phát biểu tổng kết phiên thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh cho biết, đã có 17 đại biểu Quốc hội cho ý kiến đóng góp, tập trung vào một số những nội dung cụ thể, đặc biệt đề cập nhiều biện pháp tăng cường, can thiệp giảm tác hại lây truyền HIV/AIDS. Các ý kiến này sẽ được tiếp thu, chuẩn bị cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội trong kỳ họp sau, để Quốc hội xem xét và biểu quyết thông qua.

 

Thảo luận dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản

 

Chiều nay, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đọc Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

 

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản gồm 6 Chương, 82 Điều, quy định về hoạt động kinh doanh bất động sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản và giao dịch bất động sản có liên quan đến kinh doanh bất động sản. Luật này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh và có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.

 

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cũng cho biết, từ ý kiến đóng góp của các đại biểu tại kỳ họp trước, cũng như trong các cuộc họp đại biểu chuyên trách, dự thảo Luật đã được bổ sung một số khoản giải thích các khai niệm và chỉnh sửa một số khoản để giải thích rõ hơn như: Bất động sản là các tài sản bao gồm quyền sử dụng đất, nhà, công trình xây dựng, các tài sản khác gắn liền với đất. Giao dịch bất động sản có liên quan đến kinh doanh bất động sản là việc mua bán, chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản giữa tổ chức, cá nhân không kinh doanh bất động sản với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản… Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã trình hai hương án để Quốc hội xem xét, quyết định về vấn đề các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh. Trong đó đáng chú ý là các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh là các loại nhà, công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; quyền sử dụng đất được tham gia thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật về đất đai…

 

Tại Hội trường, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề này, trong đó có ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần chú trọng đến vấn đề không chỉ phục vụ cho việc kinh doanh bất động sản, mà còn nhằm phục vụ cho việc giao dịch bất động sản trong nhân dân cũng như các cơ quan, đơn vị của Nhà nước, quân đội, công an... Đây là hoạt động rất phong phú và phức tạp cần được quy định rõ nhằm hạn chế việc lợi dụng để tham nhũng, bắt tay nhau chiếm đoạt tài sản Nhà nước và công dân.

 

Thứ hai (22/5), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek