Thứ Hai, 30/09/2024 04:36 SA
Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội
Thứ Sáu, 19/05/2006 14:46 CH

060519-phatbieu.jpgDự thảo Luật cần điều chỉnh để tránh việc bảo hiểm xã hội còn mang tính an sinh xã hội, ngân sách cho công tác này cũng cần có sự chia sẻ của Nhà nước khi cần thiết, không nên quá nặng nề về việc hạch toán theo hướng kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm.

Sáng nay (19/5), Quốc hội làm việc tại Hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, nghe Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

 

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội gồm 11 Chương, 141 Điều, quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, của tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; tổ chức bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội. Dự thảo Luật cũng quy định không áp dụng đối với bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm mang tính kinh doanh.

 

Đối tượng áp dụng của dự thảo Luật là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, là công dân Việt Nam gồm 6 đối tượng: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; cán bộ, công chức, viên chức; công nhân quốc phòng, công an nhân dân; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân...

 

Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam là việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.

 

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội cho biết, trong quá trình thảo luận, có 3 loại ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật: Thứ nhất, giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật quy định gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện hành (chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện (trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tương tự như bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thứ hai, dự thảo Luật chỉ điều chỉnh bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, không điều chỉnh bảo hiểm thất nghiệp. Thứ ba, dự thảo Luật chỉ điều chỉnh bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm các chế độ hiện hành, không điều chỉnh bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

 

Về các ý kiến này, Báo cáo cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành loại ý kiến thứ nhất và cho biết dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng sẽ quy định cụ thể hơn và thể hiện có sự liên thông giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp là những vấn đề mới, sẽ có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện như một số ý kiến còn băn khoăn của đại biểu. Vì vậy, dự án Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc, làm cơ sở để Chính phủ sẽ quy định chi tiết phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, từng bước áp dụng nhu cầu và nhiệm vụ an sinh xã hội trước mắt và lâu dài.

 

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cũng đề cập đến các nội dung khác như: Về tuổi được hưởng lương hưu; về quy định mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực (điều 60); về quản lý quỹ bảo hiểm ốm đau, thai sản; về tổ chức bảo hiểm xã hội; Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội. Báo cáo cũng cho biết, tiếp thu các ý kiến đóng góp về hiệu lực thi hành Luật này, dự thảo Luật đã được sửa đổi theo hướng quy định Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007; đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, thời điểm thực hiện từ ngày 1/1/2008; đối với bảo hiểm thất nghiệp, thời điểm thực hiện từ ngày 1/1/2009.

 

Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội. Đa số ý kiến đóng góp của các đại biểu đều đồng tình về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các nội dung khác của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị, vấn đề bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp chỉ quy định trong Luật về nguyên tắc, còn những quy định cụ thể thì nên để Chính phủ quy định bằng Nghị định, vì hai loại bảo hiểm này là vấn đề mới ở nước ta trong khi điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước phát triển chưa bền vững, nên nếu có phát sinh thì Chính phủ sẽ có thể điều chỉnh kịp thời cho phù hợp. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần điều chỉnh để tránh việc bảo hiểm xã hội còn mang tính an sinh xã hội, ngân sách cho công tác này cũng cần có sự chia sẻ của Nhà nước khi cần thiết, không nên quá nặng nề về việc hạch toán theo hướng kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm.

 

Các điều kiện hưởng lương hưu: Quy định tuổi hưu của nữ giới trước nam giới 5 năm là phù hợp

 

060519-tmh.jpgĐại biểu Néang Kim Cheng (đoàn An Giang) đóng góp ý kiến về các điều kiện hưởng lương hưu, quy định tại các điều 50, 52 và 54. Đại biểu cho rằng, việc quy định tuổi hưu của nữ giới trước nam giới 5 năm là phù hợp về thời gian, hoàn cảnh và sức khoẻ của nữ giới, nhưng có sự bất hợp lý về mặt chính sách. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cộng thêm 1 bậc lương cho lao động nữ tại thời điểm được nghỉ hưu (đối với các đối tượng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định) để không bị thiệt thòi. Đặc biệt, đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học có trình độ, năng lực, sức khoẻ thì trên cơ sở, tổ chức có yêu cầu, đồng thời có sự tự nguyện của nữ cán bộ, công chức đó thì không nhất thiết phải nghỉ hưu ở độ tuổi 60 mà còn có thể cao hơn nữa để đảm bảo tính bình đẳng, tránh lãng phí chất xám đối với lao động nữ.

 

Bên cạnh đó, đại biểu Néang Kim Cheng cũng đề nghị, đối với những người lao động đang làm việc, không may bị đau ốm, từ trần hoặc chết đột xuất thì được hưởng chế độ tuất tương đương với chế độ nghỉ việc một lần, nếu lao động đó đóng bảo hiểm đúng theo quy định. Đối với lao động đã nghỉ hưu, cán bộ công chức từ trân, nên được bảo lưu chế độ lương hàng tháng trong khoảng thời gian nhất định hoặc tuỳ theo thâm niên phục vụ của cán bộ, công chức đó...

 

Đại biểu Sơn Thị Ánh Hồng (đoàn Trà Vinh) đóng góp ý kiến về độ tuổi được hưởng lương hưu đề nghị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, quy định tuổi hưởng lương hưu theo nhóm, ngành, nghề là phù hợp với xu thế quốc tế. Theo đại biểu, thực tế hiện nay cho thấy những nhóm ngành, nghề, người lao động nam cũng có nhu cầu được nghỉ hưu sớm như lao động nữ, nhưng cũng có những nhóm ngành, nghề lao động nữ cũng có nhu cầu được làm việc, cống hiến như lao động nam. Như vậy sẽ góp phần cho việc thực hiện đảm bảo an toàn cho quỹ bảo hiểm xã hội.

 

Quản lý quỹ bảo hiểm ốm đau, thai sản

 

060519-dbqh.jpgDự thảo Luật quy định để lại cho người sử dụng lao động 2% trong tổng số đóng 3% bảo hiểm xã hội để chi bảo hiểm ốm đau, thai sản, đại biểu Sơn Thị Ánh Hồng cho rằng, việc quy định này không đảm bảo quy tắc quy định trong dự thảo Luật là “quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất”, không đúng với quy định của Luật Kế toán vì không tạm ứng, không chi thì không quyết toán, không thực hiện chia sẻ giữa các loại hình, đơn vị sử dụng lao động và không phù hợp với nguyên tắc bảo hiểm xã hội. Vấn đề này, đại biểu Sơn Thị Ánh Hồng đề nghị chọn phương án 2 là “người sử dụng lao động đóng 3% vào quỹ bảo hiểm ốm đau, thai sản. Hàng quý, tổ chức bảo hiểm xã hội tạm ứng cho người sử dụng lao động số tiền tương ứng với số tiền đã chi trả chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động của quý trước để chi tiếp theo”. Như vậy sẽ đảm bảo cho việc quản lý quỹ được thực hiện chặt chẽ theo nguyên tắc thống nhất và thực hiện chia sẻ ở một bình diện rộng lớn hơn giữa các loại hình sử dụng nhiều lao động và ít lao động, nhất là sử dụng nhiều lao động nữ.

 

Đại biểu Nguyễn Kim Cúc (đoàn Long An) quan tâm đến vấn đề quy định mức bình quân tiền lương, tiền công tháng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (điều 60). Đại biểu đồng tình với ý kiến chỉ nên đưa ra 2 mốc là: Trước khi Luật này có hiệu lực thì tính là bình quân 5 năm cuối và sau khi Luật có hiệu lực tính là 10 năm cuối...

 

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek