Với tôi, những kỷ niệm về những ngày sinh hoạt Đội TNTP luôn đẹp đẽ và đầy ắp. Thỉnh thoảng tôi hỏi con trai: - Con có biết bài hát “Cùng nhau ta vui hát vang lừng, Mười lăm tháng Năm đội ta” không? Hay bài “Em là búp măng non, em lớn lên trong vườn cách mạng…”, hay bài “Tiến lên Đoàn viên”… Có bài con tôi biết, có bài không. Thực ra những bài hát này có từ 40 – 45 năm trước, nhưng một dạo không được, hoặc ít được hát trong các nhà trường, chỉ năm bảy năm lại đây mới được phổ biến rộng rãi trong các trường học (ngày kỷ niệm thành lập đội TNTP hầu như chìm mất giữa bộn bề thi cử kết thúc năm học). Những bài hát tuy ra đời lâu rồi, nhưng nội dung giáo dục đội viên thiếu niên thì không bao giờ cũ.
Tiếng kèn của Đội luôn thúc giục các thế hệ trẻ - Ảnh: Minh Ký |
Với tôi, và bạn bè đồng trang lứa lớn lên trên miền Bắc sau 1954 thì những bài hát “Kim Đồng”, “Bài ca Lý Tự Trọng”, “Miền Nam quê hương em”, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng” trong những ngày đầu chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, có bài “Gương sáng Nguyễn Bá Ngọc” như đã thành máu thịt. Những bài hát đã hun đúc trong lòng thế hệ thiếu niên miền Bắc thời đó lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu lãnh tụ, nguyện noi theo tấm gương sáng ngời của các anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng, Kim Đồng, Vừ A Dính, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu… để mươi, mười lăm năm sau lớp thiếu niên đó hăm hở “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nối tiếp truyền thống anh hùng của cha anh.
Nhớ một thời, chúng tôi sinh ra và lớn lên trên miền Bắc hòa bình, rồi trải qua chiến tranh, là nhớ về những năm tháng tuổi thơ được chăm chút trong “vườn cách mạng” miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Hồi đó, các liên đội thiếu niên được thành lập ở trường học, nhưng ở các hợp tác xã nông nghiệp cũng có hình thức sinh hoạt cho thiếu niên. Ở trường chúng tôi được học tập, sinh hoạt trong các chi đội các lớp, với những phong trào thi đua “Gióng trống Bắc Lý” (đơn vị lá cờ đầu của ngành giáo dục toàn miền Bắc), “Tiếp bước anh bộ đội”. Ngày 15-5 hàng năm trở thành ngày hội trường, các chi đội, liên đội tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao rất sôi nổi, vui vẻ. Lịch thi hết năm học thường rơi vào sau ngày 15-5, để các liên đội có điều kiện tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Đội TNTP.
Còn ở các xã, cũng có hình thức sinh hoạt của Đội TNTP, đó là liên đội TNTP các hợp tác xã. Một đội sản xuất có một chi đội thiếu niên, từ đội viên 9 tuổi mới kết nạp, đến các anh chị đội viên lớp lớn 14-15 tuổi cùng sinh hoạt trong một chi đội. Sáng sáng nghe tiếng kẻng của chi đội, thiếu niên tập trung về sân kho hợp tác xã tập thể dục, ngày chủ nhật tổ chức trồng cây, chăm sóc cây. Năm 1965, khi ở Phú Mẫn (tỉnh Hà Bắc) và Duy Viên (Đặc khu Vĩnh Linh) thành lập hợp tác xã Măng non hoạt động có kết quả tốt, phong trào thành lập hợp tác xã Măng non lan ra khắp miền Bắc. Thiếu niên lại có dịp được tham gia một hình thức sinh hoạt mới: làm kinh tế. Hợp tác xã Măng non cũng được phân ruộng để cày, cấy, nuôi bèo hoa dâu, trồng rau muống... Ngoài ra, các đội viên được tổ chức tham gia sản xuất tùy theo khả năng, sức khỏe, như chăn trâu (có chấm điểm bình chọn trâu khỏe hàng năm), nuôi gà, vịt; cắt cỏ, làm phân xanh, làm cỏ lúa v.v…
Rồi tổ chức đội “Ba phòng” (phòng không, phòng cháy, phòng gian). Hàng ngày, các chi đội thiếu niên cử người lên chòi canh, khi có máy bay thì đánh kẻng báo động; khi phát hiện có người lạ mặt vào xóm thì báo cho dân quân. Ở liên đội Nam Sơn của tôi, có chị nguyễn Thị Xuân, đi giặt ở sông Bến Hải khi mới 5 giờ sáng, còn sương mù dày đặc đã phát hiện có người bơi từ bờ nam sang, chị vội chạy báo cho dân quân đến bắt. Hắn là một tên gián điệp do địch thả sang miền Bắc. Chị Xuân đã được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Anh Nguyễn Văn Quảng, 14 tuổi, dũng cảm tiếp đạn cho dân quân bắn máy bay, khi chú dân quân giữ súng máy bị thương, Quảng đã vác súng đến cho chú khác tiếp tục chiến đấu. Quảng cũng đã được Bác Hồ tặng huy hiệu.
Ngày đó, mỗi đội viên thiếu niên tiền phong ngoài việc học văn hóa, thi đua phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, còn luôn được nhà trường, liên đội, gia đình giáo dục rèn luyện về mọi mặt, đặc biệt là lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, truyền thống anh hùng của quê hương, ý chí bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm của cha ông, căm thù giặc Mỹ chia cắt đất nước. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng đội viên TNTP đã ý thức được trách nhiệm đối với vận nước và cả vì tình quốc tế. Năm 1962, khi nước Angiêri giành được độc lập và đang gặp khó khăn, nhà trường tổ chức cho học sinh lao động gây quỹ ủng hộ thiếu nhi Angiêri. Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ lan tới Vĩnh Linh, học sinh lớp 3 lớp 4 cũng đã tham gia lao động đào hào giao thông, hầm trú ẩn ở khu vực trường. Khi đảo Cồn Cỏ bị địch đánh phá ác liệt, phong tỏa bao vây, Liên đội TNTP đã tổ chức cho đội viên viết thư cho các chú bộ đội Cồn Cỏ, tự tay vót tăm, vót đũa, thêu khăn gửi tặng các chú.
Rất nhiều những hoạt động như thế, cùng với những bài giảng của thầy cô, đã gieo vào lòng mỗi đội viên ý thức tự giác, tự lực tự cường; biết yêu thương, căm giận, biết làm việc tốt vì người khác. Những “Đoạn đường em chăm”, “Hàng cây em chăm”, mặc dù không có bảng hiệu, nhưng luôn sạch đẹp, xanh tốt.
65 năm tuổi, Đội TNTP Hồ Chí Minh đã cống hiến cho đất nước hàng triệu đội viên trở thành những anh hùng, dũng sĩ, nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ… Họ mang hình ảnh “Chiếc khăn quàng đỏ thắm trên vai” tiếp bước cha anh tô đẹp cho non sông nước Việt thân yêu. Hình ảnh chiếc huy hiệu măng non vẫn còn lấp lánh mãi trong hồi ức của chúng tôi, và mỗi lần nghe bài hát “Tiến lên đoàn viên”, “Đội ca”… lòng thấy rạo rực tươi trẻ lại.
HỒ HẢI HIỀN