Trong báo cáo Chính trị Đại hội X của Đảng, tôi rất quan tâm đến thực hiện chủ trương cải cách hành chính phải được thực hiện đồng thời với công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ thì mới nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp.
Như chúng ta đã biết, Đại hội X của Đảng có nhiệm vụ tổng kết 20 năm đất nước đổi mới, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, tiếp tục đổi mới cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa mới nhiệm kỳ 2006-2010.
Trước yêu cầu thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng và sự đòi hỏi bức xúc của đời sống nhân dân và yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội, Phú Yên cần phải có chủ trương, biện pháp tiến hành cải cách hành chính rộng khắp và mạnh mẽ hơn, mà trước hết là nhằm vào việc xây dựng bộ máy hành chính các cấp thật sự trong sạch, hiệu lực và hiệu quả.
Nhìn lại những năm gần đây, cả nước thực hiện chương trình tổng thế cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 đã thu được những kết quả quan trọng nhưng cũng chỉ là bước đầu, trong đó có Phú Yên chúng ta đã tạo được sự đồng tình của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Phú Yên. Kết quả rõ nhất là cải cách thủ tục hành chính đã từng bước hoàn chỉnh; cải cách thủ tục quy trình trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng cơ bản; giải quyết các dịch vụ hành chính công; thu – chi ngân sách; mẫu hóa một số thủ tục hành chính; có rút ngắn được một số khâu công việc về tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ cho các tổ chức và người dân…
Mặc dù chúng ta có tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ, nhưng kết quả đem lại vẫn chưa cao; quy trình thời gian để giải quyết công việc cho dân vẫn còn chậm chạp; nhiều mặt và lĩnh vực còn rất hạn chế, đây là nguyên nhân của mọi sự chậm trễ, là mảnh đất màu mỡ dễ phát sinh các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, chưa thật sự là khâu đột phá để thúc đẩy cho kinh tế xã hội của tỉnh phát triển. Những khuyết điểm và hạn chế này phải nói do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân sâu xa trực tiếp cản trở nhiều nhất vẫn là tổ chức, bộ máy, biên chế còn cồng kềnh, tầng nấc, chức năng trách nhiệm của người đứng đầu chưa được xác định một cách rõ ràng, cụ thể. Trong khi đó còn nhiều thủ trưởng cơ quan tiếp tục đề nghị tăng thêm biên chế, các xã thì đề nghị tăng thêm định biên, nhưng ngược lại nhiều cơ quan, nhiều cấp chưa sử dụng hết khả năng bộ máy cán bộ, công chức hiện có của mình. Một số cơ quan, đơn vị thực hiện hợp đồng tuyển dụng lao động vào làm việc cơ quan chưa đúng theo quy định của Nhà nước; người có tài, đức ít được vào làm việc trong bộ máy Nhà nước...
Chúng ta nói đã thực hiện cải cách hành chính “một cửa” nhưng vì sao thủ tục vẫn cứ rờm rà, nay hẹn, mai hò, xa dân và gây khó dễ cho người dân vẫn tiếp tục xảy ra ở các cấp chính quyền, ở các sở, ngành cấp tỉnh. Một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng kẽ hở luật pháp và thủ tục hành chính gây nhũng nhiễu dân, tiêu cực, làm cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư kêu ca; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực còn yếu, chậm khắc phục. Vì sao vậy? Vì không ai muốn nói ai, dễ người để dễ ta, có chỗ chịu là “dân”.
Tình hình nêu trên cũng chỉ mới phản ảnh một phần nào mà thôi. Để sớm khắc phục tình hình này theo tinh thần Văn kiện Đại hội X của Đảng nhằm không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở các cấp chính quyền trong tỉnh, theo tôi, cần phải có nhận thức đúng đắn thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương cải cách hành chính với thực hiện công tác tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ trong từng sở, ban, ngành, các cấp chính quyền trong tỉnh bằng một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, khẳng định cải cách hành chính là để xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, hiệu lực và hiệu quả để cho gần dân, phục vụ cho dân. Trước hết là tạo sự chuyển biến về chất lượng tổ chức, bộ máy, cán bộ, ba mặt này phải được thực hiện đồng bộ ở từng cấp chính quyền và ở từng sở, ban, ngành tỉnh.
Chúng ta phải làm thật mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để và cụ thể, có nghĩa là chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, nhận xét đánh giá đúng sự thật vấn đề kết quả thực hiện cải cách hành chính và công tác tổ chức, bộ máy, cán bộ của chúng ta thời gian vừa qua để có giải pháp hữu hiệu. Phải công khai hóa các thủ tục hành chính cho dân biết, dân làm, dân kiểm tra, cái quan trọng là tạo điều kiện cho dân biết kiểm tra; công khai xử lý những cơ quan, cán bộ, công chức tùy tiện đặt ra những quy định để gây phiền hà cho dân, các tổ chức chính trị – xã hội, nhà doanh nghiệp và nhà đầu tư…
Hai là, cùng với cải cách hành chính, công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy và cán bộ sắp tới sẽ được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chịu trách nhiệm về công tác cán bộ trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Như vậy, từng đồng chí cán bộ lãnh đạo ở sở, ban, ngành tỉnh và chính quyền các cấp trong tỉnh phải được nhận xét đánh giá một cách thật sự dân chủ, công khai, khách quan, lấy tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ được giao và đạo đức phẩm chất của người cán bộ để làm cơ sở xem xét đánh giá cán bộ, trước tiên là đánh giá người đứng đầu cơ quan, đơn vị (nếu xét thấy cần thiết thì xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy để bố trí lại cán bộ mà trước tiên là người đứng đầu cơ quan, đơn vị…). Phải xây dựng một quan điểm chung là “vì công việc của Đảng, của dân” để bố trí giao nhiệm vụ cho cán bộ, tạo điều kiện giúp đỡ cho cán bộ ấy làm việc. Tỉnh ta phải sớm xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức tốt tận tâm phục vụ nhân dân, người cán bộ làm việc phải biết năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy sớm có cơ chế bảo vệ những cán bộ ấy.
Từ nay trở đi các cơ quan, các cấp chính quyền phải tiếp tục công khai đầy đủ, minh bạch các khâu: Tổ chức thi tuyển công chức và ngạch công chức; thực hiện đúng và đủ các chế độ cán bộ công chức, nhất là chính sách ưu đãi đào tạo sau đại học của tỉnh ban hành; không để xảy ra các hiện tượng mất chất xám trong các cơ quan Nhà nước; đề bạt, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ; bố trí và sử dụng cán bộ. Tăng cường công tác thanh tra công cụ và có sự phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra Nhà nước và công tác kiểm tra của cấp ủy cùng cấp; nhận xét, đánh giá cán bộ công chức phải làm đúng quy trình và đảm bảo dân chủ thật sự, kết quả đánh giá nhận xét cán bộ mà nhất là cán bộ lãnh đạo được công khai, kịp thời phát huy những người tốt, hoàn thành nhiệm vụ và đồng thời qua đó thanh lọc những cán bộ, công chức nói nhiều làm ít hoặc không làm, cán bộ do mang nặng bệnh thành tích báo cáo công việc của mình phụ trách không đúng sự thật “cấp trên đeo gương”; loại cán bộ khi thấy có thành tích thì hăng hái nhận lãnh, khi có khuyết điểm thì đổ lỗi cho cấp dưới hoặc đổ lỗi cho người khác; cán bộ tiêu cực, tham nhũng kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước.
Ưu tiên và tạo mọi điều kiện theo khả năng của tỉnh để tiếp nhận, bố trí công tác cho những cán bộ có trình độ sau đại học và hội tụ đủ các tiêu chuẩn cán bộ, các em tốt nghiệp đại học đạt loại khá – giỏi về tỉnh công tác, để tạo nguồn và thay thế dần cán bộ đến tuổi nghỉ hưu.
Ba là, tiếp tục tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ các tổ chức bộ máy hành chính để xác định rõ vai trò, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị…theo nguyên tắc chung là: Bộ máy gọn nhẹ; cơ chế làm việc năng động, sáng tạo; phấn đấu hoàn thành khoán biên chế và quỹ tiền lương ở các cơ quan hành chính sự nghiệp (2006); gần dân và sát dân.
Tiếp tục nghiên cứu để có chủ trương phân cấp quản lý mạnh cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố theo quan điểm chung là để chủ động công việc, nâng cao trách nhiệm mà nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị để quản lý Nhà nước và quản lý xã hội bằng pháp luật. Phát huy đúng mức vai trò tham mưu của các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế – xã hội, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị, tất cả hãy cùng một mục đích là đáp ứng mọi yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của tỉnh.
Tóm lại, chúng ta phải khắc phục, chấm dứt ngay tình trạng chồng chéo, tầng nấc ở các ngành, các cấp; xây dựng cơ chế trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; một khi giao việc cho ai phải cụ thể, cơ quan nào được phân công chủ trì và cơ quan nào có trách nhiệm phối hợp (nếu cần); cần giao thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc công việc… Nếu ai cũng làm được như vậy tin chắc rằng công việc của Đảng, của dân chỉ có được thực hiện tốt hơn và khi có xảy ra vụ việc thì có căn cứ để quy trách nhiệm của cá nhân, tập thể để có biện pháp giúp đỡ xử lý chính xác, kịp thời. Vì vậy, vấn đề thực hiện chỉnh đốn tổ chức, bộ máy và cán bộ hiện nay (khối Nhà nước) với thực hiện cải cách hành chính là sự đòi hỏi hết sức bức thiết của các tổ chức chính trị – xã hội và người dân trong tỉnh nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước các cấp chính quyền trong tỉnh. Xây dựng một đội ngũ cán bộ công chức gần dân, sát dân, trong sạch, vững mạnh, giỏi nghiệp vụ, có tinh thần đấu tranh tham gia phòng, chống tham nhũng triệt để; thực hiện tốt tiết kiệm, chống lãng phí; đủ sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2006 – 2010.
PHẠM NGỌC CHI
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên