Thứ Hai, 07/10/2024 11:28 SA
Quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức vay nợ công
Thứ Ba, 28/10/2008 09:45 SA

Chiều 27/10, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Luật quản lý nợ công.

QH-081028.bmp
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn thành phố Hà Nội) - Ảnh:VOV
Tại buổi thảo luận, các đại biểu đều nhấn mạnh đến việc cần thiết phải ban hành Luật quản lý nợ công. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, khuôn khổ pháp lý về quản lý nợ công còn nhiều hạn chế, cụ thể là: các quy định mới chỉ dừng ở nghị định, thông tư, chưa được pháp điển hóa, nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, nhiều vấn đề phát sinh trong công tác quản lý chưa được điều chỉnh kịp thời. Vì thế cần thiết ban hành luật Quản lý nợ công nhằm tạo khuôn khổ pháp lý ổn định, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo quy định hiện hành thì Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cùng thực hiện chức năng quản lý nợ khu vực công. Các đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ dẫn đến tình trạng phân tán, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nợ. Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (đoàn TP Hà Nội) cho rằng chỉ nên quy định một cơ quan giữ vai trò đại diện cho Nhà nước ký kết các hiệp định vay nợ và là người đại diện cho các khoản vay nước ngoài và giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng này là hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn TP Hà Nội) và một số đại biểu lại nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc vay nợ công. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Đào: “Phải quy định rõ một công ty, tổ chức đứng ra vay nợ thì ai là người lại diện đứng ra vay. Khi xử lý phải quy trách nhiệm cho cá nhân đó chứ không quy trách nhiệm chung chung cho đơn vị”.

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn TP Hà Nội), việc sử dụng nguồn vốn vay ODA vẫn còn lãng phí, kém hiệu quả, gây nhiều bức xúc trong nhân dân; vì thế, luật cần phải quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, không để chung chung chỉ có “phê duyệt” như dự án Luật.

Cũng tại buổi thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về việc vay nợ của chính quyền địa phương. Một số đại biểu đồng ý với việc quy định như trong dự án Luật. Theo đó, UBND cấp tỉnh có quyền xây dựng phương án, chủ động tìm nguồn vốn vay, phối hợp với các cơ quan liên quan đàm phán vay và trình Thủ tướng Chính phủ ký kết thỏa thuận vay theo phương thức vay về cho vay lại.

Tuy vậy, phần lớn các đại biểu cho rằng, không nên để các địa phương chủ động đàm phán, ký kết vay nợ nước ngoài vì năng lực, kỹ năng đàm phán vay nợ của mỗi địa phương là rất khác nhau. Mặt khác, việc vay vốn phải bảo đảm nguyên tắc quản lý thống nhất theo đầu mối, có hệ thống, bảo đảm phù hợp với chính sách tài chính và chiến lược vay nợ đã được phê duyệt.

Cũng trong chiều 27/10, các đại biểu đã góp ý cho nhiều vấn đề như việc sử dụng khoản vay lại từ vốn vay nước ngoài; Quỹ tích lũy trả nợ; thanh tra, kiểm tra, giám sát  và chế độ báo cáo…

Hôm nay (28/10), Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009.

H.N.(tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek