Thứ Sáu, 20/09/2024 17:00 CH
Phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền vì dân
Thứ Ba, 02/09/2008 07:00 SA

Cách mạng Tháng Tám thành công, việc xây dựng một nhà nước mới đại diện cho quyền lực của toàn dân là yêu cầu bức thiết đối với Đảng và nhân dân ta. Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ lâm thời, sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ lâm thời tổ chức tổng tuyển cử tự do bầu quốc hội, soạn thảo Hiến pháp để nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền của nước Việt Nam vừa giành được độc lập.

 

bh-080901.jpg

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Hiến pháp năm 1946 ra đời là thành quả dân chủ to lớn, mở đầu quá trình phát triển của nền chính trị hiến pháp dân chủ Việt Nam. Hiến pháp nêu rõ quyền dân chủ rộng rãi của nhân dân, phác thảo những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng nhà nước pháp quyền vì dân. Nhà nước mới được xây dựng là của toàn thể dân tộc, tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Là chủ thể của nhà nước, nhân dân có thực quyền tham gia kiểm soát hoạt động của bộ máy nhà nước và công chức, viên chức. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước dân.

 

Để xây dựng nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp coi trọng phát huy dân chủ, thực hiện dân chủ để nhân dân lao động có thực quyền kiểm soát chính quyền và hoạt động của bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức. Muốn thực hiện dân chủ thì phải nâng cao dân trí để người dân hiểu, biết quyền lợi và trách nhiệm của mình. Khi dân trí được nâng lên thì nhân dân mới có khả năng, sáng kiến tham gia xây dựng nhà nước, chọn lựa đại biểu, bổ sung chính sách, luật pháp cũng như thực hiện quyền dân chủ đúng đắn, thực hiện quyền giám sát, kiểm soát chính quyền nhà nước và cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền. Hồ Chủ tịch còn chỉ ra những căn bệnh xuất hiện trong chính quyền mới như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo làm mất lòng dân và nhấn mạnh: Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ. Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm đầy tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng... (Hồ Chí Minh Toàn tập, T8, tr.375). Trong quản lý xã hội, phải coi trọng cả pháp trị và đức trị. Đối với những cán bộ, viên chức nhà nước phạm những lầm lỗi rất nặng nề thì phải dùng luật pháp xử phạt. Nhất là những tội tham ô, trộm cắp của công thì “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì” (Hồ Chí Minh Toàn tập, T5, tr.641).

 

Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng thể hiện tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền vì dân, kiểu nhà nước mới do nhân dân lao động làm chủ, phục vụ lợi ích của dân và dân có quyền kiểm soát nhà nước. Vấn đề cốt lõi trong xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, bảo đảm lợi ích và quyền lợi thuộc về nhân dân thì phải giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Trước hết, Đảng cần chăm lo xây dựng bộ máy và đào tạo đội ngũ cán bộ nhà nước có đạo đức cách mạng và phẩm chất, năng lực, phong cách công tác gần dân, hiểu dân, học dân. Đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước phải là người am hiểu chính sách, pháp luật, đồng thời có liên hệ mật thiết với nhân dân, những người có tinh thần trách nhiệm và bao dung. Bởi lẽ cán bộ, công chức nhà nước chiếm một vị trí quan trọng trong việc củng cố, xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh. Cán bộ công chức nhà nước phải thật sự là công bộc của dân, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, làm cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm.

 

Trong hơn 20 năm đổi mới, Đảng ta đặc biệt chăm lo, phát huy dân chủ, củng cố, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước. Có thể thấy rõ rằng, việc đổi mới tổ chức và hoạt động nhà nước từ lập pháp, hành pháp và tư pháp đều thể hiện sự vận dụng sáng tạo, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới, mà nội dung cốt lõi là phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Những khiếm khuyết, yếu kém của nhà nước từ cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành đã và đang được chỉnh sửa, khắc phục. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước đổi mới, nâng cao năng lực công tác và đạo đức để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Nghị quyết Đại hội X của Đảng khẳng định: Việc tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN cần phải đặt lên trước hết là xây dựng cơ chế vận hành, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân. Đây là quan điểm chủ đạo trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước, làm trong sạch bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, kể cả đại biểu của dân. Bởi lẽ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì nhân dân có quyền giám sát và bãi miễn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nếu họ không xứng đáng, không làm tròn nhiệm vụ “công bộc” của dân, bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với chính quyền.

 

Để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN trong thời gian tới Quốc hội, Chính phủ và Hội đồng nhân dân, UBND các cấp tiếp tục đổi mới tổ chức gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh. Theo đó, phải không ngừng hoàn thiện hệ thống luật pháp, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước, thiết thực phục vụ nhân dân. Cùng với quản lý, điều hành bộ máy nhà nước hoạt động hiệu lực và hiệu quả, cần có những biện pháp tăng cường vai trò các cơ quan pháp luật, các cơ quan chức năng thực hành nghiêm Luật Tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phát huy dân chủ cơ sở gắn liền với xử lý kỷ luật, nghiêm trị những cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ, lộng quyền, lạm quyền, đặc quyền, đặc lợi, nhũng nhiễu dân.

 

PHẠM VĂN KHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek