Với âm mưu bội ước Hiệp định
Ông Phạm Ngọc Châu
Việc di dời thực hiện sáng 27/1/1972 đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của anh em chúng tôi. Do đó, nhà cầm quyền Côn Đảo đã ra tay đàn áp bằng cách dùng bom cay, chất lân tinh thả vào từng phòng giam. Trận đàn áp đã làm cho hàng ngàn người bị thương, trong đó có 150 người bị bỏng nặng “không còn da mẹ đẻ”, phải điều trị nhiều tháng liền. Sự kiện này không chỉ gây phẫn nộ trong anh em tù chúng tôi mà còn bị báo chí Sài Gòn thời bấy giờ cực lực phản đối. Trước sức ép của dư luận, nhà cầm quyền Côn Đảo buộc phải nới lỏng hoạt động giám sát sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi.
Không bị xiềng xích, giam biệt lập như mọi khi, thay vào đó, chúng tôi được tự do đi lại, tự trồng rau xanh, nuôi gà để cải thiện bữa ăn, tự lên nhà bếp lấy cơm. Hàng tuần, được họp với trưởng trại để góp ý kiến, nguyện vọng của chính mình. Chính vì thế, chúng tôi có điều kiện “xé rào” trao đổi thông tin cho nhau về tình hình cách mạng. Anh em chúng tôi gọi trại lao số 1 là “khu giải phóng” của nhà tù Côn Đảo.
Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 27 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/1972), anh em mỗi phòng giam ở trại lao số 1 phải diễn tập văn nghệ trong suốt 3 tháng liền. Gần đến ngày kỷ niệm, mỗi phòng làm một sân khấu riêng, họa ảnh Bác Hồ, ảnh đoàn công – nông – binh tiến lên. Nguyên vật liệu gồm: gạch mài ra để làm màu đỏ, vôi để làm màu trắng, lọ xoong cạo ra để làm màu đen, sợi bao bố làm râu và tóc…
Thấy chúng tôi chuẩn bị, nhưng bọn cai tù vẫn không có động thái gì ngăn cản nên mọi việc đều theo đúng kế hoạch. Đến chiều 1/9, mọi việc chuẩn bị cho ngày lễ đều xong, đợi đến tối bắt đầu diễn. Nỗi dung buổi diễn là các tiết mục hát, ngâm thơ, diễn kịch xoay quanh chủ đề ca ngợi tinh thần dũng cảm chiến đấu của chiến sĩ cách mạng, đả kích sự tàn ác, hung bạo của đế quốc Mỹ, bè lũ tay sai. Đêm văn nghệ diễn ra thật suôn sẻ, không chỉ có sự tham gia hưởng ứng của các anh em chiến sĩ cách mạng, mà còn thu hút nhiều tên cai tù đến xem.
Trong buổi văn nghệ này, 33 anh em tử tù chúng tôi diễn một vở kịch có nội dung một tên lính ngụy đi truy lùng bị bắn chết. Để diễn vở kịch này, chúng tôi chuẩn bị một con gà nhét vào túi quần người đóng vai tên lính ngụy để khi ngã xuống chết, con gà giãy lên giống như tên lính ngụy trăn trối. Khi bọn cai tù xem đến vở kịch này liền chạy lên báo cho trưởng trại Nguyễn Văn Long:
- Mấy thằng Việt cộng làm náo loạn, không chỉ diễn vở kịch giết chết thiếu úy, mà còn bắt con gà bỏ vào túi giãy rật rật khinh miệt quá.
Thay vì kéo quân đàn áp như mọi khi, lần này tên Long hét lại đám lính:
- Tụi nó diễn mặc kệ tụi nó, ai bảo tụi bay đi coi?
Thế là bọn cai tù lơ luôn.
Sáng hôm sau (2/9/1972), anh em chúng tôi trong trại lao số 1 tiếp tục làm lễ chào cờ, hát Quốc ca. Ngay sau đó, bọn cai tù đến không mở cửa cho anh em tự do đi lại như mọi khi mà cử bộ phận nhà bếp đưa cơm, nước đến tận nơi. Tất cả không được ai ra khỏi trại. Tiếp theo đó là các lực lượng quân cảnh, an ninh, trật tự trại, cảnh sát dã chiến, chỉ huy trại kéo đến. Song, chúng chỉ để kiểm tra lại tình hình trật tự và mời đại diện từng phòng giam lên làm việc với trưởng trại.
Tên trưởng trại Nguyễn Văn Long nói:
- Các ông làm gì mà quá đáng vậy, người ta chịu sao nổi?
Đại diện anh em tù chính trị đáp:
- Trong bối cảnh này anh em diễn văn nghệ chào mừng ngày lễ Độc lập của dân tộc, vì lý tưởng cộng sản, tự do và dân chủ của mọi người. Chúng tôi không làm gì mất an ninh trật tự, gây phiền phức cho các ôngï cả.
Tên Long hét lớn:
- Đề nghị các ông dỡ bỏ sân khấu ngay!
Cuối cùng chúng tôi thống nhất là đến 4 giờ chiều ngày 2/9 tháo dỡ sân khấu. Nhưng dù sao, tổ chức văn nghệ kỷ niệm ngày Quốc khánh, đồng thời lên án kẻ thù đã giúp anh em tù nhân Côn Đảo tăng thêm tinh thần yêu nước, trung thành với cách mạng.
PHẠM NGỌC CHÂU
Nguyên tử tù chính trị thời Mỹ – ngụy (kể)
QUANG THUẦN (ghi)