Thứ Hai, 23/12/2024 05:31 SA
Người nước ngoài đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời nghe dự thảo Tuyên ngôn Độc lập
Chủ Nhật, 31/08/2008 07:13 SA

Một trong những người đã nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là Archimedes L.A.Patti. Ông có vinh dự là người nước ngoài đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến nghe đọc bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam trước ngày lễ Độc lập tại Hà Nội.

 

anh-bac-080830.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945.

 

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động đối ngoại nhằm tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa, giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Đó là các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc của Người với các nguyên thủ quốc gia, với những người bạn ở các quốc gia, các tổ chức quốc tế khác nhau, những người cùng chung một mục đích đấu tranh chống đế quốc, thực dân để giải phóng con người, giải phóng giai cấp và cả những người ở bên kia chiến tuyến...

 

Một trong những người đã nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là Archimedes L.A.Patti. A.Patti sinh năm 1913 tại New York, học ở Mỹ và Italia. Từ năm 1936 đến năm 1957, ông tham gia quân đội Mỹ, làm việc với cơ quan tình báo Anh từ năm 1942 đến 1944, là trưởng phòng Đông Dương của cơ quan tình báo chiến lược OSS ở Hoa Nam từ tháng 10/1944 đến tháng 10/1945. A.Patti làm việc ở Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 1958 đến năm 1959 và sau đó làm ở Văn phòng tư pháp của tổng thống Mỹ từ năm 1959 đến 1971. Ông là tác giả cuốn sách Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?).

 

Năm 1945, trong lúc đồng bào, chiến sĩ cả nước ta đang đấu tranh giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi thư từ với A.Patti. Từ cuộc gặp ngày 27/4/1945, tại một quán trà trong làng Chiu-Chou Chieh, cách Tĩnh Tây (Trung Quốc) khoảng 10km, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với A.Patti “một con người mảnh khảnh, nhỏ bé và kỳ lạ”. Thông qua A.Patti, Người gửi một số điện thư đến Chính phủ Mỹ. Một trong những cuộc gặp quan trọng mà A.Patti cũng không thể ngờ tới, đó là ông có vinh dự là người nước ngoài đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến nghe đọc bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam trước ngày lễ Độc lập tại Hà Nội, vào một thời điểm lịch sử vô cùng quan trọng của toàn thể nhân dân Việt Nam.

 

Những ngày cuối tháng 8/1945, tại số nhà 48, phố Hàng Ngang (Hà Nội), bên cạnh việc lãnh đạo một đất nước mới giành được độc lập, công việc bộn bề, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành phần lớn thời gian soạn thảo bản thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 29/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho A.Patti một tấm danh thiếp, trên đó viết mấy lời ngắn gọn: “Nếu có thể được, cần đến gặp chúng tôi trước 12 giờ hôm nay. Hồ” (1).

 

Người cho xe đến đón A.Patti. Vào lúc 10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp A.Patti tại số nhà 48, phố Hàng Ngang. Cùng tiếp có đồng chí Trường Chinh. Tại buổi tiếp, Người muốn trao đổi với A.Patti về một số chủ trương, các kế hoạch tương lai của Việt Nam, như hoạt động của Chính phủ lâm thời trong những ngày sắp tới, trong đó có việc tổ chức ngày Lễ Độc lập 2/9, giới thiệu các thành viên của Chính phủ và chương trình hoạt động của Chính phủ cho mọi người dân được biết...

 

Trong cuốn “Tại sao Việt Nam?”, A.Patti đã viết về sự kiện này như sau: “Hồ Chí Minh nói rằng “đã phải làm quá nhiều việc trong một thời gian rất ngắn. Đã có một ủy ban để soạn thảo lời tuyên thệ nhận chức của ông và các bộ trưởng, nhưng bản thảo bản Tuyên ngôn Độc lập còn cần phải được làm xong gấp”. Theo ông, chính đó là một trong những lý do ông muốn gặp tôi. Ông gọi một người ở buồng bên mang bản thảo tới và đưa cho tôi với một dáng thỏa mãn. Rõ ràng trong việc khởi thảo bản này đã có bàn tay già dặn của ông. Bản tài liệu đánh máy bằng tiếng Việt Nam, có nhiều chữ bị xóa và được viết đè lên bằng bút mực, với nhiều ghi chú bên lề. Tôi ngây ra và ông Hồ thấy ngay là tôi không thể đọc được. Ông Hồ cho gọi một người trẻ tuổi vào để dịch và tôi chăm chú nghe. Trong mấy câu đầu, người phiên dịch đã nói lên một số danh từ rất đỗi quen thuộc và giống lạ lùng như bản Tuyên ngôn của chúng ta(2). Câu tiếp sau là “Lời tuyên bố bất hủ này đã được nêu lên trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776”.

 

Tôi chặn người phiên dịch lại và kinh ngạc quay sang hỏi ông Hồ có thực ông có ý định sử dụng câu đó trong bản tuyên ngôn của ông không... Ông Hồ dựa vào ghế, hai tay úp vào nhau, ngón tay sát vào môi một cách nhẹ nhàng và đang như suy tưởng. Với một nụ cười nhã nhặn, ông hỏi lại tôi một cách dịu dàng “Tôi không thể dùng câu ấy được à?”. Tôi cảm thấy ngượng ngập và lúng túng. “Tất nhiên, tôi trả lời, tại sao lại không?” Bình tĩnh lại, tôi nói người phiên dịch đọc lại đoạn đó từ đầu một lần nữa. Anh ta đọc “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng..., họ đã được tạo hóa trao cho những quyền không thể nhượng lại được, trong đó có quyền tự do, quyền sống và được hưởng hạnh phúc”. Cố sức nhớ lại, tôi mới thấy các danh từ đã được chuyển vị và nhận xét là trật tự các chữ “tự do” và “quyền sống” đã bị thay đổi. Ông Hồ nắm ngay lấy và nói “đúng”, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do”(3).

 

Ngày 30/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Sau khi đọc bản thảo cho mọi người nghe và hỏi ý kiến, Người nói: Trong đời “đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy” (4).

 

Bản Tuyên ngôn Độc lập mà A.Patti được nghe ngày 29/8/1945 được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, đã khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” (5).

 

Và trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

 

“Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (6).

 

A.Patti xin không tham dự buổi lễ với tư cách là quan khách trên lễ đài, để chỉ đi xem như một người quan sát trong quần chúng. Ông cùng các thành viên OSS chụp ảnh, ghi chép về các nhóm người, các sự kiện, các khẩu hiệu, biểu ngữ, áp-phích... trên các phố về ngày Lễ Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Những sự kiện trên đây phần nào giúp chúng ta hiểu thêm về mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và A.Patti. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp viên sĩ quan tình báo Mỹ nhận ra được cái điều mà sau này ông đã giữ trọn cuộc đời của mình, đó là tình hữu nghị cần có giữa hai dân tộc. Ông đặc biệt dành trọn vẹn cảm tình và lòng khâm phục của mình với con người mà ông đã từng quen biết và cộng tác là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà hình ảnh từ buổi đầu gặp mặt tới lúc chia tay lần cuối (30/9/1945) vẫn là “một dáng người mảnh mai nhưng bất khuất” (7).

 

LÊ THỊ LIÊN - (ND)

 

1) Archimedes L. A. Patti: Tại sao Việt Nam ? (Why Vietnam?), Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 227.

(2) Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ.

(3) Tại sao Việt Nam ?, Sđd, tr. 230.

(4) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 116.

(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 4, tr. 3.

(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 4.

(7) Tại sao Việt Nam ?, Sđd, Lời giới thiệu.

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek