Nằm giáp ranh giữa huyện Đông Hòa và TP Tuy Hòa, sân bay Tuy Hòa nguyên là sân bay quân sự Đông Tác của chế độ cũ, do quân đội Mỹ xây dựng. Nhiều năm sau giải phóng, sân bay này vẫn là nơi hoang vắng, không có hàng rào bảo vệ, người dân địa phương biến đường băng thành đường đi tắt từ khóm 3 phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) sang xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa), thành sân phơi vào mùa gặt. Vào những đêm trăng, địa điểm này là nơi khá lý tưởng cho những đôi trai gái hò hẹn…
Từ năm 1995, sân bay Tuy Hòa hoạt động trở lại. Hàng không Việt Nam khai thác tuyến bay chở khách từ Tuy Hòa đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại với tần suất 1 chuyến/tuần, sau tăng lên 2, 3, rồi 5 chuyến/tuần. Hiện tại, ngoài lực lượng bảo vệ của sân bay, Trường Sĩ quan Không quân cử một bộ phận đến tham gia giữ gìn an ninh trật tự.
Ôn luyện lý thuyết hiệp đồng bay giữa rừng phi lao- Ảnh: X.H |
ƯƠM NHỮNG MẦM XANH
Tháng 12/2003, đơn vị C10, Trường Sĩ quan Không quân đến đây đóng quân và khai thác sử dụng sân bay. Dần dà, màu xanh những khu vườn tăng gia của người lính Đoàn Không quân C10 ngày càng tươi tốt xen lẫn màu xanh của hàng chục hec ta rừng phi lao - thành lũy vững chãi chắn sóng, chắn cát. Người dân ở dọc con đường vành đai cho biết: Trước kia, nhìn vào sân bay là cả một vùng cát mênh mông và cánh rừng phi lao hun hút, ban đêm không mấy ai dám ra vào. Từ khi bộ đội về đóng quân, các anh đã biến những bãi cát khô cằn thành những vườn rau, trái sum suê. Đóng quân bên rừng phi lao của địa phương, song do được quán triệt đầy đủ nên không đơn vị nào vào chặt phá cây làm việc riêng, giữ tốt mối quan hệ đoàn kết quân dân.
Dọc con đường vào cổng đơn vị là dãy nhà công vụ của các gia đình quân nhân, mà những người lính thường đùa vui là “phố lính”. Để đảm bảo an ninh và an toàn giao thông, đơn vị đã kết hợp cùng các hộ gia đình quân nhân mắc hàng loạt bóng đèn cao áp trước dãy nhà dọc theo con đường dẫn vào cổng đơn vị, ban đêm thắp sáng cả một trục đường. Trong khu vực doanh trại, những cây phi lao đơn vị trồng để tạo cảnh quan và bóng mát đã vươn cao quá đầu người, đủ che mát cho bộ đội trong huấn luyện.
Đất cát cằn cỗi cộng thêm cái nắng đổ lửa, nhưng đến phân đội nào của đơn vị cũng thấy màu xanh của rau, củ, quả, những giàn bầu, bí, những vườn cải non mơn mởn. Bộ đội chủ động đào hố ủ phân, khoan giếng lấy nước tưới cho rau và cây, làm chuồng trại chăn nuôi dê, bò, gà… Nhìn đàn dê gần cả trăm con của tiểu đoàn Hậu cần chạy lăng xăng quanh bãi cỏ, mới thấy những người lính C10 không chỉ giỏi trong huấn luyện bay mà còn giỏi cả chăn nuôi, sản xuất.
THẮM TÌNH QUÂN DÂN
Đơn vị C10 đến đóng quân, chính quyền và nhân dân địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của đơn vị giao lưu kết nghĩa với các cơ quan, đơn vị tại địa phương và tham gia chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ. Đơn vị đã xây căn nhà tình nghĩa trị giá 25 triệu đồng cho mẹ Lê Thị Mẫm (xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa) là vợ của liệt sĩ Võ Đình Thung; nhận phụng dưỡng suốt đời mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Huệ (xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa); giao lưu kết nghĩa với chi đoàn Viettel Phú Yên, Huyện đoàn Đông Hòa và Xã đoàn Hòa Hiệp Bắc... Cũng từ sự giao lưu kết nghĩa ấy mà đã có nhiều cán bộ, nhân viên của đơn vị xây dựng gia đình với các cô gái địa phương và chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình.
Để mối quan hệ quân dân ngày càng gắn kết, hàng tháng đơn vị cử người họp với chính quyền địa phương, cùng bàn bạc kế hoạch bảo vệ an ninh khu vực, đảm bảo đơn vị an toàn, địa bàn an toàn. Những ngày lễ, tết hoặc dịp khai giảng khóa huấn luyện, các tổ chức của chính quyền địa phương và đơn vị bạn đều có mặt chia vui với đơn vị, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm huấn luyện, giao lưu văn hóa.
Tất cả những điều đó đã khiến người dân nơi đây thêm quý mến cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên đơn vị C10. Bởi người lính C10 không những bay cao, bay xa để bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc, mà còn là những người đang ươm mầm xanh cho vành đai sân bay, thắt chặt tình đoàn kết quân dân.
MAI VĂN ĐÔNG