Bài 2: Những người lính biển kiên cường
Sau nhiều chuyến vận chuyển vũ khí vào các bến thành công, Đoàn 759 được lệnh chuẩn bị một con tàu chở vũ khí đột phá vào một bến mới, chiến trường mới.
Tàu 41 được giao nhiệm vụ chở 30 tấn vũ khí chi viện cho miền Đông Nam Bộ vào bến Lộc An - Phước Hải - Bà Rịa. Thuyền trưởng là Lê Văn Một; chính trị viên là Đặng Văn Thanh, máy trưởng là Năm Sao (Huỳnh Văn Sao) cùng 7 thủy thủ được chọn trong số thuyền viên của chiếc ghe gỗ Bà Rịa vượt biển ra Bắc trước đó.
“Tôi còn sống thì không thể mất tàu”
Đặng Văn Thanh quê ở Phú Yên làm ăn lưu lạc vào định cư ở Mũi Né. Sau Hiệp định Genève anh không đi tập kết mà ở lại làm liên lạc giữa Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận bằng ghe thuyền, tham gia hoạt động cách mạng. Sau đó anh được lệnh của Khu ủy 5 đi đường bộ ra Hà Nội. Khi về Đoàn 759, do lam lũ làm ăn chưa biết chữ nên anh được đào tạo cấp tốc. Đặng Văn Thanh đã đi nhiều chuyến vào nhiều bến, từng hoạt động ở Bà Rịa nên rất thông thạo địa hình ở đây.
Còn Năm Sao trưởng thành từ công nhân Nhà máy Ba Son, có tay nghề vững và dày dạn kinh nghiệm được bố trí làm máy trưởng.
Ngày 26/9/1963, chiếc tàu gỗ chở 18 tấn vũ khí xuất phát tại cảng Bính Động - Thủy Nguyên - Hải Phòng. Tàu chạy đến vĩ tuyến 17 thì gặp sóng gió cấp 6-7. Trên tàu trừ Đặng Văn Thanh, Năm Sao và Thắng Rỗ còn lại đều say sóng. Tàu lắc lư, chòng chành như con ngựa bất kham. Để nấu được một nồi cháo lót dạ, anh em phải nấu từ 7 giờ sáng đến 1 giờ chiều mới chín vì lửa không đều và luôn phải bổ sung nước, bởi cứ đổ gạo và nước vào nồi lại bị sóng đánh hắt ra. Cuối cùng anh em phải cho một cái màn vào nấu chung, gạo và nước mới đỡ sánh ra ngoài.
Càng đi vào Nam ngược gió, ngược nước, tàu như đứng một chỗ bởi sức máy không thắng được sức gió, sức nước. Tàu chạy chậm nên 20 giờ mới bắt được đèn biển Vũng Tàu. Tàu chạy về Phước Hải qua cửa Lộc An vào sông Ray. Vì không bắt được tín hiệu của bến đón, nên chỉ huy tàu quyết định cử 2 đồng chí vốn là người địa phương bơi vào bờ bắt liên lạc nhưng không kết quả. Nước thủy triều bắt đầu rút, tàu vòng qua vòng lại thì bị mắc cạn, trước mặt cách không xa là đồn Phước Hải sáng trưng ánh đèn. Chính trị viên Thanh bơi vào bờ gặp người chỉ huy bến và được biết mấy ngày nay địch huy động lực lượng bộ binh, cơ giới sắp càn vào vùng này. Ý kiến của chỉ huy bến là cho đánh bộc phá hủy tàu càng nhanh càng tốt.
Một cuộc họp chi bộ khẩn cấp được tổ chức. Sau khi trao đổi bàn bạc, chi bộ quyết định không hủy tàu. Mặc dù tàu mắc cạn trước mũi địch nhưng chưa bị lộ. Hủy tàu lúc này là đánh động cho địch biết và con đường vào bến Bà Rịa khó có thời cơ thực hiện tiếp theo. (Sau này, năm 1964, thuyền trưởng Lê Quốc Thân và chính trị viên Trần Ngọc Tuấn trên con tàu sắt 56 đã chở 40 tấn vũ khí vào bến Lộc An để quân dân ta làm nên chiến thắng Bình Giã).
3 giờ sáng bến tổ chức bốc hàng. Lê Văn Một dẫn một số anh em lên bờ nếu gặp trường hợp xấu sẽ cùng với địa phương chiến đấu bảo vệ hàng. Đặng Văn Thanh, Năm Sao và một số thủy thủ ở lại sẵn sàng hủy tàu khi cần thiết. Đặng Văn Thanh và Năm Sao bắt đầu lấy kíp nổ tra vào khối bộc phá; lấy 1 thùng xăng, một đống vải màn và một bao diêm để sẵn, sau đó lấy ra một chai rượu, một ít khô mực ngồi lai rai, xem chừng.
Trời sáng rõ đã nhìn thấy một số lính trên đồn đi lại nhốn nháo. 11 giờ có tiếng động cơ, một chiếc máy bay trinh sát từ bờ bay tới chỗ chiếc tàu bị cạn nghiêng cánh đảo một vòng. Đặng Văn Thanh và Năm Sao muốn tắt thở, không phải sợ chết mà chỉ lo nhiệm vụ mở bến chưa hoàn thành. Một lát chiếc máy bay biến mất, hai người đem lưới lên vá. Lúc này có người trong bến ra bảo là tàu bị lộ rồi, các anh cho hủy tàu ngay. Thanh và Năm Sao không đồng ý.
Người trong bến ra tàu vừa vào tới bờ thì 2 máy bay khu trục bay sà xuống thấp nhìn thấy lá cờ 3 que và lưới cá đang phơi trên sào liền bỏ đi. Người của bến lại ra giục hủy tàu. Đặng Văn Thanh bảo: “Tôi còn sống thì không thể mất tàu”.
12 giờ trưa. Con nước bắt đầu lên đã nghe nước lóc bóc dưới đáy tàu. 14 giờ tàu nổi dần. Năm Sao nổ máy và Đặng Văn Thanh điều khiển tàu ra khỏi cạn rồi chạy lòng vòng ngoài cửa sông chờ tối. 17 giờ tàu đánh cá của dân bắt đầu về bến, tàu ta lẫn vào về theo. Đêm đó, bến bốc hết số hàng còn lại trên tàu, và tàu 41 lại ra khơi kết thúc chuyến mở bến mới thắng lợi.
Tàu 69 và những thủy thủ dũng cảm
Tàu 69 do Nguyễn Hữu Phước làm thuyền trưởng, Tăng Văn Huyển làm chính trị viên. Trên đường vận chuyển vũ khí vào Nam nhiều lần bị máy bay trinh sát Mỹ phát hiện bám theo nhưng tàu khôn khéo đánh lạc hướng.
Chuyến đi trong tháng 12/1966, sau 7 ngày lượn vòng như chơi ú tim ngoài biển tránh né tàu địch, tàu 69 vào bến Vàm Hố trong sự ngỡ ngàng của những người ở bến sau bao ngày chờ đón, bởi tàu buộc phải vào nơi không phải bến đón. Du kích tưởng tàu địch nên nổ súng. Sau khi nghe thuyền trưởng hô to “Tàu của ta các đồng chí đừng bắn” thì họ mới dừng lại nếu không thì... Khi biết tàu của ta, bà con gần đấy nhất là các má, các chị cứ đòi lên xem tàu của ta - tàu của Bác Hồ.
Để bảo đảm bí mật, đêm hôm đó tàu 69 được bến dẫn đường đưa về Vàm Lũng. 72 tấn vũ khí trên tàu nhanh chóng được vận chuyển về kho ở hậu cứ.
Sau một thời gian chờ đợi thời cơ, đêm 1/1/1967 lợi dụng Tết Dương lịch bọn địch nghỉ tết, chỉ huy bến quyết định cho tàu rời Vàm Lũng lên đường trở ra Bắc.
40 phút sau, các đài quan sát trên ngọn đước nhìn thấy ngoài biển sáng lên bởi những làn đạn đan chéo nhau ngày một dày lên. Biết tàu 69 gặp địch đánh nhau, chỉ huy bến cho anh em chuẩn bị chiến đấu đón tàu vào bờ.
Tàu 69 ra khơi gặp hai tàu địch đón sẵn. Chúng nổ súng trước, tất cả đều nhằm vào tàu ta bắn sang như đuốc lao. Tàu ta bắn trả quyết liệt, vừa bắn vừa tăng tốc quay vào bờ. Thủy thủ Đoàn Văn Dĩ hy sinh ngay trên ụ súng. Thủy thủ Phan Hải Hồ bị đạn địch làm gãy chân trái nhưng còn dính một ít da. Anh vừa lê chân di chuyển vừa nổ súng. Thấy vướng chân gãy, Hải Hồ nhờ thuyền phó Hấn dùng dao lê AK chặt đứt lớp da còn dính vào chân, tiếp tục chiến đấu cho đến khi vào gần bờ được hỏa lực ở bến phối hợp đánh trả, tàu địch mới dừng truy đuổi. Tàu 69 vào bến bị hư hỏng nặng, có nơi mạn tàu trúng hàng trăm vết đạn dày như cái rổ, không thể sửa chữa được, đành nằm lại rừng đước Cà Mau, gần 3 năm sau mới có tàu khác vào đón về miền Bắc.
Thời gian ở lại rừng đước, anh em tàu 69 tham gia vào đội săn tàu giặc bảo vệ bến. Dân ta có câu thành ngữ: “Một miệng thì kín chín miệng thì hở”. Một dãy dài bến bãi Cà Mau chứa biết bao kho tàng vũ khí chờ vận chuyển về các chiến trường, có lúc cũng bị lộ bởi những kẻ hèn nhát bị địch mua chuộc chỉ điểm. Một trận đụng độ hy hữu xảy ra trong rừng đước giữa đội săn tàu địch của bến và trung đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ. Bên ta chỉ có một trung đội phải chiến đấu với nhiều tàu chiến và máy bay địch đổ quân bao vây quyết tiêu diệt ta. Cuộc chiến đấu không cân sức, chỉ huy trung đội trúng đạn bị thương nặng chìm vào hôn mê. Thủy thủ Hoàng Thanh Loan (quê ở Cát Bà, Hải Phòng) bị địch bắt. Địch dụ dỗ chiêu hồi nhưng anh vẫn hiên ngang khí phách trước những đòn tra tấn dã man của chúng. Lợi dụng lúc địch sơ hở, Hoàng Thanh Loan nhanh chóng cướp được lưỡi lê trong đống súng AK địch thu được của ta tự rạch vào bụng mình, tỏ rõ khí tiết chiến sĩ tàu Không số.
Bài 3: Tàu 41 vào bến Vũng Rô
HỒ ĐẮC THẠNH
Anh hùng LLVT nhân dân,
nguyên Thuyền trưởng Tàu 41 Đoàn tàu Không số