LTS: Để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ, ngày 23/10/1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759 (gọi tắt là Đoàn 759 - tiền thân của Đoàn 125 Hải quân ngày nay), đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến vận tải chiến lược trên biển. Từ đây, đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, con đường của khát vọng độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, chính thức đi vào hoạt động.
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021), Báo Phú Yên giới thiệu loạt bài “Hành trình tàu Không số” của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng Tàu 41 Đoàn tàu Không số.
Bài 1: Những con tàu Không số đầu tiên
Tàu Không số không phải vì tàu không có số mà là những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển, để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt. Tháng 10/1963, Đoàn 759 chuyển về trực thuộc Quân chủng Hải quân và tháng 1/1964 đổi tên là Đoàn 125 Hải quân, hay còn gọi là Đoàn tàu Không số.
“Cặp bài trùng”
Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường vận tải bí mật, bất ngờ, có ưu thế về thời gian, hiệu quả và khả năng vận chuyển sâu vào các chiến trường miền Nam - sự sáng tạo độc đáo, đặc sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Đảng và Bác Hồ. Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng, kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc của ông cha ta trong thời đại Hồ Chí Minh. |
Ngày 11/10/1962, nhân dịp Liên Xô phóng con tàu vũ trụ Phương Đông vào quỹ đạo thành công, chiếc tàu Không số đầu tiên mang số hiệu 41 được đặt tên là Phương Đông 1, do Lê Văn Một làm thuyền trưởng và Bong Văn Dĩa làm chính trị viên - bí thư chi bộ, cùng 11 thủy thủ chở 24 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn lên đường vào Nam.
Lê Văn Một sinh năm 1921, thuộc dòng dõi gia tộc thủ khoa yêu nước Nguyễn Hữu Huân đất Tiền Giang. Là người con thứ 11 trong một gia đình giáo học mang quốc tịch Pháp, nên ông mang tên Pháp là Abel Rene. Ông đã từng học các trường ở Mỹ Tho, Sài Gòn và Thăng Long - Hà Nội. Đến tuổi trưởng thành, Abel Rene vào lính thủy và làm hoa tiêu trên tàu Lamotte Piequet - tuần dương hạm lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông cùng một số bạn bè tìm đường theo cách mạng và đổi tên thành Lê Văn Một. Ông cùng 12 người nữa được tổ chức đảng giao nhiệm vụ đi Thái Lan mua vũ khí chuyển về nước, đánh Pháp. Ở Thái Lan, ông ở trọ trong nhà một người Thái tốt bụng và xây dựng gia đình với cô La O Khiêu Cachi vào năm 1950, sinh được 8 người con.
Tập kết ra miền Bắc, Lê Văn Một làm Cảng trưởng Cẩm Phả, được Ban Thống nhất Trung ương điều về Đoàn 759 làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào Nam đầu tiên.
Bong Văn Dĩa (Hai Dĩa) sinh ra và lớn lên ở Rạch Gốc - Cà Mau. Hai Dĩa được giác ngộ và tham gia cách mạng rất sớm vào những năm 1940, là cơ sở của đồng chí Phan Ngọc Hiển, từng tham gia cướp chính quyền ở Hòn Khoai, về sau bị tù ở Côn Đảo. Nơi đây, Hai Dĩa gặp đồng chí Lê Duẩn. Khi ra tù, hoạt động ở Cà Mau, đồng chí Lê Duẩn ở nhà Hai Dĩa và được Hai Dĩa bảo vệ.
Lê Văn Một và Bong Văn Dĩa chẳng lạ gì nhau. Bởi hai người đã từng công tác ở bộ đội Cửu Long từ năm 1947. Chính Hai Dĩa là người giới thiệu Lê Văn Một vào Đảng năm 1948. Nay họ cùng chung chuyến mở đường cũng như họ đã từng kề vai sát cánh trên vịnh Thái Lan thời chống Pháp mua vũ khí đưa về Nam Bộ. Phải nói rằng cấp trên khéo sắp xếp một “cặp bài trùng” Lê Văn Một - Bong Văn Dĩa trong chuyến đi mở đường này.
Một trong những con tàu Không số đầu tiên đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hải quân (TP Hải Phòng). Ảnh: XUÂN HIẾU (chụp lại) |
An toàn và thắng lợi
Trước giờ tàu xuất phát, Phó Thủ tướng Phạm Hùng đến thăm và căn dặn: “Đây là chuyến đi đầu tiên nên rất quan trọng, một việc hệ trọng và lâu dài. Do vậy, nếu gặp địch phải khôn khéo, mưu trí, trường hợp xấu phải hủy hàng, hủy tàu để giữ bí mật. Các đồng chí nên nhớ: “Người đi lo một, người ở lại chờ tin lo mười”. Chúc các đồng chí lên đường thắng lợi”.
Chín ngày đêm lênh đênh trên biển, gặp sóng to gió lớn, tàu chết máy, buồm rách, bị tàu chiến địch theo dõi kiểm soát… Đêm 18/10/1962, tàu Phương Đông 1 chở 24 tấn vũ khí cập bến Cà Mau.
Tại Sở chỉ huy của Bộ Quốc phòng, sáng nào giao ban Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hỏi: “Thế nào rồi? Có tin tức gì không?”. Đến ngày thứ 9, Quân ủy Trung ương đang họp giao ban, trung tướng Đồng Văn Cống bước vào và báo cáo: “Tàu Phương Đông 1 đã vào bến Vàm Lũng - Cà Mau an toàn”. Đại tướng vui mừng đến rơi nước mắt và hết lời khen ngợi. Tin này được báo cáo ngay lên Bác Hồ. Nghe xong Bác khen và chỉ thị: “Tiếp tục cho nhiều con tàu chở vũ khí để bà con miền Nam đánh giặc”.
Thắng lợi của chuyến đi đầu tiên của tàu Phương Đông 1 mở ra con đường hiện thực trên biển nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, làm tiền đề cho những chuyến đi tiếp theo.
Tiếp theo Phương Đông 1 là Phương Đông 2, Phương Đông 3 và 4 lần lượt xuất phát và cập vào các bến Trà Vinh, Bến Tre thắng lợi.
Từ tàu gỗ đến tàu sắt
Như vậy là chỉ trong vòng 2 tháng của năm 1962, Đoàn 759 đã thực hiện thành công 4 chuyến tàu, đưa được 112 tấn vũ khí cung cấp cho chiến trường Nam Bộ.
Tình hình thuận lợi, nhận thấy việc dùng tàu gỗ có nhiều hạn chế nên Quân ủy Trung ương báo cáo lên Trung ương quyết định đóng hàng loạt tàu sắt đồng thời huy động thêm các sĩ quan trẻ của hải quân bổ sung để chỉ huy tàu đi trong các tình huống phức tạp hơn.
Ngày 17/3/1962, chiếc tàu sắt đầu tiên do đồng chí Đinh Đạt làm thuyền trưởng, Nguyễn Văn Tiến làm bí thư chi bộ - chính trị viên, tàu chở 45 tấn vũ khí xuất phát. Đây là chuyến đi đầu tiên của con tàu vỏ sắt và là chuyến mở đường vào bến mới, theo hành trình: Đồ Sơn - nam đảo Hải Nam - đông nam Hoàng Sa - cù lao Thu rồi vào vùng biển tỉnh Bến Tre.
Đinh Đạt là người con của quê hương Thăng Bình - Quảng Nam. Tham gia đánh Pháp từ năm 1947, tập kết ra Bắc, được đào tạo hải quân và đang làm phân đội phó tàu tuần tiễu đầu tiên của Quân chủng Hải quân, được điều về Đoàn 759.
Còn Nguyễn Văn Tiến là bí thư chi bộ với chiếc ghe gỗ của Bến Tre vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí. Sau một thời gian nghỉ ngơi bồi dưỡng học tập được bố trí làm bí thư chi bộ - chính trị viên đi chuyến tàu sắt đầu tiên này.
Là tàu sắt nhưng các loại trang thiết bị phục vụ cho đi biển còn quá thô sơ và thiếu thốn. Tuy nhiên, với tinh thần cách mạng vì miền Nam ruột thịt, cán bộ thủy thủ trên tàu đều quyết tâm vượt qua. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, có lúc máy bị hư hỏng, trời mù, tầm nhìn hạn chế… nên tàu chạy quá về phía Nam, sau nhờ bắt được đèn Hòn Khoai mới xác định được vị trí, tàu đã vào đúng bến Trà Vinh.
Thắng lợi của chuyến đi này đã cung cấp một lượng vũ khí lớn cho chiến trường Khu 9 sau trận chống càn “Sóng tình thương” của địch. Đồng thời khẳng định được tính ưu việt của tàu sắt là chở được nhiều, cơ động nhanh, lách các luồng lạch, ngụy trang khéo có thể che mắt địch. Từ đó tạo niềm tin cho các con tàu vỏ sắt tiếp theo cập bến an toàn, mở ra một giai đoạn mới, dùng tàu sắt thay thế cho tàu gỗ vận chuyển nhanh vũ khí cho chiến trường miền Nam hiệu quả hơn.
BÀI 2: Những người lính biển kiên cường
HỒ ĐẮC THẠNH
Anh hùng LLVT nhân dân,
nguyên Thuyền trưởng Tàu 41 Đoàn tàu Không số