Chủ Nhật, 22/09/2024 16:25 CH
Nhớ những lần gặp Bác
Thứ Hai, 07/07/2008 10:02 SA

Lớp tuổi 20 chúng tôi được tập kết ra Bắc, khi bước lên con tàu của nước bạn Ba Lan, chúng tôi mừng lắm. Rời bến cảng Quy Nhơn, sau mấy ngày lênh đênh giữa biển, tàu dừng lại tại vịnh Hạ Long để trú bão, rồi được chiếc tàu nhỏ há mồm của Pháp đưa vào bến Quý Cao (Ninh Giang, Hải Dương), được bà con địa phương tiếp đón chu đáo.

 

bac-ho-080707.jpg

Bác Hồ thăm công trường xây dựng cầu Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

 

Tuy không ai nói ra, nhưng chúng tôi ngoài việc học tập và công tác, đều rất mong có ngày được gặp Bác. Bản thân tôi may mắn hơn, được ở Hà Nội, nên sớm được toại nguyện.

 

Ở thời điểm miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, quan hệ ngoại giao được mở rộng, nguyên thủ quốc gia lần lượt sang thăm đất nước ta như Chủ tịch đoàn Xô Viết tối cao Liên Xô Vô-rô-si-lốp, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành, Nhà vua Lào, Thái tử Campuchia Xihanúc, Tổng thống Indonesia Xu-các-nô, Tổng thống Praxác, các đồng chí chủ tịch đoàn các nước XHCN Đông Âu đến Hà Nội. Tôi được vinh dự có vài lần cầm cờ đi đón các nguyên thủ đến thăm nước ta.

 

Thời gian đó, đón nguyên thủ quốc gia không như bây giờ. Lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại sân bay Gia Lâm, sau đó Bác Hồ cùng nguyên thủ quốc gia đứng lên xe mui trần, được đoàn vệ binh hộ tống về Phủ Chủ tịch.

 

Bác Hồ kia rồi! Chúng tôi liên tục hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác Hồ mặc bộ quần áo ka ki vàng, vẫy chào nhân dân ra đón. Đến cổng Phủ Chủ tịch, Bác Hồ xuống xe cùng nguyên thủ quốc gia tiếp tục vẫy chào mọi người, tôi thấy bác mang đôi dép cao su. Bác chúng ta rất giản dị.

 

Cuối năm 1958, tôi ra trường, được đi thực tập tại công trường khu công nghiệp Việt Trì, nơi được ví là “con đầu lòng” của nền công nghiệp nước ta bao gồm nhà máy điện, nhà máy đường, nhà máy giấy, nhà máy hóa chất được Trung Quốc viện trợ. Khoảng 8 giờ, Bác đã đến công trường. Trước tiên Bác đến thăm nơi ăn ở và làm việc của chuyên gia Trung Quốc. Bác hài lòng về việc ta chăm sóc chuyên gia. Sau đó Bác đến khu nhà ở và làm việc của cán bộ công nhân viên. Bác xuống nhà bếp kiểm tra, sau đó đến hội trường nói chuyện với cán bộ công nhân viên.

 

Hôm ấy tôi rất may mắn được đứng gần Bác. Bác mặc bộ quần áo nâu, đi đôi dép cao su. Bác căn dặn chúng tôi có điều kiện ở gần chuyên gia phải ra sức học tập, thu nhận kiến thức của chuyên gia để phục vụ Tổ quốc. Sau đó Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn, Bác cháu cùng hát. Tuy cuộc gặp Bác rất ngắn ngủi song chúng tôi học tập Bác nhiều điều: tính cần cù giản dị, sự thương yêu đùm bọc, tinh thần học tập, lao động...

 

Giữa năm 1959, Bộ Kiến trúc cử đoàn nghiên cứu và thực tập vật liệu, trong đó có tôi, tới Viện Nghiên cứu khoa học vật liệu Bắc Kinh - Trung Quốc. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 10 ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nhận lời mời của Mao Chủ tịch, Đoàn đại biểu Đảng ta và Chính phủ do Hồ Chủ tịch dẫn đầu, có các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... sang Bắc Kinh dự lễ. Nhìn lên lễ đài Thiên An Môn, chúng tôi thấy Hồ Chủ tịch đứng bên Mao Chủ tịch vẫy tay chào.

 

Chiều hôm đó, đoàn lưu học sinh Việt Nam một lần nữa lại được đón Bác ở Hội trường Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vẫn bộ quần áo  kaki màu nâu, vẫn đôi dép cao su, Bác bước vào hội trường. Chúng tôi đồng loạt đứng dậy vỗ tay như sấm, hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác vẫy tay, Bác căn dặn chúng tôi phải cố gắng học giỏi, tiếp thu thật tốt kỹ thuật, khoa học và nghệ thuật của Trung Quốc.

 

Ngày 8/9/1969, tôi đi viếng Bác trong cảnh “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Mặc dù trời mưa tầm tã, mặc dù ướt hết quần áo, chúng tôi vẫn xếp hàng hai nghiêm chỉnh vào hội trường Ba Đình viếng Bác. Ai cũng không cầm được nước mắt. Đến gần thi hài Bác trong quan tài pha lê trong suốt, đứa nào cũng muốn bước chậm lại, nhưng không được phép...

 

Đến ngày 9/9/1969, tại quảng trường Ba Đình, tôi nhìn lên khán đài, nơi lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc đã kéo rũ, 2 bên khán đài là 2 câu khẩu hiệu rất lớn “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến” và “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. 21 phát đại bác tiễn đưa Bác theo các cụ Các Mác, Lê-nin. Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất của Đảng, nghẹn ngào đọc điếu văn. Tất cả từ đại biểu đến quần chúng dự mít-tinh đều mang băng đen để tang Bác. Cả quảng trường Ba Đình xúc động, tiếc thương tiễn đưa Bác. Sau đó đoàn máy bay chiến đấu, cứ mỗi tốp 3 chiếc bay qua lễ đài để tiễn đưa Bác.

 

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi càng nhớ sâu sắc những lời Bác dạy bảo, nguyện cố gắng rèn luyện và sửa chữa khuyết điểm để tiếp tục theo chân Bác suốt cả cuộc đời.

 

NGUYỄN TRẤP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek