Chủ Nhật, 22/09/2024 18:32 CH
Đời tôi luôn có Bác Hồ
Thứ Sáu, 04/07/2008 10:01 SA

Những tháng đầu năm 1945 lúc này tôi đã 9 tuổi. Tôi hay tò mò nghe ông ngoại và cha tôi nói chuyện “kín”: Nước Nga đã chiến thắng phát xít Đức, Ý, Nhật; ông Nguyễn Ái Quốc đã về nước lãnh đạo cách mạng, ông là người nhìn xa trông rộng, mắt có 2 con ngươi. Ông rất thương yêu người nghèo khó, giống nòi. Tôi tò mò hỏi ông ngoại về ông Nguyễn Ái Quốc. Cha tôi cấm không được nói đến tên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, vì sợ mật thám nghe nó bắt, nó bắn chết. Tôi thấy cha tôi rèn gươm dài gần một mét, có vỏ bằng gỗ, còn làm một cây mác dựng trong nhà. Trước tháng 8/1945, cha tôi đã vận động xóm làng hạ tre 2 bên đường cái, rào làng chống Nhật, Pháp. Ông là thôn đội trưởng tự vệ. Ông Nguyễn Phán làm chính trị.

 

Bac-Ho-080704.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ thủ đô (25/9/1966)

 

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, lúc này mọi người được biết, ông Nguyễn Ái Quốc là Bác Hồ kính yêu. Phong trào thanh thiếu niên quê tôi lúc đó cũng dâng cao. Tôi được đi học và làm đội trưởng thiếu niên. Những đêm trăng thường tổ chức đánh trận giả có các anh thanh niên lớn chỉ huy. Chú, cậu tôi, và tôi được tập hát tập thể, những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ hoặc bài ca chống thực dân.

 

Bắt nguồn từ tinh thần yêu nước của quê hương xóm làng và gia đình, tôi hăm hở muốn đi bộ đội, chỉ một ý nghĩ là đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho dân tộc, đất nước quê hương, dù phải hy sinh. Vì lẽ đó mà năm 1952, khi mới 15 tuổi, tôi đã xung phong vào quân đội. Một đêm, anh Nguyễn Tổng, Bí thư thanh niên xã tổ chức cuộc mít tinh tại Trường 6 gian ở xã Hòa Bình của tôi, kêu gọi thanh niên nhập ngũ. Sau khi tan cuộc thì các anh đã động viên tôi ở lại vì còn nhỏ quá, để vài năm sau lớn lên mới đi. Cuối 1953, tôi vào du kích thôn tham gia chống càn, đầu năm 1954 được vào quân đội. Tôi được bổ sung vào Trung đoàn 84 Tây Nguyên, tham gia bao vây pháo kích đồn Bà Lá, Cheo Reo… Tôi luôn thấy như có Bác Hồ vẫy gọi xung phong. Tôi đã cố gắng vượt qua ốm đau, bệnh tật, lúc nào cũng mong chiến thắng giặc để có dịp được nhìn thấy Bác Hồ bằng xương bằng thịt chứ không phải là hình ảnh.

 

Hiệp định Giơ-ne-ve ký kết, tôi tập kết ra Bắc tháng 5/1955, đơn vị sư đoàn 324 đóng quân ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Tháng 3/1956, tôi được bổ sung lên đơn vị C1 D6 E280 F335, là đơn vị tình nguyện quân ở Lào rút về đóng quân ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, lúc này tập trung huấn luyện xây dựng quân đội chính quy, hiện đại. Vào dịp cuối năm 1956 sư đoàn được đón đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Chúng tôi hành quân về sân vận động của sư đoàn gần sư bộ, đơn vị pháo và E367 đơn vị tình nguyện quân (TNQ) Hạ Lào của K5. Bộ đội tập hợp hình khối, đơn vị nọ cách đơn vị kia khoảng một mét. Tôi rất may đứng hàng rìa. Đại tướng đi hết khối nọ đến khối kia và bắt tay các chiến sĩ, cán bộ đầu hàng quân và hàng rìa dọc theo khối. Đại tướng nhắc nhở cán bộ chiến sĩ chỉnh huấn, chỉnh quân thật tốt sẽ có vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Chúng tôi rạo rực vui mừng, hăng hái huấn luyện lập thành tích để được đón Bác.

 

Thế rồi mong muốn tha thiết được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ đã thành sự thật. Đó là vào tháng 9/1958, Bác Hồ đi thăm Sơn La,  ghé thăm đơn vị chúng tôi, lúc này đã chuyển sang thành lập nông trường. Và tôi là một trong những chiến sĩ trong đơn vị đón Bác Hồ ngay sân nông trường bộ. Mọi người rất hồi hộp. Không thấy Bác vào từ đầu, chỉ đến khi nghe chỉ huy hô: Bác Hồ đã đến, vỗ tay hoan hô và ai cũng nhón chân lên nhìn đã thấy Bác đứng trên bục. Bác Hồ vẫy tay ra hiệu dừng tung hô để nghe Bác nói chuyện. Trong lời thăm hỏi ân cần dặn dò của Bác tôi còn nhớ Bác nói: Các chú đã xây dựng, huấn luyện tốt rồi, bây giờ phải xây dựng kinh tế. Kinh tế mạnh, quân đội mạnh, miền Bắc mạnh thì hậu thuẫn cho miền Nam, đấu tranh thống nhất đất nước. Vì vậy các chú phải thi đua lao động thật tốt để góp phần cho ngày đó đến gần. Các chú có đồng ý với Bác thế không? Mọi người cùng hô vang: - Đồng ý!

 

Cũng trong thời gian này tôi lại được chuyển về sư đoàn pháo binh 351 đóng quân ở sân bay Kim Đái, Sơn Tây, kéo pháo 105 ly diễn tập với sư đoàn 308. Năm 1960, tôi chuyển ngành về Quảng Ninh. Năm 1963, tôi vinh dự là một trong số CBCNVC đi đón Bác Hồ, tại thị xã Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long). Địa điểm tổ chức đón Bác là mặt bằng chuẩn bị xây dựng sân vận động, dựa vào đồi thông mà thanh niên chúng tôi đã phát quang, làm bậc thang lên núi và  làøm khu tham quan nghỉ mát, sinh hoạt của thanh niên. Tất cả các đơn vị ở các cơ quan, xí nghiệp sắp hàng thành khối mặt nhìn vào núi, sau lưng là tỉnh lộ chạy từ thị xã Hòn Gai đi ra thị xã Cẩm Phả, Cửa Ông. Ở Nhà máy điện cọc 5 có bãi bằng. Trực thăng sẽ đưa Bác Hồ đến đó và xe sẽ đón Bác về đây. Lần này cũng vậy, tôi cố nhìn xem Bác vào từ đầu nhưng cũng không thấy, chỉ khi trong hàng quân vỗ tay hoan hô Bác Hồ, Bác Hồ muôn năm thì thấy Bác đã đứng trên bục nói chuyện. Hôm đó, Bác nói chuyện với công nhân vùng mỏ lâu lắm. Tôi nhớ mãi lời Bác dặn: Trước đây khu mỏ này là của thực dân Pháp, công nhân còn là nô lệ bị bóc lột, đàn áp khổ cực; ngày nay khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng; để xe máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa.

 

Đó là 2 lần tôi được đi đón Bác Hồ, nhìn thấy Bác, nghe Bác nói chuyện. Nhớ lời Bác dạy, tôi luôn luôn cố gắng phấn đấu và trở thành chiến sĩ thi đua của tỉnh Quảng Ninh, được cử đi dự đại hội thi đua năm 1963 tổ chức tại Trường Tổng công đoàn Việt Nam. Trong chương trình đại hội làm việc, ngày thứ 2 sẽ có Bác Hồ đến thăm, nhưng Bác không đến được do công việc đột xuất. Bác Phạm Văn Đồng đã chuyển lời thăm hỏi của Bác Hồ chúc mừng đại hội. Cuối năm 1963 tôi là đại biểu trong đoàn thanh niên của tỉnh Quảng Ninh đi dự Đại hội Thanh niên xung phong toàn quốc. Đại hội tổ chức tại Trường Nguyễn Ái Quốc, do Trung ương Đoàn tổ chức.

 

Mãi về sau này, trong lĩnh vực công tác nào tôi cũng luôn luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy, học tập, lao động và chiến đấu theo tấm gương đạo đức trong sáng của Bác kính yêu.

 

NGUYỄN KIM ẢNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek