Giới chuyên gia, học giả Ý đánh giá tích cực về những đề xuất được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về an ninh biển vào ngày 9/8 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Rome, Giáo sư Giuseppe Cataldi tại Đại học Phương Đông Naples, Chủ tịch Hội quốc tế về Luật Biển đã đánh giá cao các đề xuất của Việt Nam tại Phiên thảo luận, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung Việt Nam kêu gọi tăng cường đối thoại, hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Bày tỏ nhất trí với quan điểm của Việt Nam xem UNCLOS là “Hiến pháp” của biển và đại dương, giáo sư Cataldi cho rằng các nước cần tuân thủ những quy định trong văn bản luật gốc này và tránh những hành động đơn phương có nguy cơ gây leo thang căng thẳng trong các vấn đề tranh chấp biển hiện nay.
Trong khi đó, tiến sĩ Antonio Albanese, chuyên gia địa chính trị thế giới, Giám đốc hãng truyền thông AGC tại Ý cho rằng phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Ấn Độ chủ trì đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Đây là lần đầu tiên, Hội đồng Bảo an thảo luận chuyên sâu về an ninh biển cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với yêu cầu đảm bảo tự do hàng hải, an ninh trên các vùng biển, bao gồm biển Đông.
Đáng chú ý, giá trị của UNCLOS đã được tất cả các nước tham dự phiên thảo luận công nhận và sẽ trở thành nền tảng pháp lý cho vấn đề an ninh biển trên toàn cầu.
Đề cập đến phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong Phiên thảo luận, chuyên gia người Ý đánh giá những đề xuất của Việt Nam vừa thể hiện được tính phổ quát trong bối cảnh chung toàn cầu, vừa góp phần thúc đẩy cách tiếp cận thực chất trong giải quyết những vấn đề cụ thể của khu vực.
Trong đó, Việt Nam đã khẳng định quan điểm ủng hộ việc đảm bảo an ninh biển dựa trên những quy tắc rõ ràng, nhất quán trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và được cụ thể hóa thành các quy tắc ứng xử chung, một mục tiêu quan trọng đang được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ưu tiên thúc đẩy tại khu vực Biển Đông.
Cũng theo ông Antonio, lập trường của Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động đơn phương và sẵn sàng cởi mở tìm kiếm giải pháp đa phương, hòa bình là một lựa chọn phù hợp với lợi ích của mỗi quốc gia và lợi ích chung trên toàn cầu, đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng cho tất cả các nước, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, hàng hải quốc tế.
Là một chuyên gia về địa chính trị châu Á, Giáo sư Antonio Fallico, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế Á - Âu tại vùng Veneto cho rằng những đề xuất của Việt Nam trong phiên thảo luận đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và tinh thần trách nhiệm đối với ổn định, an ninh của khu vực và quốc tế.
Với những sáng kiến cụ thể đó và dưới sự điều hành của Chính phủ khóa mới, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa cho nỗ lực đối thoại, tăng cường lòng tin, thúc đẩy phát huy hiệu quả các giá trị của biển vì lợi ích của mỗi nước và mục tiêu hòa bình, thịnh vượng chung của nhân loại.
Theo TTXVN/Vietnam+