Sang ngày làm việc thứ hai (11/8), Kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
* Đại biểu Đặng Thị Hồng Nga, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh?
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế |
- Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế: Diễn biến dịch COVID-19 lây lan nhanh trong cộng đồng, ban đầu xác định ba nguồn lây chính. Hiện nay, số công dân từ các vùng dịch trở về tỉnh rất đông và bằng nhiều phương tiện khác nhau nên rất khó kiểm soát, xác định nguồn lây.
UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch; các lực lượng tuyến đầu chống dịch ngày đêm thực hiện truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp. Tính đến sáng 11/8, tổng số ca mắc COVID-19 tại Phú Yên là 2.018 ca, trong đó có 1.144 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi (chiếm hơn 50% số ca mắc).
Trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị, các tổ COVID-19 cộng đồng ngày đêm thực hiện các hoạt động giám sát dịch, siết chặt kiểm soát “trong, ngoài”, nhanh chóng phát hiện F0 để cách ly y tế và điều trị; truy vết nhanh chóng F1, giám sát chặt chẽ các trường hợp F2. UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả với nguyên tắc xét nghiệm thần tốc, truy vết thần tốc. Đến nay đã đưa vào sử dụng 3 phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR với công suất 3.000 mẫu đơn/ngày; trung bình xét nghiệm hơn 8.300 mẫu/ngày và test nhanh kháng nguyên 500 trường hợp/ngày.
Toàn tỉnh đã thiết lập 9 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 với tổng số 1.500 giường, được phân luồng điều trị theo mô hình tháp ba tầng. Mặc dù tỉnh đã có các kịch bản phòng chống dịch ở từng cấp độ nhưng chưa đáp ứng kịp thời. Với số lượng bệnh nhân tăng lên hàng ngày, nhu cầu về phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế thiết yếu hiện nay là rất lớn, không đủ kịp phục vụ cho công tác truy vết, giám sát, phát hiện bệnh nhân F0.
Đến nay đã tổ chức tiêm vắc xin bốn đợt, có 45.091 người tiêm, trong đó 6.972 người tiêm đủ hai mũi và 38.119 người tiêm mũi 1. UBND tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục triển khai tiêm đợt 5, 6, 7 và phấn đấu đến cuối năm 2021 đạt 95% số trường hợp từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Về khó khăn, hiện nay Phú Yên đang thiếu nguồn nhân lực bác sĩ chuyên khoa Nhiễm, khoa Hồi sức cấp cứu, chuyên khoa Xét nghiệm vi sinh. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch, tuy nhiên do diễn biến của đợt dịch thứ tư lây lan nhanh nên không đáp ứng kịp với nhu cầu. Cơ chế mua sắm còn bất cập, chưa rõ ràng nên việc thực hiện mua sắm tại các đơn vị, địa phương có khó khăn nhất định. Hiện tại, trang thiết bị y tế cơ bản đáp ứng tạm thời; về hóa chất, vật tư, sinh phẩm được tiếp nhận hỗ trợ, viện trợ chỉ đáp ứng một phần rất ít. Một số địa phương chưa chỉ đạo chặt chẽ trong quá trình kiểm tra, siết chặt kỷ luật nên để xảy ra tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”, dẫn đến việc lây nhiễm dịch bệnh trong các khu vực cách ly y tế tập trung, khu vực phong tỏa.
Đại biểu Đặng Thị Hồng Nga |
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch, tỉnh tập trung triển khai một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; tiếp tục huy động toàn bộ hệ thống chính trị, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch; tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa, thần tốc hơn nữa, nhanh chóng dập tắt ổ dịch, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo ổn định tình hình để tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, xét nghiệm SARS-CoV-2 được xem là giải pháp có yếu tố quyết định thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay. Vì vậy, khẩn trương xây dựng chiến lược xét nghiệm theo thứ tự ưu tiên, có trọng tâm trọng điểm, thần tốc trong việc lấy mẫu và trả kết quả, đáp ứng mục tiêu xét nghiệm thần tốc, truy vết thần tốc, bao vây, dập dịch nhanh chóng.
Thứ ba, tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; thống nhất trong lãnh đạo chỉ đạo, các quan điểm xuyên suốt về phòng chống dịch được tiếp tục với chiến lược “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ. Tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, các ngành… tập trung dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại các địa phương đang có dịch, không để lây lan rộng.
Thứ tư, xây dựng các phương án đáp ứng với nhiều cấp độ dịch cao hơn, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” là dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.
Thứ năm, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin những nỗ lực chống dịch trên mọi mặt, nhấn mạnh thông điệp “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc khai báo y tế, truy vết, xét nghiệm…, tuyên truyền vận động người dân tham gia thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
* Đại biểu Ka Sô Chiểu, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ về việc cử học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đi học theo hệ cử tuyển. Hiện nay, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, chưa được bố trí việc làm.
Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn |
- Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn: Thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm, thực hiện tốt chính sách cử tuyển đối với vùng núi, vùng hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Chính sách cử tuyển đã góp phần trong việc bổ sung, thay đổi cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS và sự phát triển, thay đổi diện mạo của các địa phương miền núi, hải đảo.
Tuy nhiên, việc triển khai chính sách cử tuyển vẫn còn tồn tại, hạn chế, đó là việc sắp xếp, bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển (SVCT) sau tốt nghiệp. Trước năm 2020, việc tiếp nhận, tuyển dụng đối với SVCT được quy định chưa đồng bộ. SVCT là người DTTS khi tham gia tuyển dụng công chức, viên chức được cộng điểm, nhưng vẫn đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn và tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh, không có quy định về chế độ, chính sách ưu tiên riêng. Do vậy, tỉ lệ SVCT trúng tuyển tại các kỳ tuyển dụng rất thấp.
Thực hiện Nghị quyết 39 ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nên số biên chế dành cho tuyển dụng mới là không nhiều, do vậy không có nguồn biên chế để tuyển dụng mới, trong đó bao gồm cả SVCT.
Từ năm 2018, Chính phủ quy định không thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên nên một số trường hợp SVCT được quan tâm, ký hợp đồng lao động đều phải chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định. Một số chuyên ngành cử đi đào tạo chưa thực sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương cử người đi đào tạo, không có vị trí việc làm để bố trí, phân công công tác cho sinh viên ra trường.
Đại biểu Ka Sô Chiểu |
Từ năm 2015, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh thắt chặt công tác quản lý đào tạo cử tuyển, theo đó kế hoạch cử tuyển được xây dựng trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị, địa phương gắn với phương án tiếp nhận, bố trí công tác đối với từng SVCT, đảm bảo việc bố trí công tác cho SVCT sau tốt nghiệp. Hiện nay, căn cứ Nghị định 141 ngày 8/12/2020 của Chính phủ về chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên người DTTS, Nghị định 138 ngày 27/11/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức quy định “Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cư trú được tuyển dụng công chức thông qua hình thức xét tuyển”. Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ số lượng sinh viên đã tốt nghiệp theo chế độ cử tuyển trên địa bàn, chủ động xây dựng kế hoạch và xác định nhu cầu tuyển dụng những trường hợp cử tuyển để tổ chức tuyển dụng viên chức hoặc đề nghị xét tuyển công chức theo quy định.
Bên cạnh đó, công tác giải quyết việc làm cho SVCT là một nhiệm vụ tương đối lớn, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức và bản thân của SVCT. Sở Nội vụ sẽ nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét việc xây dựng cơ chế, chính sách riêng trong công tác tuyển dụng, phân công, bố trí đối với người DTTS, người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đặc biệt đối với SVCT để phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh.
ANH NGỌC (thực hiện)