Nằm trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa VIII, các đại biểu HĐND đã thảo luận tại tổ vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đề án, dự thảo của các cơ quan hữu quan trình tại kỳ họp.
Đa số đại biểu thống nhất với các báo cáo, đề án, tờ trình của Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các ngành hữu quan và báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh trình kỳ họp. Các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của UBND tỉnh, các sở, ban ngành, địa phương; sự phối hợp tốt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước trong sáu tháng đầu năm 2021, góp phần thực hiện đảm bảo mục tiêu kép: vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động KT-XH, đảm bảo đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH của tỉnh vẫn còn một số khó khăn; công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh vẫn còn một số mặt hạn chế.
Tập trung phòng chống dịch, bảo đảm tăng trưởng kinh tế
Đa số đại biểu cho rằng, đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến công tác thu chi ngân sách của toàn tỉnh nên đề nghị UBND tỉnh, các ngành, địa phương có phương án tiết kiệm chi tối đa, cắt giảm các mục chi không cần thiết, sử dụng phần tiết kiệm chi ngân sách năm 2020 để tập trung vào công tác phòng, chống dịch; có giải pháp cụ thể để đảm bảo tăng trưởng trong sáu tháng cuối năm.
Đề nghị UBND tỉnh tập trung quan tâm các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2012 đến nay chưa quyết toán, nhất là các công trình đã đưa vào sử dụng chậm quyết toán do còn vướng thủ tục đất đai. Kiến nghị UBND tỉnh sớm có giải pháp xử lý dứt điểm các điểm kinh doanh du lịch tự phát trái phép. Đại biểu các huyện Tuy An, Phú Hòa, Sơn Hòa, TX Sông Cầu đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng các công trình, dự án và khai thác nguồn khoáng sản.
Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm là một số dự án ngoài ngân sách đã có chủ trương đầu tư nhưng tiến độ triển khai còn chậm, tỉ lệ giải ngân các dự án đạt rất thấp, đặc biệt có một số dự án được UBND tỉnh gia hạn, giãn tiến độ thực hiện nhiều lần. Đề nghị UBND tỉnh có chỉ đạo kiên quyết hơn, nhất là việc thực hiện thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định.
Quan tâm hơn đến nông nghiệp, nông thôn, miền núi
Tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa VII, các đại biểu HĐND tỉnh có ý kiến chất vấn Giám đốc Sở NN-PTNT về dự án Công trình cấp nước xã Suối Trai và xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa). Qua theo dõi tình hình thực tế tại công trình cho thấy vẫn đang còn rất ngổn ngang, nhiều hạng mục chưa hoàn thành, các hoạt động của dự án hầu như không tiến triển, chỉ mới thí điểm cho 10 điểm lấy nước lúc nghiệm thu và hiện nay không có nước để sử dụng. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành liên quan triển khai đúng tiến độ của dự án giai đoạn 1, đưa vào sử dụng và triển khai thực hiện giai đoạn 2 đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân hai xã này.
Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí thực hiện đo đạc, cắm mốc giao đất thực địa đối với diện tích đất lâm nghiệp được ban quản lý rừng phòng hộ giao cho địa phương quản lý để có phương án giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng.
Hiện nay, tình hình viêm da nổi cục ở trâu, bò ngày càng phổ biến, mức độ lây lan nhanh. Đề nghị UBND tỉnh, Sở NN-PTNT tiếp tục quan tâm, nghiên cứu hỗ trợ địa phương xử lý hiệu quả trong thời gian đến.
Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ cho Sông Hinh, Tuy An trong công tác chống hạn.
Đề nghị UBND tỉnh giải quyết dứt điểm vấn đề bồi thường cho người dân phường 5, 8, 9, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) bị ảnh hưởng do thi công đường Nguyễn Trãi kéo dài gây ngập úng tại cánh đồng Vĩnh Tròn không sản xuất được; giải quyết bồi thường cho cử tri xã Bình Ngọc trúng dự án Kè chống xói lở bờ tả sông Ba.
Đa số đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư phát triển khu vực bị ảnh hưởng bởi thực hiện dự án thủy điện Sông Ba Hạ. Đối với công trình Hồ chứa nước suối Vực, đến nay, hệ thống kênh chính cũng đã xuống cấp và hư hỏng, đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2030…
Về TN-MT, quy hoạch, xây dựng
Đa số đại biểu có ý kiến, hiện nay có nhiều dự án lớn quan trọng, phần lớn đều vướng giải phóng mặt bằng. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ để tạo điều kiện nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện các dự án; kiểm tra việc khai thác tại mỏ đá Kim Sơn (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa).
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan sớm giao đất có mặt nước tại đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài… cho các hộ nuôi trồng thủy sản lồng, bè; chỉ đạo đầu tư, cải tạo hồ chứa nước Xuân Lâm (Sông Cầu) để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho nhân dân sử dụng.
Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp điều chỉnh các giải phân cách tại các nút giao trên tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn huyện Tuy An cho phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông.
Về công tác tài chính, ngân hàng; văn hóa, xã hội
Hầu hết các đại biểu đề xuất cần tập trung quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, cải thiện nhanh môi trường đầu tư các doanh nghiệp và kiến nghị Chính phủ có những gói hỗ trợ cho các khoản vay tái sản xuất nông nghiệp. Việc đánh giá các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách của UBND tỉnh chưa đầy đủ, mới chỉ đánh giá nguồn thu, trong khi ngành Ngân hàng thống kê có sự sụt giảm rất lớn trong giao dịch tiền mặt, nguồn thu liên quan chi thường xuyên. Nếu tính không đầy đủ dễ xảy ra tình trạng nợ lương. Do đó, cần tính toán các giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch.
Đa số ý kiến các đại biểu lo lắng, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền đối với người thực hiện cách ly tập trung theo quy định; chỉ đạo các ngành Nông nghiệp, Công thương có giải pháp tiêu thụ các sản phẩm của nông dân; chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đặc biệt, sớm ban hành chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng người lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch COVID-19; kiến nghị Chính phủ sớm phân bổ các nguồn vắc xin và quan tâm đến lực lượng lao động, công nhân ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp vận tải và bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh; quan tâm việc quản lý, cách ly đối với những người từ TP Hồ Chí Minh và những tỉnh phía Nam về địa phương; kịp thời hướng dẫn về chi tiền hỗ trợ, các chế độ đối với tình nguyện viên để động viên họ và đội ngũ chống dịch. Cần có biện pháp tổ chức học tập cho học sinh các cấp; tổ chức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong điều kiện dịch bệnh kéo dài.
Đề nghị UBND tỉnh sớm triển khai danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; sớm phê duyệt đề án Tách Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu, huyện Tuy An thành hai trường với hai cấp học riêng biệt.
Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chính sách cử tuyển sinh viên người đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực miền núi.
Về an ninh trật tự, nội chính…
Các đại biểu đề nghị Công an tỉnh thực hiện quyết liệt các biện pháp trong đấu tranh, trấn áp mạnh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Công tác xét xử án dân sự và hành chính, theo báo cáo của Cơ quan Thi hành án dân sự, tỉ lệ tiền thi hành được 4,86% là quá thấp. Vì vậy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan hữu quan cần có giải pháp khắc phục trong thời gian đến; có đánh giá, phân tích và chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện.
PHẠM THÙY (thực hiện)