Thứ Ba, 21/05/2024 23:13 CH
Kinh tế biển - Động lực tăng trưởng giai đoạn mới
Thứ Sáu, 12/02/2021 08:00 SA

Biển Phú Yên thơ mộng và giàu tài nguyên - Ảnh: HOÀI THANH

Trong kỷ nguyên của “Biển và đại dương”, kinh tế biển là động lực, là cơ hội để các địa phương ven biển như Phú Yên vươn lên phát triển đột phá. Để nắm bắt cơ hội thời cuộc này, cần có sự tiếp cận phù hợp, kịp thời cùng sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng bộ và nhân dân.

 

Với chiều dài bờ biển hơn 3.200km, 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cùng hơn 2.500 đảo lớn nhỏ, biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc phát triển kinh tế biển, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, luôn được Ðảng ta quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, ngày càng mở rộng về số lượng và chất lượng. Ðến nay, kinh tế biển và ven biển đóng góp tỉ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội, là nguồn thu ngoại tệ mạnh phục vụ phát triển đất nước. Ðồng thời, việc phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia cũng như nâng cao “thế trận lòng dân” trên các vùng biển, đảo.

 

Là một trong 28 địa phương ven biển có nhiều tiềm năng và lợi thế, Phú Yên xác định kinh tế biển là động lực phát triển chính để xây dựng tỉnh thịnh vượng và yên bình, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo. Những đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước đã sớm được tỉnh Phú Yên cụ thể hóa và triển khai trong thực tiễn, với tầm nhìn “Ðưa Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển…”.

 

KINH TẾ BIỂN - ÐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG GIAI ÐOẠN MỚI

 

Mặc dù vẫn đang có những bước tăng trưởng và phát triển nhưng các nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (Organisation for Economic Cooperation and Development - OECD) cho thấy rằng thế giới đang đối mặt với không ít các vấn đề về phát triển. Ðó là vấn đề về gia tăng dân số thế giới, được dự báo gần 10 tỉ người vào năm 2050. Việc gia tăng dân số sẽ kéo theo nhiều vấn đề về xã hội, mà một trong những vấn đề đó là đảm bảo lương thực cho toàn bộ dân số. Ðó là vấn đề về tăng trưởng thực GDP của toàn thế giới đang giảm dần. 

 

Đưa cá ngừ đại dương lên bờ tại bến cá phường 6, TP. Tuy Hòa - Ảnh: NGỌC CHUNG

 

Việc này cùng với các vấn đề như dịch bệnh COVID-19, khủng hoảng kinh tế… đang kéo tăng trưởng của thế giới lùi lại. Ðó là vấn đề về năng suất lao động trung bình giảm dần mặc dù những tiến bộ KH-CN vẫn đang diễn ra hàng ngày. Ðó là vấn đề về gia tăng nhu cầu năng lượng; Ðó là vấn đề chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, đặc biệt là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ðó là những vấn đề phức tạp ở biển Ðông. Ðó là vấn đề về biến đổi khí hậu…

 

Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng, nằm trong bối cảnh chung của toàn thế giới, cũng đang phải đối mặt với những thách thức trên. Ðồng thời, là một nước đang phát triển nhanh, chúng ta còn phải đối mặt với các nguy cơ của bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ bỏ lỡ cơ hội vàng để phát triển vươn lên, các vấn đề về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…

 

Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế biển nổi lên như là một động lực tăng trưởng mới, bù đắp vào sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế nội địa, đồng thời cũng là giải pháp để các quốc gia gia tăng ảnh hưởng tại các vùng biển, hải đảo, đặc biệt là các khu vực có nguồn lợi hải sản, trữ lượng tài nguyên, dầu mỏ lớn, các khu vực có tranh chấp và các khu vực có các tuyến thương mại quan trọng của thế giới. Ðối với Phú Yên, kinh tế biển chính là cơ hội để tỉnh bứt phá, nắm bắt cơ hội của thời cuộc để vươn lên phát triển mạnh mẽ.

 

KINH TẾ BIỂN TRONG BỐI CẢNH ÐẠI DỊCH COVID-19

 

Từ cuối năm 2019 đến nay, chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19. COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, trên cả phương diện phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chính phủ, sự quyết liệt của tỉnh trong thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đã đạt được nhiều thành công.

 

Ðến nay, chúng ta đang thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng và là một trong ít những nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020. Tuy nhiên, là một nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu, rộng, chúng ta bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19, trong đó có nhiều ngành nghề của kinh tế biển như du lịch, nuôi trồng, đánh bắt, vận tải… bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ngành Du lịch.

 

Mặc dù vậy, bên cạnh những khó khăn chung của cả thế giới do dịch COVID-19 gây ra thì phát triển kinh tế biển ở nước ta trong giai đoạn hiện nay có những thời cơ, thuận lợi.

 

Ðó là, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh ở trong nước, đồng thời đã sản xuất và thử nghiệm vaccin chống COVID-19. Ðây là điều kiện thuận lợi để kinh tế nói chung, kinh tế biển nói riêng tiếp tục phát triển. Ðến nay, ngành Du lịch của chúng ta đang từng bước phục hồi.

 

Ðó là, chúng ta hội nhập quốc tế sâu, rộng. Với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, hiệp định RCEP mới được ký kết, cùng các FTA đang đàm phán, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở so với các quốc gia khác trên thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển. Ở đây, cơ hội phát triển diễn ra ở cả hai chiều. Một chiều là những sản phẩm của nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản của Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở chiều kia, chúng ta sẽ đón nhận dòng vốn đầu tư quốc tế vào các ngành kinh tế biển đầy tiềm năng, tạo ra cơ hội để phát triển các ngành này về cả quy mô lẫn trình độ. Việc thu hút đầu tư này không chỉ diễn ra trong các ngành mà chúng ta đã phát triển mạnh như du lịch, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, dầu khí, cảng biển, vận tải đường biển… mà cả các ngành mới nổi như năng lượng tái tạo, năng lượng mới…

 

Ðó là, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra cơ hội cho chúng ta phát triển các ngành nhanh hơn, bền vững hơn. Với những công nghệ trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo…, ngành Du lịch biển sẽ ngày càng trở nên thú vị hơn, hấp dẫn hơn đối với du khách. Với những công nghệ như Internet vạn vật, blockchain… việc truy xuất, đảm bảo nguồn gốc đối với thủy hải sản, kiểm soát môi trường sẽ đơn giản hơn. Nhờ đó, sản phẩm của chúng ta sẽ đi vào các thị trường yêu cầu cao, giá trị cao như châu Âu, Mỹ…

 

Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế biển còn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta, đó chính là đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo.

 

KINH TẾ BIỂN - CƠ HỘI THỜI CUỘC CHO PHÚ YÊN

 

Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù dịch COVID-19 gây ảnh hưởng, làm chậm tốc độ phát triển nhưng kinh tế biển vẫn là một động lực tăng trưởng mới, là cơ hội để chúng ta bứt phá vươn lên. Ðể có thể nắm bắt được cơ hội này, Phú Yên cần phải phát triển kinh tế biển trên quan điểm gắn với phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, tận dụng được các thành tựu của cuộc cách mạng lần thứ tư và phải tính đến các yếu tố tác động do dịch COVID-19 mang lại, với các tiếp cận chính:

 

Giới thiệu với du khách các món ngon từ cá ngừ - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Một là, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế biển và vùng ven biển. Cần có nhận thức thống nhất tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị về phát triển kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế biển với đảm bảo chủ quyền biển, hải đảo.

 

Hai là, COVID-19 đã và đang thay đổi thói quen, hành vi của người dân và cả cách thức các ngành kinh tế vận hành và phát triển. Theo OECD, kinh tế biển thời hậu đại dịch sẽ có những thay đổi mới, trong đó đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường là xu thế chính. Việc đánh bắt thủy hải sản theo cách tận diệt, một nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm lượng thủy hải sản, đang dần được thay thế bằng việc nuôi trồng ở quy mô công nghiệp. Một số ngành nuôi biển xa bờ được dự báo có sự phát triển nhanh nhờ vào sự tiến bộ của các giải pháp công nghệ cũng như nhu cầu tăng cao về lương thực trong bối cảnh gia tăng dân số, đặc biệt là thực phẩm sạch.

 

Việc sử dụng năng lượng trong hoạt động biển, hoạt động hàng hải cũng hướng đến xanh hơn, giảm phát thải khí CO2. Năng lượng tái tạo như điện gió, điện khí, điện thủy triều, điện mặt trời nổi trên biển… sẽ là lĩnh vực được quan tâm đầu tư trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về năng lượng cũng như giải quyết được các vấn đề về bền vững. Ngành Du lịch cũng sẽ thay đổi hướng đến sự bền vững, thân thiện với môi trường. Chúng ta cần phải nắm bắt được những xu thế phát triển chính này để có được giải pháp phát triển từng ngành cụ thể một cách phù hợp.

 

Ba là, cần có những chính sách để tập trung thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển phát triển mạnh sau đại dịch như năng lượng tái tạo, nuôi biển, nuôi trồng thủy hải sản quy mô công nghiệp, du lịch biển… Trong đó, định hướng phát triển cần theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường cũng như bảo vệ, phát triển cộng đồng dân cư địa phương. Việc đầu tư, thu hút đầu tư cũng cần được lựa chọn, tính toán cẩn thận dựa trên quy hoạch, chiến lược để phát huy thế mạnh của từng địa phương, gắn với khai thác được tiềm năng, lợi thế liên kết vùng trong phát triển, tránh đầu tư tràn lan. Các sản phẩm cần được phát triển thành quy mô công nghiệp. Mỗi địa phương, mỗi vùng cần xác định và chỉ phát triển một vài sản phẩm có thế mạnh để có thể tập trung đầu tư hạ tầng, công nghệ sản xuất, chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Ví dụ, khu vực Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Ðịnh có lợi thế về cá ngừ thì có thể tập trung đầu tư phát triển ngành cá ngừ ở Việt Nam.

 

Niềm vui của người nuôi tôm hùm - Ảnh: LÊ MINH

 

Có 2 ngành kinh tế biển hậu COVID-19 mà chúng ta cần lưu ý, tập trung phát triển. Ðầu tiên là ngành nuôi biển quy mô lớn gần bờ và xa bờ. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (Food and Agriculture Organisation of United Nations - FAO), đến năm 2030, thế giới cần thêm 19 triệu tấn hải sản so với 2015 mới bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tận dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng lần thứ tư để ứng dụng hiệu quả vào ngành này để đảm bảo hiệu quả và bền vững. Ví dụ, ngành nuôi tôm hùm hiện nay là một ngành cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Tuy nhiên, do chưa áp dụng các công nghệ tiên tiến nên vẫn chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai, và còn gây ô nhiễm môi trường. Ðồng thời, do quy trình nuôi trồng chưa đảm bảo nên chưa vào được các thị trường lớn, giá trị cao. Do đó, cần ứng dụng các công nghệ để kiểm soát các dữ liệu đầu vào như dinh dưỡng, chất lượng nguồn nước… để đảm bảo chất lượng cũng như sự ổn định. Ðối với ngành năng lượng tái tạo, với nhu cầu năng lượng tăng cao trong nước, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời nổi…) chính là giải pháp để chúng ta đảm bảo nguồn cung năng lượng cũng như bảo vệ môi trường.

 

Bốn là, trong đầu tư, chú ý sự hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh. Các công trình dự án phục vụ phát triển kinh tế biển phải thực sự được thực hiện trên cơ sở đảm bảo quốc phòng - an ninh. Ðồng thời, trong trường hợp cho phép, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quân sự vào phục vụ phát triển kinh tế biển; ưu tiên đầu tư những công trình lưỡng dụng. Xây dựng những chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, ngư dân bám biển, làm giàu từ biển; để mỗi ngư dân là một cột mốc sống trên biển.

 

Năm là, tận dụng việc hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các quốc gia để thu hút các doanh nghiệp, các nguồn vốn quốc tế vào tham gia đầu tư, phát triển tỉnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực có trình độ KH-CN cao như sản xuất công nghiệp, chế biến thủy hải sản, hàng hải… Hiện nay đang có xu hướng một số doanh nghiệp công nghệ cao dịch chuyển một phần sản xuất ra khỏi khu vực truyền thống để tìm kiếm các địa điểm có nhiều thuận lợi hơn. Ðây chính là cơ hội cho các khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp ven biển tận dụng lợi thế về cảng biển, sân bay để thu hút các doanh nghiệp.

 

Thực tiễn cho thấy, kinh tế biển đã và đang đem lại cho các quốc gia có chiến lược bài bản với tầm nhìn dài hạn lợi ích lớn. Theo báo cáo The EU Blue Economy Report 2020, kinh tế biển đem lại cho Liên minh Châu Âu 218 tỉ euro tăng trưởng giá trị gia tăng (GVA) với lợi nhuận là 94 tỉ euro (số liệu 2018).

 

Còn đối với Mỹ, báo cáo năm 2020 (số liệu 2017) của Tổ chức quản trị đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA), kinh tế biển đem lại cho Mỹ 318 tỉ USD trong GDP.

 

Ðối với Trung Quốc, từ năm 2010, kinh tế biển đã đóng góp cho GDP quốc gia này 240 tỉ USD. Bên cạnh phát triển các ngành kinh tế biển chính để phục vụ phát triển kinh tế đất nước, các quốc gia lớn đều đang có những chiến lược biển để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình (như “Sáng kiến Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc, hay gần đây nhất là “Chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ). 

 

Phú Yên là một địa phương đi sau nhưng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển vươn lên. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, với cơ hội của hội nhập quốc tế, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và với thời cơ của kinh tế biển, Phú Yên có đầy đủ những điều kiện để bứt phá, đóng góp xứng đáng vào sự chuyển mình vươn lên của đất nước.

 

Biến cơ hội thành hiện thực cần sự nỗ lực, sự quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của toàn tỉnh. Kế thừa thành tựu, phát huy lợi thế, nắm bắt cơ hội không chỉ là nhiệm vụ của hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cán bộ, mỗi chiến sĩ và mỗi người dân, để thịnh vượng và bình yên không mãi chỉ là ước mơ.

 

Nhân dịp năm mới xuân Tân Sửu 2021, tôi xin gửi tới toàn thể đồng bào, nhân dân các dân tộc anh em trong tỉnh, các đồng chí, cán bộ, chiến sĩ lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Chúc cho Phú Yên chúng ta sẽ nắm bắt được thời cơ để phát triển bền vững, để giàu có và bình yên. 

 

Phân loại tôm hùm để xuất bán tại TX Sông Cầu - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

 

Quan điểm của Ðảng ta về phát triển kinh tế biển tại Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

 

(1) Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân. Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

 

(2) Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước. 

 

 

Du khách trải nghiệm tại Hòn Yến (huyện Tuy An) - Ảnh: LÊ MINH

 

 

(3) Giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

 

(4) Tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ðẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển. Gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu.

 

(5) Lấy KH-CN tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển; kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước. Chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

  

PHẠM ĐẠI DƯƠNG

Bí thư Tỉnh ủy

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek