Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật thi hành án dân sự (THADS). Dự án luật này gồm 195 điều, chia thành 9 chương, trong đó quy định về cơ quan thi hành án- chấp hành viên, thủ tục thi hành án, biện pháp đảm bảo- cưỡng chế thi hành án, khiếu nại tố cáo- kháng nghị về thi hành án, trách nhiệm- quyền hạn của cơ quan- tổ chức trong hoạt động thi hành án…
Theo báo cáo thẩm tra dự án Luật THADS của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong những năm qua, công tác THADS đã có những chuyển biến tích cực. Pháp lệnh năm 2004 (thay thế Pháp lệnh năm 1993) cơ bản đã tháo gỡ kịp thời một số tồn tại, vướng mắc, góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này. Báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh THADS của Bộ Tư pháp cũng nêu rõ: việc thi hành các văn bản pháp luật về thi hành án đã góp phần quan trọng làm cho công tác THADS đạt được những kết quả nhất định, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, củng cố trật tự, kỷ cương, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sau ba năm thực hiện Pháp lệnh THADS năm 2004, một số quy định trong pháp lệnh này đã không còn phù hợp và để nâng tầm hiệu lực pháp lý đòi hỏi phải nâng Pháp lệnh lên thành Luật. Do vậy, Quốc hội đã quyết định đưa dự án luật THADS vào chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2008 nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất về THADS.
Thảo luận về dự án luật trên, đa số các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết của việc ban hành Luật THADS cũng như các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật đã được nêu trong tờ trình của Chính phủ. Các đại biểu đồng tình với quan điểm để Bộ Tư pháp quản lý tập trung thống nhất về THADS. Trong nhiều trường hợp, UBND cũng là cơ quan thi hành án, nhất là khi Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, tố cáo, quy định công dân có quyền khiếu nại các quyết định giải quyết khiếu nại của tỉnh.
HOÀI THƯƠNG (tổng hợp)