Chiều qua (22/5), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt
5 ĐỐI TƯỢNG NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC MUA NHÀ
Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại trong thời hạn tối đa là 50 năm (đối với cá nhân nước ngoài) và thời hạn tương ứng với thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư cấp cho doanh nghiệp (đối với tổ chức nước ngoài).
Theo Nghị quyết, có 5 đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm: Cá nhân có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó; Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng huân chương, huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng quyết định; Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu; Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư không có chức năng kinh doanh bất động sản, có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó.
Nghị quyết cũng quy định cá nhân nước ngoài (nêu trên) được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam với điều kiện phải đang sinh sống tại Việt Nam, được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 1 năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi về ngoại giao của pháp luật Việt Nam.
TẠM DỰNG THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT MỞ RỘNG HÀ NỘI
Trước đó, đầu phiên họp sáng qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thông báo tạm dừng thông qua nghị quyết về mở rộng Hà Nội. Theo ông Lưu, việc chưa thông qua là để có thời gian cho các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình và chỉnh lý nghị quyết. Như vậy, nghị quyết mở rộng Hà Nội chưa được thông qua như dự kiến chương trình làm việc ban đầu là chiều nay các đại biểu sẽ biểu quyết. Thời điểm thông qua Nghị quyết sẽ được lùi vào cuối kỳ họp, tuy nhiên Quốc hội chưa ấn định ngày giờ cụ thể.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ và thảo luận toàn thể ở hội trường đã có hai luồng ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề mở rộng Hà Nội. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, tờ trình của Chính phủ còn sơ sài, chưa làm rõ được nhiều nội dung. Cụ thể là các vấn đề về sự lựa chọn thủ đô đa chức năng, về quy mô diện tích, dân số, về nguồn kinh phí thực hiện, đời sống người dân sau khi sáp nhập…
Cũng trong sáng qua, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Cán bộ, Công chức. Những nội dung được các vị Đại biểu Quốc hội quan tâm là tên gọi của dự án luật, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, chế độ đãi ngộ cho cán bộ công chức cấp cơ sở, chính sách trọng dụng nhân tài…
Theo kế hoạch, hôm nay (23/5), Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về Dự án Luật Thi hành án dân sự.
KHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)