Hôm qua (14/5), vấn đề mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội tiếp tục được các đại biểu Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 3, tiếp tục thảo luận tại tổ; đồng thời tham khảo nhiều ý kiến của các nhà khoa học đóng góp về vấn đề này với các cơ quan thông tấn, báo chí với tinh thần thẳng thắn, có trách nhiệm; trong đó hầu hết ý kiến đều đồng thuận với chủ trương này, nhưng cho rằng: không nên vội vàng và phải được tính toán kỹ lưỡng, trên cơ sở những luận cứ khoa học.
Các đại biểu được tham khảo ý kiến đều cho rằng tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần này và các tài liệu kèm theo còn sơ sài. Thậm chí một số nội dung quan trọng liên quan đến quy hoạch xây dựng thủ đô sau khi được mở rộng cũng chưa rõ, nhất là lộ trình tổ chức thực hiện, nguồn kinh phí cho việc thực hiện đề án.
Hơn nữa, nhiều khái niệm được giải thích về việc mở rộng diện tích để “xây dựng phát triển thủ đô tiên tiến, hiện đại...” cũng như sáp nhập 4 xã của huyện Lương Sơn (Hoà Bình) để nhằm mục đích khắc phục tranh chấp lâu nay giữa hai tỉnh Hà Tây - Hoà Bình; vùng rau xanh hiện nay chủ yếu phục vụ thủ đô và các đô thị vùng phụ cận... nay chính quyền Hà Nội trực tiếp quản lý sẽ tạo ra độ an toàn và chất lượng cao hơn cho thủ đô mới... là thiếu thuyết phục. Ủy ban pháp luật Quốc hội cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng yếu kém, bất cập trong quản lý đô thị tại Hà Nội hiện nay thường được cho là trình độ năng lực của cán bộ chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Sau khi mở rộng địa giới hành chính tăng gấp 3,6 lần diện tích và gấp 2 lần về dân số, đặc biệt có nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí có tới 29 đơn vị cấp huyện (nhiều nhất nước) chắc chắn sẽ phức tạp hơn rất nhiều, nhưng chưa thấy đề cập tới. Nhiều ý kiến tán thành quan điểm không nên vội vàng thực hiện việc mở rộng thủ đô.
* Cũng trong ngày hôm qua, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản. Các đại biểu đã tập trung thảo luận cho ý kiến về các nội dung như chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản; việc ghi thông tin trên xuất bản phẩm; việc đăng ký kế hoạch xuất bản, đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu... Về cơ bản, ý kiến của các đại biểu đều đồng tình với báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản, cho rằng Luật Xuất bản đã thực sự tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc cho hoạt động của các cơ sở xuất bản, in, phát hành, đáp ứng được yêu cầu phát triển hoạt động xuất bản trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bên cạnh đó, việc giao quyền chủ động cho các cơ sở hoạt động xuất bản, in, phát hành và xã hội hoá hoạt động xuất bản đã tạo điều kiện thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động xuất bản theo đúng quy định của pháp luật. Công tác xuất bản, in và phát hành trong thời gian qua đã có những bước tiến mạnh.
Cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc thí điểm cho người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam, đồng thời thảo luận, cho ý kiến về nội dung này.
HOÀI THƯƠNG (tổng hợp)