Hôm qua (13/5), kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XII nghe và thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Hoạt động Chữ thập đỏ, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử.
Dự thảo Luật Hoạt động Chữ thập đỏ gồm 34 điều, 8 chương; quy định về hoạt động Chữ thập đỏ, vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn nhân lực cho hoạt động Chữ thập đỏ, hợp tác quốc tế về hoạt động Chữ thập đỏ; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong hoạt động Chữ thập đỏ. Vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là công tác vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn lực cho hoạt động Chữ thập đỏ, quỹ hoạt động Chữ thập đỏ, cứu trợ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ…
Đa số các đại biểu Quốc hội đều tán thành về sự cần thiết phải ban hành Luật Hoạt động Chữ thập đỏ; cho rằng luật ra đời là nhằm thể chế chủ trương về hoạt động Chữ thập đỏ của Đảng, Nhà nước, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo, tạo hành lang pháp lý cần thiết điều chỉnh hoạt động Chữ thập đỏ; tăng cường, thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động Chữ thập đỏ, đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về hoạt động Chữ thập đỏ, biểu tượng Chữ thập đỏ mà Việt Nam tham gia, mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.
Đối với Quỹ hoạt động Chữ thập đỏ, hầu hết các ý kiến tán thành phải có quỹ để tiến hành các hoạt động Chữ thập đỏ, nhưng phải quy định rõ nguyên tắc quản lý tài chính đối với các nguồn thu được từ hoạt động dịch vụ của Hội Chữ thập đỏ, kinh phí hoạt động thường xuyên của hội, chi phí quyên góp vận động quỹ để đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng.
Trong ngày hôm qua, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ- Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử và thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử gồm 12 chương, chia thành 98 điều. Trong đó gồm các quy định về quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và lập, phê duyệt quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; về phát triển nguồn nhân lực; về đầu tư phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; về kiểm soát chiếu xạ do việc bức xạ gây ra; về lưu giữ, xử lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; lấy ý kiến nhân dân về biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh, chính sách đầu tư tại địa bàn nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân; về kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi có sự cố xảy ra; về thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường…
Đa số đại biểu Quốc hội đều cho rằng, năng lượng nguyên tử đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, có thể ứng dụng để sản xuất ra nguồn điện năng rất lớn, không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chính vì thế, dự án Luật Năng lượng nguyên tử ra đời là rất kịp thời, quy định về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau được các đại biểu tập trung thảo luận là phạm vi điều chỉnh của luật, chính sách, nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân…
HOÀI THƯƠNG (tổng hợp)