Chiều qua (10/5), các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII làm việc tại Tổ, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Việc thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.
Đa số các đại biểu đều tán thành với việc phải sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy bởi Luật được ban hành từ năm 2000, qua gần 7 năm thực hiện, tuy có đạt được một số kết quả trong công tác phòng, chống ma túy, nhưng tệ nạn ma tuý vẫn còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Hiệu quả của các hoạt động giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại trong phòng, chống ma túy còn hạn chế.
Các đại biểu cho rằng, trước mắt, việc xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý cần tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng; trách nhiệm của các cấp, các ngành; huy động sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội; sử dụng các biện pháp đồng bộ; kiểm soát ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào nước ta, đặc biệt là việc tổ chức cai nghiện cho tất cả những người nghiện ma túy, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cai nghiện.
COI HÀNH VI SỬ DỤNG CHẤT MA TÚY LÀ HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Về nội dung áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy và coi việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính, đa số đại biểu đồng tình và cho rằng nên bỏ quy định xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy (về tội sử dụng trái phép chất ma túy) nhưng vẫn duy trì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với việc sử dụng trái phép chất ma túy. Đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) cho rằng khi xây dựng luật cần theo quan điểm hành vi sử dụng chất ma tuý không phải là hành vi phạm tội mà chỉ coi là hành vi vi phạm hành chính. Trước đây khi đưa vào luật, nó được coi là một hành vi phạm tội nên sau khi cai nghiện bắt buộc vẫn tái nghiện sẽ bị đưa ra xét xử hình sự. Nhưng trên thực tế điều này không thể thực hiện được vì tỉ lệ tái nghiện rất cao.
Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (đoàn Thái Bình) đề nghị phải có sự phân biệt rõ ràng đâu là đối tượng nghiện chính, đâu là đối tượng do tai nạn nghề nghiệp mà mắc nghiện. Đại biểu lấy dẫn chứng không thể coi một công an tham gia vào việc làm án, mắc nghiện rồi đưa ra xử phạt hành chính. Hay những người bệnh phải điều trị lâu dài cuối cùng thành nghiện cũng đưa ra xử phạt hành chính là không hợp lý.
KÉO DÀI THỜI GIAN CAI NGHIỆN BẮT BUỘC VỚI NGƯỜI CÓ NGUY CƠ TÁI NGHIỆN CAO
Về nội dung quản lý sau cai nghiện tập trung, có 2 luồng ý kiến cho rằng nên thực hiện quản lý sau cai nghiện theo 2 hình thức: quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng đối với đa số những người đã chấp hành xong thời hạn cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai nghiện tập trung đối với một bộ phận người sau cai nghiện có nguy cơ tái nghiện cao.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng không nên quy định quản lý tập trung sau cai nghiện. Đối với những người có nguy cơ tái nghiện cao thì kéo dài thời gian cai nghiện bắt buộc thêm 1 năm (theo quy định hiện hành, thời gian cai nghiện bắt buộc từ 1-2 năm), như vậy đối với nhóm đối tượng này thì thời gian cai nghiện bắt buộc là 3 năm.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng nên bỏ quy định kéo dài việc cai nghiện thêm 3 năm, mà nên bổ sung trong luật là đối với những người có nguy cơ tái nghiện cao thì theo đề nghị của trại có thể kéo dài nhưng không quá 1 năm và phải có quyết định rõ ràng. Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền và nhiều đại biểu biểu khác cho rằng sau khi cai nghiện, cũng nên kéo dài thời gian thêm 1 năm nữa (là 3 năm), để người cai nghiện có thể quên được ma túy, bởi nếu ra sớm quá người nghiện vẫn có nguy cơ tái nghiện. Tuy nhiên, tùy theo từng hoàn cảnh gia đình, gia đình nào có điều kiện và tự nguyện xin được ở lại thêm thì có thể để họ được ở lại thệm, thậm chí có thể kéo dài thời gian trên dưới 5 năm.
NGĂN CHẶN NẠN MA TÚY THẨM LẬU: ĐIỂM MẤU CHỐT
Qua thảo luận, ý kiến của các đại biểu cho thấy qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương, việc tổ chức cai nghiện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn với tỷ lệ tái nghiện tới 90% theo báo cáo.
Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, có thể thấy rõ được những nguyên nhân khiến cho việc cai nghiện chưa đạt hiệu quả nếu những người trông coi trại không nghiêm túc sẽ rất dễ phát sinh tình trạng thẩm lậu ma túy vào trong trại, chưa nói đến những người trực tiếp tiếp tay đưa thuốc vào trong trại. Rồi quy cách xây dựng trại không đúng cũng tạo điều kiện cho việc tuồn thuốc vào trong trại.
Đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) bày tỏ nghi ngại, những đô thị lớn như TPHCM có thể thực hiện được đề án đó nhưng với tỉ lệ tái nghiện rất cao (90%) thì việc tổ chức cai nghiện như thế là chưa hiệu quả. Nếu đưa nội dung này vào luật thì tất cả các tỉnh phải thực hiện. Tuy nhiên, như vậy sẽ rất khó khăn, ví dụ ở Thái Bình người mắc nghiện cũng nhiều nhưng để xây dựng trung tâm cai nghiện thì còn nhiều vướng mắc. Mặt khác xây trung tâm cai nghiện xong lại phải lo đầy đủ cơ sở vật chất để lập trung tâm dạy nghề cho người sau cai thì sẽ rất khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Thái Hùng (Thái Bình) cho rằng, điểm mấu chốt là phải ngăn chặn bằng được nạn ma túy vào Việt
Theo VOV