Thứ Bảy, 30/11/2024 14:30 CH
Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước
Thứ Sáu, 09/05/2008 16:53 CH

Sáng nay (9/5), Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008.

 

080509--Qh.jpg

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang - Hoà thượng Danh Nhưỡng phát biểu ý kiến. - Ảnh: VOV

 

Thảo luận tại Hội trường, các Đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ; cho rằng Chính phủ đã thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận 5 khuyết điểm, tồn tại, yếu kém trong điều hành vĩ mô, thể hiện trong chính sách quản lý thị trường, giá cả, công tác dự báo yếu kém... Tuy nhiên, những bất cấp yếu kém đó cần được phân tích rõ nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm để từ có những giải pháp hữu hiệu khắc phục trong thời gian tới.

 

GIẢM CHỈ TIÊU TĂNG TRƯỞNG - CẦN GIẢI TRÌNH RÕ HƠN

 

Đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuống 7% nhưng đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ hơn về việc điều chỉnh này. Theo đó, Chính phủ phải đưa ra lập luận khoa học về sự cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế để các đại biểu Quốc hội có cơ sở thảo luận và biểu quyết, bởi giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế có ảnh hưởng nhất định đến việc làm, thu nhập của người dân.

 

Tuy nhiên, Đại biểu Sùng Chúng (đoàn Lào Cai) lại không đồng ý với quan điểm này và cho rằng, nếu Quốc hội biểu quyết thông qua đề nghị của Chính phủ giảm chi tiêu phát triển kinh tế-xã hội từ 8,5% xuống 7% sẽ làm cho người dân giảm lòng tin vào Quốc hội. Điều này cũng cho thấy do nhận định tình hình không sát nên Quốc hội đã tin tưởng rằng nước ta vẫn có thể đạt được chỉ tiêu tăng trưởng cao.

 

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng là do Chính phủ đề ra, Quốc hội biểu quyết thông qua nhưng không đạt được thì trách nhiệm một phần thuộc về chính phủ, mặt khác cũng phải xem xét lại năng lực của Đại biểu Quốc hội. Đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: Liệu có nên biểu quyết tiếp với đề nghị của Chính phủ đối với những chỉ tiêu mới hay không, tại sao không tiếp tục theo dõi, để cuối năm có kết quả thực tế, sẽ có sự điều chỉnh phù hợp?.

 

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) đặt vấn đề, đây là lần đầu tiên Quốc hội bàn thảo về kinh tế-xã hội trong hoàn cảnh tốc độ tăng trưởng đi xuống, lạm phát tăng cao. Nguyện vọng của cử tri muốn Chính phủ phê bình thẳng thắn hơn nữa, đâu là trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của thành viên Chính phủ.

 

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết bức xúc vì công tác dự báo yếu kém, không đủ tin cậy. Đại biểu này cho rằng, trong thời điểm hiện nay, đừng nên quá gồng lên để giữ giá bởi đó không phải là biện pháp lâu dài. Mà nên chú ý các giải pháp an sinh xã hội, đầu tư cho người nghèo, người làm công ăn lương.

 

TĂNG ĐẦU TƯ CHO NGƯỜI NGHÈO, VÙNG KHÓ KHĂN

 

Hòa thượng Danh Nhưỡng (đoàn Kiên Giang) cho rằng, trong thời điểm giá cả tăng cao, giá nông sản tăng 1, giá vật tư đầu vào tăng 2-3, Chính phủ cần đánh giá cụ thể nông dân sống ra sao, kết cấu hạ tầng nông thôn như thế nào, nông dân cần gì để có chính sách an sinh xã hội không để nông dân bị thiệt thòi; từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông dân và các nhóm dân cư khác, giữa thành thị, nông thôn; xem xét chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Đại biểu Võ Tuấn Nhân (đoàn Quảng Ngãi) nêu ý kiến: Cử tri mong muốn Chính phủ cần quan tâm, xem xét giải pháp hỗ trợ miền núi các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, vì điều kiện tự nhiên ở các vùng này rất khó khăn. Cử tri cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn các chương trình mục tiêu liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, người nghèo bởi qua giám sát thấy khâu quản lý còn nhiều bất cập, trong đó có nguyên nhân do cơ chế chính sách. Các tầng lớp dân cư, công nhân trong các khu công nghiệp đời sống còn rất khó khăn, cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa.

 

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương), khẳng định các giải pháp an sinh xã hội nêu trong Báo cáo của Chính phủ tốt và kịp thời, đề nghị quan tâm hơn và có những chính sách đảm bảo an sinh cho đội ngũ công nhân lao động ở những vùng khu công nghiệp tập trung.

 

Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư tập trung hơn vào các tỉnh nghèo, các tỉnh chịu nhiều thiệt hại trong chiến tranh như Quảng Trị, các địa phương nằm trong hành lang kinh tế Đông- Tây.

 

Liên quan đến đợt rét hại vừa qua khiến các tỉnh phía Bắc gặp thiệt hại nặng nề, đại biểu Sùng Chúng cho rằng Chính phủ đã quan tâm và quyết định hỗ trợ khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên lại giao cho địa phương thực hiện khắc phục 70%, còn trung ương hỗ trợ 30% là không phù hợp. Ông Sùng Chúng đề nghị chỉ nên giao cho địa phương thực hiện 30%, còn trung ương là 70% sẽ hợp lý hơn.

 

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu quan tâm đến tình trạng lạm phát gia tăng chóng mặt, giá lương thực, thực phẩm “phi mã” khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn. Cơn sốt giá gạo trong thời gian gần đây là một ví dụ điển hình. Vấn đề hoạt động của các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty thời gian qua cũng được các đại biểu quan tâm. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng đề nghị Quốc hội xem xét một cách nghiêm túc tình trạng một lượng lớn vốn nhà nước được các tập đoàn, tổng công ty này đầu tư sai lĩnh vực hoạt động của mình, thậm chí thành lập ngân hàng riêng, ví dụ Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

 

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận và đóng góp ý kiến về những nội dung trên.

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek