Chiều 8/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí, các đại biểu Quốc hội tập trung vào thảo luận những nội dung: bổ sung khí than vào phạm vi điều chỉnh của Luật và quy định dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác khí than thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư; quy định sửa đổi về đấu thầu trong hoạt động dầu khí; bổ sung quy định cho phép tiếp tục kéo dài thời gian tìm kiếm, thăm dò hoặc thời hạn hợp đồng dầu khí; Về quy định chuyển thẩm quyền của Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ và việc sửa đổi bổ sung các quy định về quản lý nhà nước về dầu khí.
Luật Dầu khí cần được sửa đổi toàn diện càng sớm, càng tốt
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) đồng tình với nội dung Tờ trình của Chính phủ Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí. Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, cho đến nay mới chọn những vấn đề trên để sửa đổi, bổ sung vào Luật Dầu khí là muộn và không đủ, chỉ giải quyết được một số bất cập cần phải chỉnh sửa ngay cho phù hợp với tình hình phát triển ngành dầu khí. Trong khi đây là lĩnh vực rất rộng và cần được sửa đổi toàn diện.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm nêu ý kiến, nếu trong kỳ họp này không sửa đổi được một cách toàn diện thì không nên tiếp tục kéo dài nữa mà phải tiến hành ngay việc sửa đổi toàn diện, trong đó có việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sang cả khâu trung nguồn (vận chuyển, tàng trữ dầu khí) và thậm chí hạ nguồn (chế biến, kinh doanh sản phẩm xăng dầu).
Liên quan đến quy định chuyển thẩm quyền của Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Kiêm cho rằng, đây là hướng đi đúng vì nếu giao thẩm quyền cho tập thể thì đối với những vấn đề cấp bách sẽ không thể đưa ra bàn thảo được sớm mà phải chờ có cuộc họp; nếu giao việc quyết định cho Thủ tướng sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện công việc.
Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà) nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí. Theo ông Ngoạn, Luật Dầu khí cũ ban hành năm 1993 rất sơ sài, có thể dựa vào nguyên nhân là vào thời điểm đó ta chưa tiếp cận được những kinh nghiệm làm luật cũng như kinh nghiệp quản lý, khai thác dầu khí. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, luật cần được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện và càng sớm càng tốt: “Quốc hội có thể thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung này nhưng phải có ý kiến thật mạnh mẽ yêu cầu Chính phủ đi vào sửa đổi luật trong thời gian sớm nhất”. Ông Ngoạn phân tích, dự kiến Việt Nam chỉ khai thác dầu đến năm 2020, nếu công tác xây dựng luật không tiến hành nhanh thì đến thời điểm đó trữ lượng dầu không còn nhiều, khi đó luật ra đời cũng ít ý nghĩa.
Sĩ quan quân đội 51- 52 tuổi đã về hưu thì... lãng phí
Liên quan dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, các đại biểu tập trung thảo luận tên gọi và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; chức vụ của sĩ quan quân đội; tuổi phục vụ của sĩ quan; cấp bậc quân hàm của sĩ quan và chính sách đối với sĩ quan.
Đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, Luật sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam cần phải được sửa đổi cho phù hợp với điều kiện hiện nay; đồng tình với việc nâng hạn tuổi về hưu của sĩ quan; quan tâm hơn tới chính sách đãi ngộ cho sĩ quan quân đội… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ hơn một số quy định trong luật để tránh gây hiểu lầm.
Liên quan đến quy định nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm từ cấp uý đến cấp Đại tá lên 2 tuổi, Đại biểu Lê Thanh Phong (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, con số này chưa phải nhiều vì để đào tạo được một sĩ quan quân đội phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, trong khi đó theo Luật Lao động, 51- 52 tuổi họ đã phải về hưu, như thế sẽ rất lãng phí.
Về nội dung: “Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan tại ngũ được phong quân hàm Thiếu úy; trường hợp tốt nghiệp loại giỏi, tốt nghiệp loại khá ở những ngành tuyển chọn, đào tạo công phu hoặc có thành tích xuất sắc trong công tác được phong quân hàm cao hơn” được đưa ra trong lần sửa đổi này, đại biểu Lê Thanh Phong và một số đại biểu khác cho rằng nên quy định rõ “phong quân hàm cao hơn” tối đa là quân hàm gì, nếu không sẽ gây hiểu lầm, dẫn tới tình trạng các đơn vị muốn phong quân hàm gì cũng được mà không sợ vi phạm luật.
Đại biểu Tạ Ngọc Tấn (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) nhấn mạnh đến đặc thù của quân đội là ngành nghề lao động đặc biệt, cán bộ, sĩ quan quân đội gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, khi làm chính sách tiền lương, đãi ngộ cần phải đặc biệt chú ý để đảm bảo sự công bằng.
Cũng có ý kiến cho rằng, trong Tờ trình của Chính phủ có nêu 17 khu vực trọng yếu, việc phong hàm cho chỉ huy trưởng các khu vực này cũng cần được xem xét kỹ lượng, không để cho việc phong hàm này trở nên đại trà.
Sáng nay (9/5), Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008.
Theo VOV