Thứ Tư, 25/09/2024 18:25 CH
Nhân ngày chiến thắng phát xít Đức (9/5/1945 – 9/5/2008)
Từ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam
Thứ Sáu, 09/05/2008 07:09 SA

Lịch sử có những sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng đầy thú vị: Ngày 30/4/1975, quân ta cắm lá cờ giải phóng lên nóc dinh Độc Lập của ngụy quyền Sài Gòn, thì trước đó đúng 30 năm, ngày 30/4/1945, Hồng quân Liên Xô cắm lá cờ chiến thắng lên nóc nhà Nghị viện Đức ở Berlin.

 

080509-xu-phat-xit.jpg

Tòa án quân sự quốc tế xét xử các trùm phát xít Đức năm 1947

 

Chỉ có chỗ khác là: ngày 30/4/1975 ngụy quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng không điều kiện, ta đã làm chủ hoàn toàn thành phố; còn tại Đức, cho đến tận 0 giờ ngày 9/5/1945, khi phía Đức chịu ký văn bản đầu hàng không điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh, thì tiếng súng mới ngừng hẳn. Vì vậy mà nhân loại tiến bộ lấy ngày 9/5 làm ngày kỷ niệm chiến thắng phát-xít, để nhớ ơn những người con của Liên Xô đã ngã xuống nhằm cứu nhân loại khỏi thảm họa diệt vong, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, gìn giữ cuộc sống hòa bình trên hành tinh.

 

Trong bài viết nhỏ này, xin không đề cập đến ý đồ ngông cuồng của phát xít Đức – Ý – Nhật, và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Hồng quân Liên Xô trong toàn bộ chiến dịch. Chỉ xin đề cập đến tầm nhìn xa trông rộng, dự đoán tình hình, nắm bắt thời cơ khôn khéo lãnh đạo cách mạng nước ta của Bác Hồ và Trung ương Đảng lúc bấy giờ.

 

Chiến tranh thế giới thứ II, đối với Đảng ta không phải là hiện tượng bất ngờ, vì trong lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng (3/2/1930), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đang được ráo riết chuẩn bị”.

 

Hai tháng sau Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, tháng 11/1939, Trung ương Đảng họp phân tích tình hình, vạch trần chính sách hai mặt của Anh – Pháp – Mỹ, muốn xoay cuộc chiến tranh đế quốc thành cuộc chiến tranh chống Liên Xô. Hội nghị nhận định: Chiến tranh thế giới sẽ gieo đau thương tai họa ghê gớm cho loài người. Nhân loại sẽ phải chịu một số kiếp vô cùng thê thảm. Nhưng tiền đồ cách mạng thế giới sẽ rất sáng sủa: nhân dân các nước tư bản tự giải phóng. Dân tộc các thuộc địa đòi độc lập. Một thế giới quang minh rực rỡ sẽ thay cho cái thế giới tối tăm này.

 

Từ nhận định trên, Hội nghị Trung ương bàn việc chuyển hướng đường lối và phương pháp cách mạng cho phù hợp với tình hình mới, để “Đảng gánh lấy cái sứ mạng thiêng liêng lãnh đạo dân tộc vũ trang bạo động giành lấy chính quyền”.

 

Tháng 5/1941, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp ở Pắc Bó do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì phân tích tình hình và nhận định: “Nếu cuộc chiến tranh thế giới lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, cách mạng nhiều nước sẽ thành công”. Hội nghị xác định: “Chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và dân ta trong giai đoạn hiện tại”.

 

Đầu năm 1944, trước những thắng lợi to lớn của Hồng quân Liên Xô, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa, nhấn mạnh rằng: “Thời cơ không phải tự nó đến, phần lớn do ta sửa soạn nó, thúc đẩy nó”.

 

Bác Hồ, thay mặt Đảng gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”.

 

Ngày 9/5/1945, Đức ký văn bản đầu hàng không điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh. Trong bài “Phát xít Đức tắt thở viết ngày 10/6/1945, đăng trên Báo Cờ giải phóng, đồng chí Trường Chinh đánh giá: “Cái khâu chính của dây xiềng mà phe trục định dùng để buộc loài người, đã đứt phựt. Nay mai toàn thể dây xiềng sẽ tan rã. Phát xít Nhật, bạn của đồng minh Đức Hít-le bị trơ trọi hẳn và đang lo âu như cá nằm trên thớt. Chẳng bao lâu nữa, chúng sẽ trở về thiên cổ theo gót bạn chúng bên trời Âu. Dù sao, nhân dân ta không thể bị động trông chờ những ngày may mắn từ đâu đưa lại. Phải đứng dậy đánh đuổi giặc Nhật, góp sức với đồng minh dìm chết con thú dữ Nhật Bản dưới đáy Thái Bình Dương, tổng khởi nghĩa giành lại đất nước”.

 

Quả đúng như vậy, ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật. Trong vòng 1 tuần lễ, tiêu diệt toàn đội quân Quan Đông hơn 1 triệu tên, buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện. Nhân dân ta chớp lấy thời cơ, cướp chính quyền từ tay Nhật, chỉ trong vòng nửa tháng, Cách mạng Tháng Tám đã thành công trên toàn quốc.

 

Ngoài ý nghĩa to lớn cứu loài người khỏi thảm họa bị bọn phát xít dã man bắt làm nô lệ, đối với nhân dân ta và các dân tộc bị áp bức khác càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:

 

“Nhờ Liên Xô thắng lợi mà những nước nửa thuộc địa như Trung Quốc và những nước thuộc địa như Triều Tiên, Việt Nam đã đánh đuổi được bọn đế quốc xâm lăng tranh lại tự do, độc lập.

 

Nhờ Liên Xô thắng lợi mà phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa khác đang lên cao”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập I, NXB Sự Thật)

 

BẰNG TÍN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek