Thứ Năm, 26/09/2024 00:18 SA
Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội:
9 nhóm nhiệm vụ tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững
Thứ Tư, 07/05/2008 07:00 SA

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng.

 

080507-thutuong.jpg

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XII

 

8 NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU, CẤP BÁCH

 

Trong bài phát biểu, Thủ tướng đã thẳng thắn nêu rõ những yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành của Chính phủ là nguyên nhân chủ quan trực tiếp, quan trọng làm cho những yếu kém vốn có của nền kinh tế nước ta càng bộc lộ rõ hơn và tác động sâu rộng hơn. Chính phủ thống nhất xác định nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong những tháng tiếp theo của năm 2008 là: Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2008 ở mức khoảng 7%. Từ đó, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã xác định 8 nhóm giải pháp chủ yếu cần tập trung sức chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt trong thời gian tới.

 

Theo đó, Chính phủ sẽ kiểm tra chặt chẽ việc đầu tư không thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp nhà nước, nhất là đầu tư kinh doanh tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản.

 

Phát triển mạnh sản xuất và dịch vụ được xem là giải pháp cơ bản, tạo hiệu quả trực tiếp, nhiều mặt, vừa tăng nguồn cung các hàng hóa và dịch vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa góp phần thiết thực kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu. Tiếp tục thu hút mạnh và giải ngân nhanh các nguồn vốn đầu tư phát triển, nhất là các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và có giá trị xuất khẩu lớn.

 

Chính phủ tăng mạnh đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trước mắt tập trung chỉ đạo chăm sóc tốt các vụ lúa chưa thu hoạch, không để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng; đảm bảo đủ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thủy lợi... Tiếp tục làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm H5N1 và dịch lợn tai xanh. Huy động đủ nguồn lực, áp dụng đồng bộ các biện pháp để khoanh vùng, dập tắt dịch bệnh không để lây lan. Bổ sung các chính sách hỗ trợ cần thiết và chỉ đạo thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả dịch bệnh, nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

 

Thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, thiết thực để đẩy mạnh xuất khẩu là giải pháp cơ bản nhằm hạn chế nhập siêu, thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu năm nay tăng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu so với năm 2007.

 

Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa là tiền đề quyết định cho sự bình ổn của thị trường, tránh đột biến về giá và ngăn chặn đầu cơ, buôn lậu. Chính phủ đã chủ trương chưa điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu, than, nước sinh hoạt, cước vận chuyển máy bay, tàu hỏa, xe buýt. Khi kiềm chế được lạm phát sẽ áp dụng lộ trình thích hợp thực hiện giá thị trường.

 

Để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời bảo đảm lợi ích của người trồng lúa, Chính phủ đã quy định lượng xuất khẩu gạo cả năm 2008 từ khoảng 3,5 đến 4 triệu tấn với tiến độ giao hàng thích hợp và đang nghiên cứu việc áp dụng thuế xuất khẩu gạo.

 

Quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch khai thác, sử dụng và xuất khẩu than; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu và khai thác than trái phép; thực hiện tiết kiệm trong sử dụng và giảm mạnh xuất khẩu than để bảo đảm an ninh năng lượng trong nước cả trước mắt và lâu dài.

 

Trước thực trạng giá một số mặt hàng ở nước ta, do còn được bù giá nên thấp hơn giá trên thị trường thế giới và khu vực, vì vậy phải chú trọng thực hiện các biện pháp đủ mạnh để chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là buôn lậu xăng dầu, than và một số loại hàng hóa khác.

 

Giá cả tăng cao và thiên tai, dịch bệnh đang có những tác động mạnh, trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân, nhất là người nghèo, người lao động có thu nhập thấp, đồng bào vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Cùng với việc tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định và kiềm chế tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt và đời sống nhân dân, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; đồng thời mở rộng thêm và thực hiện ngay một số chính sách mới cấp bách. Chính phủ đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để điều chỉnh thích hợp lộ trình tăng lương theo đề án cho cán bộ, công nhân viên khu vực hành chính sự nghiệp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Các điều kiện để điều chỉnh chế độ trợ cấp xã hội vào những năm tới đang được nghiên cứu. Tiếp tục xuất gạo dự trữ quốc gia để cấp không thu tiền cho hộ đồng bào bị thiên tai, thiếu đói. Năm 2007 và 4 tháng đầu năm 2008, Chính phủ đã xuất gạo dự trữ quốc gia cấp không thu tiền cho hộ thiếu đói và bị thiên tai khoảng  80.000 tấn, là số lượng cao nhất từ trước đến nay.

 

Chính phủ sẽ đẩy mạnh thực hiện hàng loạt chương trình an sinh xã hội như chương trình phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp tại đô thị. Phát triển nhà ở công vụ cho giáo viên. Triển khai Chương trình hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo ở khu vực nông thôn và miền núi. Tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng và nhà ở vùng thường bị bão lũ miền Trung. Sửa đổi chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước theo hướng chuyển mạnh sang hỗ trợ các dự án thuộc lĩnh vực xã hội và hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng chính sách. Bổ sung chính sách trợ giúp thích hợp để giảm nghèo bền vững ở 58 huyện khó khăn nhất của cả nước. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các loại phí thu từ nông dân. Nghiên cứu để có quy định phù hợp về chuẩn hộ nghèo.

 

9 NHÓM NHIỆM VỤ TẠO TIỀN ĐỀ CHO SỰ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG

 

“Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ cấp bách nêu trên, Chính phủ xác định cần tiếp tục tạo lập các cơ sở, các tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững trong những năm sau”, Thủ tướng phát biểu. Trong đó cần kiên trì triển khai thực hiện có hiệu quả 9 nhóm công việc.

 

Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, hình thành nhanh và đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, tạo ra chuẩn mực mới cho nền hành chính quốc gia.

 

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; chuyển mạnh việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng coi trọng hơn nữa các chỉ tiêu chất lượng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

 

Thứ ba, đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, nhất là những công trình giao thông quan trọng ở những vùng có dung lượng hàng hoá lớn, có tính kết nối vận tải cao nhằm giải tỏa ách tắc, tăng khả năng lưu thông hàng hoá, tiết kiệm chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

 

Thứ tư, chú trọng phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng để thu hút mạnh các dự án đầu tư có trình độ công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và cơ cấu hàng xuất khẩu.

 

Thứ năm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp ngoài quốc doanh; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hoá; sơ kết hoạt động của các tập đoàn kinh tế và làm rõ hơn vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế.

 

Thứ sáu, đồng thời với việc chuẩn bị Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nông dân, cần khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng để giảm thiểu tối đa những hiểm họa có thể xảy ra, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân.

 

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện chính sách và mở rộng mạng lưới an sinh xã hội nhằm hỗ trợ thiết thực những đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình phát triển, nhất là những người làm công ăn lương; thực hiện giảm nghèo bền vững, bảo đảm cho người nghèo được thụ hưởng hợp lý thành quả của sự tăng trưởng.

 

Thứ tám, tiếp tục  đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Thứ chín, tăng cường công tác đối ngoại và quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của đất nước.

 

Theo chinhphu.vn

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek