Thứ Năm, 26/09/2024 02:20 SA
Người đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội khoa học
Thứ Hai, 05/05/2008 07:11 SA

Chủ nghĩa Mác là hệ thống các quan điểm và học thuyết của Mác. Mác đã kế thừa và hoàn chỉnh một cách thiên tài ba trào lưu tư tưởng chủ nghĩa của thế kỷ XIX, thuộc ba nước tiên tiến nhất của loài người: triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp.

 

080505-marx.jpgTrong di sản lý luận đồ sộ, sâu sắc của Mác, có thể nêu một số cống hiến nổi bật sau đây:

 

Các Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới.

 

Các Mác đã xây dựng nên phép biện chứng duy vật. Triết học duy vật biện chứng của Mác đã đập tan mọi thứ triết học duy tâm, siêu hình, coi thế giới là do thần linh sáng tạo ra, vĩnh viễn không thay đổi, con người sống hoàn toàn phụ thuộc vào số mệnh, may rủi, lịch sử xã hội là do ý muốn của thượng đế, hay của vua chúa, anh hùng tạo nên.

 

Triết học duy vật biện chứng vạch rõ thế giới bao gồm vô số sự vật và hiện tượng muôn hình muôn vẻ, vốn có một cách khách quan, không do một sức huyền bí nào sáng tạo ra, luôn luôn ở trong sự liên hệ, ràng buộc lẫn nhau, ở trong sự vận động và biến đổi, theo những quy luật khách quan. Nguồn gốc của sự vận động và biến đổi là sự đấu tranh và giải quyết mâu thuẫn nằm ngay trong bản thân sự vật. Đấu tranh và giải quyết mâu thuẫn làm cho sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời. Cái mới ra đời là một tất yếu vì nó phù hợp với quy luật phát triển. Nhận thức con người là sự phản ánh sáng tạo đối với các sự vật và hiện tượng khách quan trên thế giới. Nhờ phương pháp nhận thức khoa học và thông qua thực tiễn hoạt động mà nhận thức con người có thể hiểu biết thế giới. Trên thế giới không có gì là con người không thể nhận thức được, chỉ có cái con người chưa nhận thức được nhưng rồi sẽ nhận thức được. Vì nhận thức được quy luật của thế giới, nên con người có thể cải tạo được thế giới. Sự hiểu biết của con người về thế giới là một quá trình từ không biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều, đúng như lịch sử tư tưởng của loài người đã đi từ chỗ con người mông muội không hiểu gì về thế giới, đến thời đại con người nắm được quy luật vận động thế giới. Khả năng nhận thức của con người là vô tận.

 

Vận dụng triết học duy vật biện chứng vào việc xem xét xã hội, Mác đã sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, vạch ra quy luật phát triển của xã hội loài người. Lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội. Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định sinh hoạt chính trị, tinh thần của xã hội nói chung. Lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển sản xuất, lịch sử những phương thức sản xuất kế tiếp nhau, cũng tức là lịch sử của những người sản xuất của cải vật chất, lịch sử của quần chúng nhân dân lao động. Quần chúng nhân dân là động lực phát triển lịch sử, là đội quân chủ lực của các cuộc cách mạng xã hội thay thế chế độ xã hội cũ, lỗi thời bằng chế độ xã hội mới, tiến bộ hơn. Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, có lý luận tiền phong soi đường, là lực lượng lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng để phá bỏ chế độ áp bức, bóc lột cũ, xây dựng chế độ mới, chế độ cộng sản chủ nghĩa.

 

Lê-nin khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Các Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị” (Lênin Toàn tập, tr 23, tr.53)

 

Các Mác đã tìm ra quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa của xã hội tư bản.

 

Bằng cách vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, học thuyết kinh tế của Mác vạch ra những quy luật kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, vạch ra quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó.

 

Một trong những phát hiện vĩ đại của Mác, là việc phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư. Quy luật giá trị thặng dư là quy luật chung của xã hội tư bản. Mác chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản. Cũng như đối với xã hội có giai cấp trước đây, trong xã hội tư bản, đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội.

 

Mác chứng minh về mặt lý luận rằng, giai cấp vô sản nhất thiết phải đấu tranh chống giai cấp tư sản và nhất định giai cấp vô sản sẽ chiến thắng, chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản.

 

Với hai phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hóa.

 

Lê-nin cho rằng điểm cốt yếu của học thuyết Mác là nó đã soi sáng vai trò lịch sử thế giới của giai cấp công nhân là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa thay thế xã hội tư bản.

 

Nhờ có thế giới quan khoa học, chủ nghĩa Mác đã tìm ra quy luật phát triển của xã hội và lực lượng xã hội có thể tiêu diệt chế độ tư bản và sáng tạo xã hội mới, đó là giai cấp vô sản. Mác và Ăng-ghen chỉ ra cho giai cấp vô sản là trước hết phải tự mình vùng lên đánh đổ chế độ tư bản chủ nghĩa. Và trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp vô sản phải đoàn kết chung quanh mình tất cả những người lao động. Cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản phải đi tới lập nên nhà nước chuyên chính vô sản, giai cấp vô sản dùng nó làm công cụ để xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

 

080505-Marx-Engels.jpg

Các Mác (ngồi) và F.Ăng-ghen ở Luân Đôn (Anh) năm 1867

 

Mác và Ăng-ghen luôn luôn nhấn mạnh quan điểm, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng, mà là hiện thực phải khuôn thử, mà là “một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ mọi trạng thái hiện nay”.

 

Mác và Ăng-ghen chứng minh tính tất yếu của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản và nêu ra những đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản trải qua hai giai đoạn: giai đoạn thấp và giai đoạn cao. Giai đoạn thấp là xã hội xã hội chủ nghĩa, vừa thoát ra từ xã hội tư bản chủ nghĩa, nên còn mang nhiều tàn tích của xã hội cũ. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa mỗi người đều được phân phối theo sự đóng góp công sức của mình cho xã hội. Nguyên tắc phân phối trong giai đoạn này là: “Lao động theo năng lực, phân phối theo lao động”. Giai đoạn cao là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Mác viết: “Trong giai đoạn cao của xã hội cộng sản chủ nghĩa, khi mà cá nhân không còn bị phụ thuộc một cách nô lệ vào sự phân công nữa, và sự đối lập giữa lao động trí óc với lao động chân tay cũng theo đó mà không còn nữa; khi mà lao động sẽ không phải chỉ là một phương tiện để sống nữa, mà tự nó sẽ biến thành một nhu cầu bậc nhất đối với đời sống; khi mà chính lực lượng sản xuất cũng đã tăng lên cùng với sự phát triển về mọi mặt của những cá nhân, và tất cả những nguồn của cải công cộng đều tuôn ra dào dạt, thì chỉ khi đó người ta mới có thể vượt hẳn ra khỏi giới hạn chật hẹp của quyền lợi kiểu tư sản, và xã hội mới có thể ghi trên lá cờ của mình: “lao động theo năng lực, phân phối theo nhu cầu!” (Mác-Ăng-ghen: Tuyển tập, tập II).

 

Chủ nghĩa Mác là ngọn đèn pha soi sáng con đường cách mạng cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Thiên tài của Mác là đã giải đáp các vấn đề mà loài người tiên tiến nêu lên nhưng chưa giải đáp được. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác chấm dứt thời kỳ mò mẫm như trong đêm tối của hàng triệu nhân dân lao động sống dưới ách áp bức và bóc lột, tìm đường giải phóng cho mình.

 

Lê-nin khẳng định: Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó chính xác, nó hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của giai cấp tư sản”.

 

Mác và Ăng-ghen thường nói học thuyết của hai ông không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động. Lê-nin, người kế thừa sự nghiệp của Mác và Ăng-ghen, dựa trên các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, đã phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng vô sản, và do đó gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin là đỉnh cao của trí tuệ loài người bởi tính khoa học và tính cách mạng triệt để của nó.

 

Chủ nghĩa Mác-Lênin là khoa học về những quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột, về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước, về việc xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa.

 

VẬN DỤNG SÁNG TẠO, PHÁT TRIỂN CHỦ NGHĨA MÁC- LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN CÁCH MẠNG MỚI

 

Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng Tháng Mười Nga thành công và sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới là những thành quả rực rỡ của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin sẽ mãi là mặt trời chói lọi, soi sáng con đường đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Những năm gần đây, đời sống chính trị – xã hội thế giới có nhiều biến động, chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào. Các thế lực thù địch ra sức phê phán, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin và những người sáng lập. Thế nhưng chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn thu hút trái tim, khối óc của hàng triệu nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Những nhân tố của chủ nghĩa xã hội vẫn đang nảy sinh và phát triển ngay trong lòng nhiều nước tư bản, và dù con đường đi có khác nhau, có lâu dài, có những bước thăng trầm, nhưng lịch sử nhân loại tất yếu dẫn tới chủ nghĩa cộng sản như lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra.

 

Đối với cách mạng Việt Nam, công ơn của Các Mác cao như núi, sâu như biển. Có chủ nghĩa Mác-Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam ta mới tìm được con đường đi tới độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

 

Cách đây nửa thế kỷ, lúc dân tộc Việt Nam phải sống trong ngục tù của chế độ thực dân, phong kiến, cha ông ta đã nhiều lần nổi lên đấu tranh giành độc lập, nhưng các cuộc đấu tranh ấy đều thất bại và bị dìm trong biển máu. Đi tìm con đường cứu nước, Hồ Chí Minh là người cách mạng Việt Nam đầu tiên nhìn thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin soi tỏ con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đối với những người cách mạng Việt Nam, tìm thấy chủ nghĩa Mác-Lênin tựa “như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn” (Hồ Chí Minh: Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp giải phóng các dân tộc phương Đông). Từ đó chủ nghĩa Mác-Lênin luôn là ngọn đuốc dẫn đường cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi.

 

Chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3 tháng 2 năm 1930, tạo ra một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam.

 

Từ khi ra đời đến nay, trải qua hơn 78 năm đấu tranh anh dũng, Đảng ta, đứng đầu là Hồ Chủ tịch kính mến, luôn luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình. Đường lối cách mạng do Đảng đề ra trong hơn 78 năm qua chính là sản phẩm của sự vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam. Đó cũng là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa.

 

Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi, giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam.

 

Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước hơn 20 năm qua giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Bài học thứ nhất trong năm bài học lớn mà Đảng đã đúc kết trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng là: “Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng”.

 

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek