Thành ngữ thời hiện đại “Công đoàn ăn theo, nói leo” không phải là không đúng khi ở nhiều cơ quan, đơn vị vai trò của tổ chức công đoàn bị thủ trưởng xem nhẹ, hoặc công đoàn không thực hiện đúng vai trò, chức năng của mình.
Quả thực có không ít vị thủ trưởng mang tính gia trưởng, độc đoán, nhất nhất muốn mọi thành viên trong cơ quan, doanh nghiệp,... phải tuân theo ý kiến chỉ đạo của mình. Họ rất ghét việc bàn ra bàn vào trước một vấn đề hay nhiệm vụ nào đó. Vì vậy, ngay cả ý kiến của các tổ chức đoàn thể trong cơ quan cũng không thể “vượt” qua ý kiến của thủ trưởng. Nếu gặp chủ tịch công đoàn “cứng đầu” không chịu “nói leo”, tất sẽ nảy sinh những cái “thiếu đồng thuận”. Hậu quả là “công đoàn thiếu sự quan tâm của lãnh đạo, sự hỗ trợ của chính quyền”.
Tuy nhiên cũng có trường hợp, công đoàn không thể hiện được vai trò, chức năng của mình, cái gì cũng “xin ý kiến” thủ trưởng. Gặp thủ trưởng quan tâm công tác quần chúng thì “được nhờ”, gặp phải vị thủ trưởng chỉ chăm chăm công tác chuyên môn, đánh giá thấp vai trò của tổ chức công đoàn thì đành chịu vậy.
Để công đoàn khỏi mang tiếng “ăn theo, nói leo”, thiết nghĩ cần có sự quan tâm đúng mực của cấp ủy và sự hỗ trợ của chính quyền. Sự quan tâm này không phải thể hiện “cơ chế xin cho”, mà thủ trưởng phải đặt mình vào trong hoạt động công đoàn, thấy được lợi ích thiết thực khi tổ chức công đoàn lớn mạnh. Bởi không có tổ chức công đoàn nào lại không muốn làm cho cơ quan, doanh nghiệp của mình không phát triển. Công đoàn lớn mạnh thì cơ quan, doanh nghiệp sẽ lớn mạnh, công ăn việc làm và đời sống của công nhân, viên chức càng được đảm bảo. Song, công đoàn cũng phải làm tốt vai trò chức năng của mình, có sự độc lập nhất định trong việc tổ chức các phong trào và hoạt động công đoàn. Cán bộ công đoàn phải có bản lĩnh trên cơ sở nắm chắc và làm tốt vai trò, chức năng của mình, biết dựa vào và quan tâm đến sự phát triển của đội ngũ công nhân, viên chức để làm hậu thuẫn cho mình.
TRẦN QUANG HẢI