Thứ Năm, 28/11/2024 06:31 SA
Nhân kỷ niệm 35 năm ngày ký hiệp định Pa-ri về Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2008), nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình:
“Tôi muốn thế hệ sau hiểu về lịch sử lâu đời của dân tộc”
Thứ Năm, 24/01/2008 10:22 SA

Nhân kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2008), bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri, đã trả lời phỏng vấn TTXVN.

 

080124-ntbinh.jpg

Bà Nguyễn Thị Bình tại Hội đàm Pa-ri 1973

* Trực tiếp tham gia đàm phán và ký kết “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” (gọi tắt là Hiệp định Pa-ri về Việt Nam), hơn ai hết bà hiểu sâu sắc đâu là nhân tố quyết định thành công trên bàn đàm phán. Xin bà cho biết đó là những nhân tố nào?

 

- Ai cũng có thể hiểu rằng nhân tố quyết định thành công trên bàn đàm phán là chiến trường. Cuộc đấu tranh về chính trị và vũ trang kiên cường trong nhiều năm và cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 đã đưa đến cuộc đàm phán 4 bên ở Pa-ri cuối năm 1968. Và cuộc phản công của quân giải phóng đầu năm 1972, kết thúc bằng sự giải phóng của nửa tỉnh Quảng Trị, hình thành vùng giải phóng của ta ở vĩ tuyến 17 và tiếp đó là thắng lợi của quân dân ta trong trận Điện Biên Phủ trên không đã buộc đối phương chấp nhận ký kết Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

 

Nhưng chúng ta không thể xem nhẹ sự đóng góp về chính trị ở trong nước và ở nước ngoài vào thắng lợi to lớn trong việc ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, đặc biệt là phong trào phản chiến ngay trên nước Mỹ, sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ và rộng rãi của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Hoạt động ngoại giao của 2 đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại bàn đàm phán trong gần 5 năm liên tục, cũng cần được ghi nhận. Nó đã phát huy được thế và lực của cuộc chiến đấu của quân dân ta trên chiến trường và khôn khéo kết thúc cuộc đấu tranh đòi Mỹ rút quân về nước, tạo thế cho nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

* Sau 35 năm, bối cảnh trong nước, khu vực và thế giới đều đã có nhiều đổi khác, đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác ngoại giao, làm sao để vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển, vừa giữ vững độc lập, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Theo bà, từ quá trình đàm phán, ký kết và bảo đảm thực hiện Hiệp định Pa-ri có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quí báu nào cho công tác ngoại giao hiện nay?

 

- Tình hình của đất nước ta hiện nay đã khác nên biện pháp đấu tranh phải khác. Chúng ta phải tranh thủ hợp tác nhưng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của nhân dân ta là bất di, bất dịch.

 

Việt Nam hội nhập rộng rãi với các nước trên thế giới để cùng nhau phát triển, nhưng cũng cần hiểu, thế giới vẫn chứa đựng nhiều mâu thuẫn, sự đe dọa đối với hòa bình và độc lập dân tộc vẫn còn. Trong quá trình toàn cầu hóa, sự cạnh tranh về kinh tế thương mại và cả trong lĩnh vực văn hóa, chính trị, tư tưởng... cũng khá quyết liệt, nhất là giữa các nước phát triển và các nước nghèo. Vì vậy, quan điểm của chúng ta là vừa hợp tác, vừa đấu tranh.

 

Tôi cho rằng, những kinh nghiệm lớn của công tác ngoại giao trước đây vẫn rất quý báu cho hoạt động ngoại giao của chúng ta hiện nay. Đó là phải kiên định lập trường độc lập dân tộc, bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời phải biết tranh thủ sự hợp tác, đoàn kết quốc tế để cùng nhau phấn đấu cho hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nói một cách khái quát: Phải giữ vững lập trường nguyên tắc, nhưng khôn khéo và linh hoạt về sách lược. Trong tình hình mới, để có hòa bình, ổn định, điều kiện cơ bản để phát triển đất nước, chúng ta cần coi trọng biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng hòa giải, thương lượng hòa bình.

 

* Là người không ngừng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc và phát triển, bà có điều gì muốn nhắn gửi các thế hệ đi sau?

 

- Đối với thế hệ sau, những người không trực tiếp chịu những đau khổ, hy sinh trong chiến tranh, chưa hiểu thực tế như thế nào là gian khổ, chịu đựng trong đấu tranh chính trị và ngoại giao, tôi muốn họ hiểu về lịch sử lâu đời của dân tộc, đặc biệt lịch sử 2 cuộc kháng chiến ở nửa cuối thế kỷ vừa qua, để họ yêu quý quê hương đất nước của mình hơn, trân trọng với những gì cha ông đã làm để có ngày hôm nay, một đất nước Việt Nam hòa bình và đang phát triển. Thế hệ sau cũng phải biết qua 2 cuộc kháng chiến 30 năm để bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, nhân dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại, được cả thế giới thán phục, là niềm tự hào của mọi người Việt Nam... Nhưng cuộc đấu tranh của nhân dân ta cho một đất nước Việt Nam phồn vinh, vững mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ, tiến bộ xã hội... còn ở phía trước, còn lâu dài và đầy thử thách. Những người con của đất Việt ngày nay và ngày mai không thể lơ là đối với nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước.

 

Chúng tôi - thế hệ của những người kháng chiến mong muốn và tin tưởng các thế hệ sau sẽ càng vững vàng và có trí tuệ cao hơn, xứng đáng với truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc Việt Nam.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek