Thứ Hai, 30/09/2024 04:35 SA
Quốc hội nghe trình năm dự án luật
Thứ Năm, 08/11/2007 09:57 SA

Ngày 7/11, kỳ họp thứ hai, QH khóa XII bước sang ngày làm việc thứ 14, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, các đại biểu nghe Chính phủ trình năm dự án luật và các báo cáo thẩm tra về các dự án này.

 

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân khi trưng mua, trưng dụng tài sản

 

Mở đầu ngày làm việc, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ  đọc  Tờ  trình  của  Chính  phủ  về  dự  án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, nêu rõ sự cần thiết xây dựng luật và  những nội dung chủ yếu của luật này.

 

Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản cho biết: Ủy ban Pháp luật  của QH  tán thành  việc ban hành Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản cùng với những quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa.

 

Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường; tạo cơ sở pháp lý cho việc Nhà nước huy động các nguồn lực vật chất bằng mệnh lệnh hành chính trong những trường hợp cụ thể và hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có tài sản bị trưng mua, trưng dụng,  tạo môi trường  pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Báo cáo thẩm tra cũng nêu một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau  về hình thức của quyết định trưng mua, trưng dụng, về thẩm quyền  quyết định trưng mua, trưng dụng; điều kiện trưng mua, trưng dụng, nguồn kinh phí trưng mua, trưng dụng, việc quản lý, sử dụng và xử lý tài sản trưng mua, trưng dụng... trong dự án luật.

 

Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản nhà nước

 

 Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đọc Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, nêu rõ kết quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong thời gian qua và những hạn chế, yếu kém trong công tác này; sự cần thiết ban hành luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước để đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản Nhà nước trong thời gian tới.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật này, cho biết: Trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã dần đi vào nền nếp. Chính phủ đã tiến hành tổng kiểm kê tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trong phạm vi toàn quốc vào năm 1998. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về thẩm quyền, chế độ quản lý, sử dụng; định mức sử dụng; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể quản lý, sử dụng được ban hành đã giúp cho công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được thống nhất, công khai, minh bạch hơn.

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng tài sản nhà nước không được sử dụng đúng mục đích, kém hiệu quả và không được quản lý chặt chẽ, gây thất thoát, lãng phí còn nhiều. Việc phân cấp quản lý tài sản nhà nước chưa được thực hiện một cách triệt để, dẫn đến không xác định được trách nhiệm khi xảy ra hậu quả. Tình trạng tham ô, tham nhũng không những không giảm mà còn gia tăng, cá biệt có vụ làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

 

 Ủy ban Pháp luật  của QH tán thành với Chính phủ về sự cần thiết phải sớm ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và cho rằng, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước là một vấn đề quan trọng, có vai trò quyết định trong việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm thực thi pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng; tạo cơ sở pháp lý nhằm thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, loại bỏ cơ chế xin - cho, cơ chế phân phối dựa theo quan hệ thân quen, tư tưởng thừa còn hơn thiếu trong nền kinh tế tập trung, bao cấp trước đây.

 

Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải giải quyết có hiệu quả các quan hệ giữa nhu cầu và sử dụng; quyền đi đôi với trách nhiệm; tài sản gắn với quyền tài sản; gây thiệt hại và bồi thường thiệt hại; phân biệt rạch ròi chức năng, nhiệm vụ của chủ thể quản lý nhà nước về tài sản và chủ thể quản lý, sử dụng tài sản...     

 

Nâng cao hiệu quả hoạt động Chữ thập đỏ

 

 Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Ngọc Tăng đọc tờ trình dự án Luật Hoạt động Chữ  thập đỏ, đánh giá kết quả hoạt động Chữ thập đỏ của nước ta hơn 60 năm qua và nêu  sự cần thiết ban hành Luật này.

 

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật này nhận xét thời gian qua, các hoạt động Chữ thập đỏ đã góp phần quan trọng trong hoạt động nhân đạo, từ thiện và ngày càng hiệu quả, được đánh giá cao, huy động được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thông qua các hoạt động cứu trợ khẩn cấp nạn nhân thiên tai, thảm họa, cứu trợ thường xuyên đối với những người gặp khó khăn trong cuộc sống; tham gia phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, chăm sóc, nuôi dưỡng người có công với cách mạng, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm.

 

Việc ban hành một đạo luật để điều chỉnh quan hệ xã hội liên quan hoạt động nhân đạo, từ thiện là cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối của Ðảng và Nhà nước đối với hoạt động Chữ thập đỏ ở nước  ta. Báo cáo thẩm tra đề nghị cần quy định cụ thể một bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này nhằm xác định rõ trách nhiệm trong việc xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động chữ thập đỏ.

 

Năng lượng nguyên tử - nhu cầu bức thiết của sự nghiệp phát triển đất nước

 

Dự án Luật Năng lượng nguyên tử do Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình trước QH gồm 12 chương, 103 điều.

 

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Năng lượng nguyên tử do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Ðặng Vũ Minh trình bày khẳng định việc nghiên cứu và sử dụng năng lượng nguyên tử đã và đang mang lại những lợi ích to lớn; đồng thời chỉ rõ những khó khăn  mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong việc đáp ứng nhu cầu về năng lượng vì nguồn tài nguyên không tái tạo này nhanh chóng rơi vào tình trạng cạn kiệt, trong khi nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng từ sức gió... chỉ cung cấp được khoảng 10% tổng số năng lượng cần thiết. 

 

Theo số liệu nghiên cứu của Bộ Công thương, sơ bộ cân đối nhiên liệu cho sản xuất điện theo các phương án phụ tải ở các năm 2015, 2020 và 2030 cho thấy, với tổng nhu cầu điện dự báo theo phương án cao và tổng sản lượng điện có thể cung cấp từ các nguồn than, khí đốt, thủy điện và năng lượng mới ở nước ta thì còn thiếu tới 23,8 tỷ kWh vào năm 2015; 104,1 tỷ kWh vào năm 2020 và 375 tỷ kWh vào năm 2030. Do đó, việc phát triển điện hạt nhân là một giải pháp quan trọng. Nhà máy điện hạt nhân so với nhà máy nhiệt điện thì ít gây ô nhiễm môi trường hơn; so với nhà máy thủy điện thì chiếm diện tích nhỏ hơn, ít gây thiệt hại về đất đai, rừng, đa dạng sinh học, v.v... nhưng yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh là rất cao.

 

Việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đặt ra nhu cầu cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Những quy định của Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ đến nay đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Vì vậy, việc ban hành văn bản luật có tính pháp lý cao hơn là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập nói trên, đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử; đổi mới phương thức quản lý, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật; tăng cường trách nhiệm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng năng lượng nguyên tử, v.v.

 

Một số hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình trước QH dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường  chỉ rõ một số hạn chế lớn nhất mà công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đang gặp phải. Ðó là: việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhìn chung còn chưa thật sự khoa học, thiếu những định hướng chính sách pháp luật, làm cho quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật ít nhiều gặp khó khăn, lúng túng, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng soạn thảo văn bản.

 

Một số luật, pháp lệnh được ban hành thiếu tính khả thi hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí các nguồn lực. Chưa có sự phân công rành mạch và hợp lý giữa các cơ quan trong quá trình soạn thảo, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan liên quan trong quá trình đó, dẫn đến tình trạng chờ đợi, dựa dẫm nhau, làm chậm tiến độ soạn thảo và giảm chất lượng của văn bản. Quy trình soạn thảo văn bản chưa thật sự phát huy được sự tham gia  của các tổ chức, cá nhân liên quan.

 

Việc lấy ý kiến của nhân dân, của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản còn hình thức; thiếu cơ chế đề cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong việc nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự thảo. Quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn nhiều chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn; việc thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan trong việc hợp nhất, pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật, cũng làm cho việc tra cứu, áp dụng pháp luật gặp khó khăn. Mặt khác, việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trên thực tế cũng chưa thống nhất. 

 

Báo cáo thẩm tra dự án Luật này do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày nhất trí cao với những đánh giá được nêu trong Tờ trình của Chính phủ về những kết quả, tồn tại và hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ðồng thời khẳng định, việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết để khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục cải tiến quy trình lập pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả, công khai và minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

(NDO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek